Hàng Việt thẳng đường qua Mỹ
Sau khi hai cảng container nước sâu SP-PSA và Tân Cảng - Cái Mép tại Bà Rịa - Vũng Tàu đi vào hoạt động, nhiều hãng tàu đã triển khai dịch vụ vận chuyển hàng hóa đi thẳng từ VN qua Mỹ, thay vì phải trung chuyển qua một số cảng quốc tế khác như trước đây.
Hiện có bốn hãng tàu đã khai thác hành trình đi trực tiếp từ cảng Tân Cảng - Cái Mép sang Mỹ là Hanjin (Hàn Quốc); MOL, K’Line (Nhật); APL (Singapore).
Rút ngắn thời gian, hạn chế rủi ro
Đại diện Công ty cảng quốc tế SP-PSA cho biết hiện nay mỗi tuần cảng này thường xuyên có tàu mẹ của các hãng K’Line (Nhật Bản) và APL (Singapore) cập cảng SP-PSA vào thứ tư và thứ năm. Thay vì hàng hóa xuất khẩu phải trung chuyển qua một số cảng khác ở Singapore, Hong Kong... các tàu này sẽ đi trực tiếp từ VN qua bờ đông và bờ tây nước Mỹ.
Ông Nguyễn Đức Anh, trưởng phòng kinh doanh Hãng tàu K’Line tại VN, cho biết tàu của hãng này có công suất vận chuyển hơn 4.000 TEU (tương đương 4.000 container 20 feet). So với việc phải trung chuyển hàng qua cảng ở các nước khác trước đây, hàng xuất khẩu đi trực tiếp sẽ rút ngắn được ít nhất hai ngày.
Hãng tàu APL (Singapore) hiện đang khai thác tuyến đi trực tiếp đến cả bờ đông và bờ tây nước Mỹ, sử dụng các tàu có sức chở 3.800-4.500 TEU. Ông Nguyễn Phan Anh, giám đốc kinh doanh của APL tại VN, cho biết không phải trung chuyển qua các cảng quốc tế khác như trước đây, hàng hóa xuất khẩu của VN tham gia dịch vụ đi thẳng chỉ mất khoảng 15 ngày, thay vì 17 ngày. Không những thời gian vận chuyển ngắn mà hàng hóa cũng an toàn hơn do không phải trung chuyển, đồng thời cước phí vận chuyển cũng sẽ giảm do vận chuyển bằng tàu lớn. Chưa kể tuyến dịch vụ này có thể vận chuyển các loại container cỡ lớn, loại 48 feet và 53 feet.
Đi thẳng, nhiều việc phải làm
Ông Nguyễn Phan Anh cho rằng với các dịch vụ mới trên, giá cước vận chuyển hàng từ VN đi Hoa Kỳ đã có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực. Do đó có thể nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa VN xuất khẩu sang thị trường này. Các doanh nghiệp VN sẽ có thêm lựa chọn, giảm thiểu các rủi ro về chậm đơn hàng, nhất là khi đường vào cảng Cát Lái hiện nay thường xuyên xảy ra hiện tượng kẹt xe.
Tuy nhiên có một thực tế là nhiều nhà xuất khẩu vẫn chưa mạnh dạn sử dụng hải trình mới dù mang lại nhiều lợi ích do đã quen với cách vận chuyển cũ. Đại diện một doanh nghiệp may xuất khẩu ở Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay đơn vị này vẫn làm hàng rồi vận chuyển lên cảng Cát Lái ở TP.HCM để xuất đi, chứ chưa xuất hàng qua cảng SP-PSA hay cảng Tân Cảng - Cái Mép, mặc dù hai cảng này nằm ngay tại địa phương và đã đi vào hoạt động được trên hai tháng. Trong khi đó, một số doanh nghiệp thường xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ cho biết do họ thường chỉ ký những hợp đồng nhỏ nên vẫn chỉ đi các tàu nhỏ.
Ông Trần Quốc Mạnh, tổng giám đốc Công ty SADACO, cho biết đơn vị này xuất khẩu một số mặt hàng đồ gỗ sang Mỹ. Mặc dù biết có dịch vụ tàu lớn đi thẳng sang Mỹ ở hai cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu từ cuối tháng 6 đến nay nhưng vẫn chưa tận dụng được.
Theo ông Mạnh, đa số doanh nghiệp xuất khẩu của VN hiện nay đều xuất theo điều kiện FOB (giao hàng tại cảng bên bán) nên trong hợp đồng, nhà nhập khẩu là bên được chỉ định hãng tàu. Thế nên dù muốn tận dụng các chuyến đi thẳng để được giảm giá cước, tăng tính cạnh tranh về giá với hàng các nước nhưng lại không được chủ động nên vẫn chưa làm được. Ông Mạnh cho rằng các nhà xuất khẩu chỉ khai thác được những thuận lợi trong dịch vụ mới mà các hãng tàu mang lại khi xuất khẩu theo các điều kiện CIF (giao hàng tại cảng bên mua).
Đại diện các hãng tàu cho rằng doanh nghiệp VN cần đàm phán, giao hàng theo điều kiện CIF để được chủ động mua bảo hiểm và có thể lựa chọn hãng tàu có tuyến đi thẳng sang Mỹ.
Bạch Hoàn
Tuổi trẻ
|