Giải mã vấn đề căng thẳng ngoại tệ như thế nào?
Hiện tình hình cung cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại hối đang căng thẳng và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang cố gắng giải quyết sự căng thẳng này chủ yếu bằng những biện pháp hành chính. Những biện pháp mà NHNN thực hiện liệu có khả thi hay là cần phải có những biện pháp kinh tế?
Căng thẳng ngoại tệ do nhà xuất khẩu găm giữ ngoại tệ?
NHNN cho rằng việc các nhà xuất khẩu găm giữ ngoại tệ là một trong những lý do chính đẩy tình hình căng thẳng ngoại tệ trên thị trường lên cao. Và như vậy, theo NHNN, cần phải có những biện pháp tuyên truyền động viên để cho họ nhận thức được vấn đề, từ đó hy vọng rằng họ sẽ bán lại lượng ngoại tệ từ xuất khẩu cho ngân hàng, góp phần làm giảm nhẹ tính căng thẳng ngoại tệ hiện nay.
Rõ ràng đây là một biện pháp dễ thực hiện và đặc biệt là rất ít tốn kém nhất nhưng tiếc thay thực khó mà đặt hy vọng vào tính hiệu quả của nó. Về mặt này có thể thấy rằng NHNN đang thực hiện chức năng của một bộ quản lý nhà nước thay vì là một ngân hàng trung ương thực sự. Trong các quan hệ kinh tế thì biện pháp khuyến khích hiệu quả nhất là biện pháp kinh tế hoặc là những lợi ích kinh tế chứ không phải là tuyên truyền động viên.
Đúng là có chuyện các nhà xuất khẩu găm giữ ngoại tệ nhưng hãy phân tích vì sao họ lại găm giữ ngoại tệ? Không khó để nhận ra rằng có những động cơ kinh tế nằm phía sau các hành vi này.
Một lý do cơ bản là các nhà xuất khẩu đang đặt kỳ vọng vào tỷ giá trong tương lai sẽ tăng lên xét theo viễn cảnh các yếu tố kinh tế vĩ mô hiện nay. Khi ấy, việc nắm giữ ngoại tệ không những giúp cho họ chủ động hơn trong việc nhập khẩu sau này, phòng tránh được rủi ro tỷ giá mà còn là một hạng mục đầu tư sinh lợi tốt hiện nay.
Cũng cần lưu ý là nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu từ trước đến nay chưa bao giờ đủ bù đắp cho nhu cầu nhập khẩu do cán cân thương mại của Việt Nam hàng năm luôn thâm hụt. Cầu ngoại tệ nhập khẩu trong điều kiện đó cần được tài trợ từ các nguồn khác như vay thương mại (sẽ tạo cầu ngoại tệ kỳ hạn), đầu tư nước ngoài, và dự trữ ngoại hối của NHNN. Chính vì vậy, vấn đề căng thẳng ngoại tệ hiện nay trên thị trường không thể đổ hết lỗi cho nhà xuất khẩu mà phải nhìn lại các chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tỷ giá và chính sách lãi suất.
Nhà nhập khẩu cũng dự phần?
Có thể ví tình hình căng thẳng ngoại tệ hiện nay giữa nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu như thể “kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Nhà nhập khẩu có nhu cầu ngoại tệ để thanh toán tiền hàng nhập khẩu, đó là một nhu cầu hợp lý. Vấn đề cần phân tích sâu hơn một chút là họ nhập khẩu cái gì, và nó có tác động như thế nào đến tăng trưởng kinh tế cũng như vấn đề việc làm và thu nhập ở góc độ vĩ mô. Nhưng dẫu họ có nhập khẩu các mặt hàng không phù hợp với định hướng hay quan điểm tăng trưởng của chính phủ thì cũng không thể làm ngơ trước những căng thẳng hiện nay vì nó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp mà hệ quả cũng nằm ở vấn đề tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội.
Nhu cầu nhập khẩu của các doanh nghiệp tăng lên hiện nay cũng cần phải được phân tích kỹ hơn để xem đó có phải là dấu hiệu cho thấy một sự phục hồi kinh tế hay không. Từ trước đến nay năm nào cán cân thương mại của Việt Nam cũng thâm hụt. Nhu cầu nhập khẩu là rất lớn so với hoạt động xuất khẩu và so với quy mô của một nền kinh tế mở và nhỏ đang hội nhập như Việt Nam. Vậy nên trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay, nhu cầu nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục được duy trì hoặc tăng lên cho thấy nền kinh tế vẫn còn sức sống hoặc là dấu hiệu của sự phục hồi tăng trưởng. Vấn đề này sẽ còn phải được phân tích thấu đáo hơn ở nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó có yếu tố cầu nhập khẩu ảo.
Có yếu tố đầu cơ không?
Cần phải thừa nhận rằng sự căng thẳng ngoại tệ hiện nay không thể không có yếu tố đầu cơ. Không ít nhu cầu nhập khẩu hàng hóa có thể chỉ là chiếc vỏ bọc cho nhu cầu đầu cơ ngoại tệ. Nhưng phân tích kỹ sẽ thấy rằng cơ hội để đầu cơ trên thị trường ngoại hối hiện nay được tạo ra bởi sự sơ hở, tính hạn chế hay mặt trái của các chính sách kinh tế hiện nay.
Trước hết phải nói đến chính sách hỗ trợ lãi suất 4% của Chính phủ. Chính sách này giúp làm giảm gánh nặng chi phí vốn vay của các nhà sản xuất thông qua khoản hỗ trợ lãi suất 4% so với lãi suất vay vốn thực tế của doanh nghiệp từ tiền ngân sách chứ không phải từ việc nới lỏng chính sách tiền tệ của NHNN nhằm giảm mặt bằng lãi suất 4%. Như vậy chính sách này đang tạo ra cơ chế hai lãi suất cho vay trong nền kinh tế, đó là lãi suất cho vay thông thường và lãi suất cho vay đã được hỗ trợ.
Mặc dù quyết định hỗ trợ lãi suất của Chính phủ đưa ra những nhóm đối tượng và điều kiện được hỗ trợ lãi suất nhưng do thông tin bất cân xứng mà trong thực tế hầu hết các doanh nghiệp đều có thể tiếp cận vốn hỗ trợ lãi suất. Do vậy mà lãi suất cho vay được gọi là “thông thường” thì lại là lãi suất “bóng”, còn lãi suất đã được hỗ trợ mới là lãi suất cho vay theo nghĩa “thông thường”. Các doanh nghiệp sẽ vay vốn bằng đồng nội tệ theo mức lãi suất hỗ trợ và chuyển sang nắm giữ ngoại tệ. Nhưng để tránh cơ chế quản lý ngoại hối của NHNN mà nhu cầu ngoại tệ đầu cơ được che đậy bởi vỏ bọc nhập khẩu hàng hóa.
Chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ có thời hạn tám tháng tính từ tháng 2-2009, nên không lâu nữa mặt bằng lãi suất sẽ trở về trạng thái thực của nó để phản ánh cung cầu quỹ cho vay và sức nóng lạm phát dần hiện rõ trong nền kinh tế Việt Nam. Khi ấy tỷ giá kỳ hạn sẽ có khuynh hướng tăng lên đúng như kỳ vọng và những tài khoản ngoại tệ sẽ được chuyển đổi sang nội tệ để trả nợ vay và hiện thực hóa lợi nhuận có được. Thị trường ngoại hối lúc bấy giờ có thể lại phải gánh chịu một làn sóng căng thẳng mới theo chiều hướng ngược lại.
Biện pháp hành chính hay biện pháp kinh tế?
Giải quyết vấn đề căng thẳng ngoại tệ hiện nay không thể chỉ đơn giản bằng những biện pháp hành chính mà phải là các biện pháp kinh tế.
Trước hết là chính sách tỷ giá. Tỷ giá do NHNN công bố hiện nay không thể phản ánh được mặt bằng tỷ giá trong nền kinh tế. Trong khi đó, biên độ giao động tỷ giá ±5% mà NHNN giới hạn không thể giải quyết được bài toán tỷ giá hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng NHNN cần nới lỏng hơn nữa biên độ tỷ giá này để tỷ giá trên thị trường có thể phản ánh được cung cầu ngoại tệ. Đây có thể là một đề xuất tốt để Việt Nam dần tiến tới một cơ chế tỷ giá có tính “cởi mở” hơn. Đặc biệt, khi tỷ giá giao dịch của các ngân hàng hiện đều đạt trần biên độ +5% so với tỷ giá do NHNN công bố.
Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt không phải nằm ở biên độ tỷ giá mà là một cơ chế tỷ giá linh hoạt mà Việt Nam đang thiếu. Luật NHNN quy định tỷ giá hối đoái được hình thành trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Thế nhưng, tỷ giá mà NHNN công bố hiện quá cứng nhắc và chưa bao giờ có thể phản ánh được cung cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ cả. Còn vấn đề điều tiết tỷ giá của Nhà nước phải gắn với mục tiêu chính sách tiền tệ nhưng mục tiêu chính sách thì lại quá chung và không rõ ràng mà ngay chính những người thực thi chính sách cũng không chắc chắn.
Theo nguyên lý thì khi cầu ngoại tệ tăng nhanh, trong khi cung ngoại tệ không tăng hoặc tăng chậm hơn thì áp lực tỷ giá phải gia tăng. NHNN nếu muốn duy trì mức tỷ giá mục tiêu thấp như công bố thì phải đóng vai trò là người bán ngoại tệ ra thị trường. Nhớ lại trong năm 2007 khi đồng nội tệ lúc ấy đứng trước áp lực tăng giá mạnh so với đồng đô la, NHNN đã mua vào một lượng lớn ngoại tệ làm dự trữ và kịp thời bình ổn tỷ giá.
Bây giờ có lẽ là lúc NHNN cần phải bán ngoại tệ ra thị trường để giảm áp lực giảm giá nội tệ. Tuy nhiên vấn đề còn nằm ở chỗ tỷ giá mục tiêu là bao nhiêu trong điều kiện kinh tế vĩ mô hiện nay và triển vọng sắp tới. Tỷ giá hiện nay do NHNN công bố là thấp và không thể xem đó là tỷ giá mục tiêu cần điều chỉnh được. Lý do là để duy trì tỷ giá mục tiêu thấp như vậy thì phí tổn đối với nguồn lực mà NHNN phải bỏ ra rất lớn.
Hơn nữa nó không góp phần giải quyết được cái lý do người ta phải găm giữ và đầu cơ ngoại tệ như phân tích ở trên. Tỷ giá mục tiêu phải điều chỉnh dần theo hướng tiệm cận đến tỷ giá kỳ hạn sau thời điểm chính sách hỗ trợ lãi suất hết hiệu lực. Làm như vậy, NHNN phải giảm dần dự trữ ngoại tệ đến một giới hạn hợp lý.
Chỉ một chính sách tỷ giá để giải tỏa căng thẳng ngoại tệ hiện nay là chưa đủ hoặc kèm theo là chi phí quá lớn như đã phân tích. Chính sách lãi suất hiện nay của NHNN cũng cần thay đổi. Theo đó, lãi suất phải được điều chỉnh tăng lên theo tín hiệu ấm lên của nền kinh tế. Lãi suất cơ bản hiện vẫn được NHNN duy trì ở mức 7% một năm là khá thấp. Thay vào đó nó phải được điều chỉnh một cách linh hoạt hơn sao cho có thể phản ánh được tỷ suất lợi nhuận trong nền kinh tế đang có khuynh hướng tăng lên chứ không phải lo sợ hiệu ứng tâm lý về lạm phát kỳ vọng.
Tăng trưởng tín dụng cao như hiện nay có nguy cơ là một ngòi nổ chậm của lạm phát. Việc điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu là một động thái chính sách cần thiết của NHNN hiện nay với kỳ vọng sẽ là “một mũi tên trúng hai đích”. NHNN cần phối kết giữa chính sách tỷ giá với chính sách lãi suất sao cho có thể thiết lập lại trạng thái cân bằng trên hai thị trường tiền tệ và ngoại hối mà hiện nay đang bị lệch về phía thị trường ngoại hối. Chắc chắn NHNN sẽ còn nhiều việc phải làm nhưng giải quyết được yêu cầu này thì vấn đề căng thẳng ngoại tệ hiện nay cơ bản được giải tỏa.
Đỗ Thiên Anh Tuấn
TBKTSG Online
|