Đua nhau huy động kỳ hạn ngắn
Sau khi Ngân hàng (NH) Nhà nước (SBV) ban hành Thông tư số 15/2009/TT- NHNH quy định các NH thương mại chỉ được sử dụng 30% vốn ngắn hạn (tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng) để cho vay trung và dài hạn (thời hạn vay từ 12 tháng trở lên), lập tức thị trường tiền tệ đã có phản ứng nhất định.
Số lượng tiền gửi ngắn hạn tại các ngân hàng tăng lên, tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn sẽ giảm xuống.
“Vắt chân lên cổ”
Như vậy, so với quy định cũ (NH được sử dụng 40% vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn), các NH phải giảm 10% việc sử dụng vốn ngắn để cho vay trung và dài hạn. Quy định mới của SBV được xem là một biện pháp bảo đảm an toàn hoạt động cho các NH vì dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn là cực kỳ rủi ro. Tuy nhiên, trên thực tế, trong tổng nguồn vốn huy động của các NH có đến 90% là tiền gửi ngắn hạn. Một số NH đã sử dụng hết 40% vốn ngắn hạn đang đứng trước tình thế phải nhanh chóng giảm tỉ lệ sử dụng vốn.
Thông tư 15 có hiệu lực rơi vào đầu tháng 10-2009, khi đó NH nào có tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn không đúng quy định sẽ không được sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn và phải có giải pháp điều chỉnh tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn về đúng quy định, hạn chót là ngày 1-1-2010. Do đó, nhiều NH “vắt chân lên cổ” để huy động vốn vì hiệu lực thi hành của Thông tư 15 chỉ còn hơn 40 ngày. Nếu lượng tiền gửi ngắn hạn tại các NH tăng lên thì tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn sẽ giảm xuống.
Ứng phó tỉ lệ sử dụng vốn theo đúng quy định, một trong những giải pháp cấp tốc của các NH là tăng lãi suất đầu vào, thu hút người gửi tiền ngắn hạn, đẩy nhanh tốc độ huy động vốn.
NH TMCP Sài Gòn (SCB) tăng lãi suất kỳ hạn 1 tuần đến 3 tháng với mức tăng từ 0,1% - 0,7%/năm. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 3 tuần: 7,7%/năm; kỳ hạn 1 tháng: 8,2%/năm. NH Đông Nam Á cũng tăng thêm lãi suất với mức tăng cao nhất là 1,2%/năm, trong đó kỳ hạn tiền gửi 6 tháng lên tới 8,85%/năm. Để tăng cường nguồn vốn, NH Hàng hải tung ra thị trường sản phẩm “Lãi suất cao nhất”, theo đó kỳ hạn 3 tháng lãi suất 8,7%/năm, 6 tháng lãi suất 9%/năm. NH Đông Á nhanh chân phát hành kỳ phiếu, mệnh giá 10 triệu đồng, kỳ hạn 11 tháng, lãi suất 8,8%/năm và đã huy động được 300 tỉ đồng trong vòng một tháng (từ ngày 10-7 đến 10-8)... Trong khi đó, lãi suất tiền gửi của các NH lớn có thế mạnh về vốn tự có vẫn “bình chân như vại”.
Sẽ hình thành mặt bằng lãi suất mới
Các chuyên gia tài chính cho rằng lãi suất kỳ hạn ngắn của một số NH nhỏ sẽ kéo lãi suất của NH lớn lên theo vì các NH lớn luôn e ngại người dân chuyển dịch tiền gửi từ NH này đến NH khác. Thị trường tiền tệ sẽ hình thành mặt bằng lãi suất mới trong thời gian tới. Tuy tỉ lệ sử dụng vốn có giảm nhưng người dân vẫn tập trung gửi tiền kỳ hạn ngắn. Khi lượng tiền gửi ngắn hạn tăng mạnh, các NH sẽ đáp ứng được nhu cầu thị trường. Hiện nhu cầu vay vốn theo lãi suất thỏa thuận ngày càng tăng, bảo đảm lợi nhuận cho các NH. Nhiều người cho rằng điều quan trọng là các NH cần nâng cấp chất lượng tín dụng, nhất là cho vay tiêu dùng bởi các khoản vay này thường dài hạn, trong khi nguồn vốn để cho vay chủ yếu là ngắn hạn.
Theo SBV, huy động vốn trung và dài hạn của các NH còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến các rủi ro tiềm ẩn do chênh lệch về kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn. Vì vậy, quy định mới về tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn sẽ giúp các NH thương mại an toàn thanh khoản.
Thy Thơ
Người lao động
|