Thứ Tư, 26/08/2009 16:00

Đòn bẩy tài chính: Cấm hay quản?

Không ít NĐT lựa chọn đòn bẩy tài chính do các CTCK tạo ra, trong đó phổ biến là giao dịch bảo chứng. Và chính việc giao dịch bảo chứng đã khuyến khích NĐT đầu tư ngắn hạn, “lướt sóng” nhiều hơn là nắm giữ dài hạn.

Phiên giao dịch cuối tuần trước (ngày 21/8) lập nên một kỷ lục mới trên TTCK khi tổng giá trị giao dịch hai sàn niêm yết đạt trên 5.000 tỷ đồng. Trung bình giá trị giao dịch nhiều phiên gần đây cũng lên tới 2.000 - 3.000 tỷ đồng/phiên. Nhiều ý kiến cho rằng, luồng tiền này một phần không nhỏ đến từ các đòn bẩy tài chính dưới các hình thức bảo lãnh nghĩa vụ thanh toán (bảo chứng), cầm cố, repo, hợp đồng hợp tác đầu tư…

Theo tìm hiểu của ĐTCK, nhờ việc triển khai các đòn bẩy tài chính này mà có những CTCK đã lôi kéo được một lượng lớn khách hàng và lọt vào top công ty có thị phần môi giới lớn...

Bùng nổ…

Kết hợp với các ngân hàng, CTCK Vincom (VincomSC) vừa tung ra thị trường sản phẩm cho vay vốn mua chứng khoán T+4. Tham gia dịch vụ này, NĐT được phép vay tối đa 300% giá trị khách hàng ký quỹ đối với các chứng khoán niêm yết tại HOSE và tối đa 185% tại HNX. Chẳng hạn, trong tài khoản NĐT có một lượng chứng khoán A (niêm yết tại HOSE) thị giá là 100 triệu đồng vào ngày 25/8. Vào thời điểm này, VincomSC sẽ xác định chứng khoán đó có giá trị 75 triệu đồng và cho NĐT vay khoảng hơn 200 triệu đồng để tiếp tục đầu tư chứng khoán B. Đến thời điểm T+4, NĐT sẽ phải bán chứng khoán B để thanh toán khoản vay. Nếu giá chứng khoán B không giảm vào thời điểm T+4 và NĐT có nhu cầu, VincomSC có thể gia hạn chậm trả thêm 2 ngày. Theo một môi giới của CTCK này thì giả sử sau khi NĐT vay, dù giá chứng khoán A có giảm sàn 4 phiên liên tiếp thì với tỷ lệ cầm cố thấp (bằng 75% thị giá), CTCK vẫn thu hồi được vốn và phí.

Bảo chứng cũng là sản phẩm được nhiều NĐT lựa chọn tại CTCK An Phát (APSI). Nếu NĐT có giá trị chứng khoán là 1 tỷ đồng sẽ được CTCK cho vay tiếp 1 tỷ đồng để mua chứng khoán khác. Sau khi mua, nếu giá chứng khoán giảm khiến tổng giá trị chứng khoán trong tài khoản NĐT giảm xuống còn khoảng 1,6 tỷ đồng thì CTCK sẽ tất toán tài khoản và thu hồi vốn + phí. Mức phí cho việc bảo lãnh trách nhiệm thanh toán là 1,035%/tháng. Thời gian vay tối thiểu là 4 ngày và tối đa là 1 tháng. Ngoài dịch vụ này, APSI còn triển khai nhiều dịch vụ tài chính như cho vay ứng trước ngay sau khi có kết quả khớp lệnh, cầm cố cổ phiếu niêm yết, repo cổ phiếu chưa niêm yết.

Để đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn của khách hàng, CTCK Bảo Minh (BMSC) cũng hợp tác với các ngân hàng như BIDV, Vietinbank…, cung cấp dịch vụ cầm cố chứng khoán, ứng trước tiền bán chứng khoán. Tùy vào từng danh mục chứng khoán do BMSC đưa ra, NĐT có thể được cầm cố từ 30 - 45% giá trị chứng khoán cầm cố để đầu tư. Những loại chứng khoán có tính thanh khoản cao sẽ được cầm cố với tỷ lệ lớn. Chẳng hạn, trong tài khoản có 100 triệu đồng, NĐT có thể được ngân hàng hỗ trợ đến 150 triệu đồng để đầu tư. Tài sản thế chấp chính là số chứng khoán NĐT đã đầu tư. Thời hạn tối đa cho vay cầm cố là 6 tháng, tối thiểu là 10 ngày với mức lãi suất 0,3%/tháng (dưới 50 triệu đồng), 0,25% (từ trên 50 triệu đến dưới 100 triệu đồng), 0,2% (trên 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng) và 0,15% (từ trên 500 triệu đồng trở lên).

…cần đưa vào khuôn khổ!

Không ít NĐT lựa chọn đòn bẩy tài chính do các CTCK tạo ra, trong đó phổ biến là giao dịch bảo chứng. Theo quy định, trong vòng 3 ngày CTCK phải hoàn thành nghĩa vụ thanh toán, trong khi NĐT thường phải có 100% tiền trong tài khoản mới được mua chứng khoán. Vì thế, nhiều CTCK đưa ra sản phẩm cho vay T+1, T+2 để hỗ trợ NĐT. Thậm chí, với tiềm lực tài chính mạnh, có công ty đưa ra sản phẩm T+60…

Có thể nói, việc giao dịch bảo chứng khuyến khích NĐT đầu tư ngắn hạn, “lướt sóng” nhiều hơn là nắm giữ dài hạn. Hiện nay, với mỗi giá trị đảm bảo khác nhau, thời gian chậm thanh toán sẽ khác nhau. Chẳng hạn, sản phẩm cho vay T+4 tại VincomSC kích thích NĐT giao dịch lướt sóng rất mạnh mẽ. NĐT chịu áp lực thanh toán sau khi chứng khoán về tài khoản nên họ sẽ phải bán ra ngay chứng khoán. Vì thế, nếu thị trường giảm và mất thanh khoản sẽ là một thảm họa đối với NĐT. Mặt khác, khi đứng ra bảo lãnh trách nhiệm thanh toán, các CTCK đều định giá cổ phiếu ở một mức thấp hơn so với thị giá tại thời điểm bảo lãnh. Tuy nhiên, nếu thị trường mất thanh khoản thì số lượng bảo lãnh không nhỏ này cũng trở thành áp lực giải chấp rất lớn cho thị trường.

Vào tháng 3/2008, Hiệp hội Các NĐT tài chính Việt Nam (VAFI) đã có văn bản kiến nghị UBCK cấm các CTCK không nên cho vay mua - bán khống (mua chứng khoán không có tiền hoặc có tài sản đảm bảo, chứng khoán chưa về tài khoản nhưng vẫn trở thành tài sản đảm bảo) vì nhiều lý do. Đến thời điểm này, khi thị trường đã trải qua nhiều biến động, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI vẫn bảo lưu quan điểm trên khi cho rằng, NĐT nên đầu tư bằng tiền tự có để tránh rủi ro cho mình và cho cả thị trường. Chấm dứt hình thức mua khống chứng khoán có thể làm cho quy mô giao dịch giảm (trong ngắn hạn) nhưng sẽ ngăn chặn được những nguồn cung nguy hiểm, giảm rất nhiều áp lực cho thị trường. Ông Hải cho rằng, khi chưa cho phép làm thì UBCK hoàn toàn có thể yêu cầu các CTCK ngừng dịch vụ này lại.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, trên thị trường hiện vẫn nghèo nàn sản phẩm, việc các CTCK linh hoạt tạo ra các đòn bẩy tài chính là nhằm phục vụ nhu cầu rất thực của NĐT và tạo thanh khoản cho thị trường. Chính vì thế, theo nhiều chuyên gia tài chính, không nên cấm ngặt mà cần có quy định rõ ràng xung quanh việc sử dụng đòn bẩy tài chính, một mặt kích thích giao dịch nhưng mặt khác vẫn đảm bảo an toàn cho thị trường.

Đông Hải

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Bảo hiểm Bảo Việt bán xong 170,000 cp SD5 (26/08/2009)

>   Đến lượt SSI bán nửa triệu cổ phiếu PVD (26/08/2009)

>   Cổ phiếu hàng hóa đang trở nên hấp dẫn (27/08/2009)

>   Hoa Kỳ, điểm sáng thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam (27/08/2009)

>   KBC đồng ý cho thành viên nước ngoài tham gia HĐQT (26/08/2009)

>   Chấp thuận nguyên tắc niêm yết bổ sung 510 cổ phiếu C92 (25/08/2009)

>   Ntaco được niêm yết 10 triệu cổ phiếu sàn HOSE (26/08/2009)

>   ST8: Tiếp tục gia hạn nộp BCTC soát xét Quý 2/2009 (26/08/2009)

>   BVS bán không thành công 96,010 cổ phiếu PNC (26/08/2009)

>   Dược Hậu Giang mua lại 1,650 cp làm cổ phiếu quỹ (26/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật