Thứ Hai, 17/08/2009 13:59

Đánh thức rồng

“Sự hợp tác giữa đồng vốn Trung Quốc và kỹ thuật cao Đài Loan… có thể đe dọa các ngành công nghiệp Hàn Quốc”.

Ưng Moris Chang là bằng chứng sống về khả năng thay đổi nền kinh tế của Đài Loan. Sinh ở Đài Loan nhưng là nhà quản trị lâu năm của công ty công nghệ Texas Instruments ở Mỹ, ông Chang được chính quyền Đài Loan mời về nước năm 1985 trong một nỗ lực phát triển nền công nghiệp kỹ thuật cao. Ông được thuê điều hành một trung tâm nghiên cứu do chính quyền tài trợ. Nhưng ngay sau khi ông về nước, một nhà kỹ thuật có tiếng tăm khác là ông Li Kuo-ting đã mời ông Chang đến văn phòng và bảo rằng: “Cậu nghĩ sao về việc mở một công ty?” Cuộc đối thoại đó đã khiến Chang, được nhà nước cung cấp tiền, đứng ra thành Công ty Công nghiệp Bán dẫn Đài Loan (TSMC), bây giờ là công ty chế tạo chíp điện tử lớn nhất thế giới và là một trong những công ty xuất chúng nhất của Đài Loan.

Hóa rồng sau một thế hệ

Trường hợp ông Chang và Công ty TSMC chỉ là một phần trong nỗ lực lớn của Đài Loan trong công cuộc “hóa rồng” mấy chục năm qua. Các công ty sản xuất điện tử khác - chế tạo máy tính xách tay, bộ chip nhớ, màn hình tinh thể lỏng và các bộ phận chính yếu khác - cũng đã phát triển mạnh, biến Đài Loan thành một đầu tàu trong công nghệ điện tử toàn cầu.

Thành công của Đài Loan trong lĩnh vực điện tử là một ví dụ điển hình cho chính sách kinh tế đã đưa hòn đảo này từ nơi nghèo khó thành một đầu tàu kinh tế chỉ trong một thế hệ. Nhưng ngày nay, mô hình mà Đài Loan theo đuổi từ năm 1960 - tập trung hết sức xây dựng các ngành công nghiệp có thể xuất khẩu sản phẩm sang phương Tây giàu có - đã bộc lộ những khiếm khuyết nguy hiểm. Giữa lúc kinh tế khủng hoảng, xuất khẩu hàng điện tử trong nửa đầu năm 2009 giảm 28% so với năm ngoái, góp phần làm cho GDP của Đài Loan giảm 10,2% trong quý 1-2009, quý có mức độ tăng trưởng tồi tệ nhất trong lịch sử hòn đảo. Chính quyền Đài Loan dự tính nền kinh tế sẽ giảm 4,25% trong năm nay.

Nhưng ngay cả trước khủng hoảng, mô hình kinh tế dựa vào xuất khẩu, dựa vào công nghệ của Đài Loan cũng đã gặp khó khăn. Trong thời gian từ năm 2000 đến 2007, GDP của Đài Loan tăng trung bình 4,1% mỗi năm, giảm mạnh so với mức tăng trung bình 6,5%/năm trong thập niên 1990-1999.

Cần tiếp tục đổi mới

Ông Chang nói rằng ngày nay Đài Loan phải tự thay đổi một lần nữa để có được sự phát triển trong tương lai - và ông là người dẫn đầu công cuộc thay đổi đó. Hồi tháng 6, ông Chang tuyên bố sẽ quay lại làm Tổng giám đốc điều hành của Công ty TSMC sau bốn năm không làm việc này - cho dù bây giờ ông đã 78 tuổi - với mục tiêu đưa TSMC vào những ngành công nghiệp mới, chẳng hạn sản xuất pin mặt trời và bóng đèn LED tiết kiệm điện năng. “Sự thay đổi tiếp theo sẽ cần nhiều ý tưởng và sáng tạo. Điều tôi quan tâm nhất đối với Đài Loan hiện nay là vùng lãnh thổ này cần rất nhiều sự đổi mới”, ông Chang nói.

Đó là một quan điểm chung, vang vọng trong các phòng ăn trưa của Công viên Khoa học và Công nghệ Hsinchu, quê hương của ngành công nghiệp kỹ thuật cao Đài Loan, và cả trong văn phòng của nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeuo). Chính quyền và các chủ doanh nghiệp tin rằng kinh tế Đài Loan cần trở nên đa dạng hơn và hòa nhập hơn với các nền kinh tế trong khu vực, nơi mà Trung Quốc đang dần dần thống trị. “Bài học chính mà chúng tôi rút ra được trong cơn sóng thần tài chính này là, chúng tôi quá phụ thuộc vào xuất khẩu, nhất là xuất khẩu công nghệ thông tin,” ông San Gee, người đứng đầu Hội đồng Kế hoạch và Phát triển Kinh tế Đài Loan, cho biết. Ý tưởng chính là “chuyển toàn bộ nền kinh tế sang một giai đoạn khác”.

Chào mừng đến với Chaiwan

“Bạn nghĩ gì về Chaiwan?” Christin Chen, người dẫn chương trình của mạng truyền hình tin tức ETTV Đài Loan, đã hỏi tôi trong một chuyến đi thăm Đài Bắc vào tháng Sáu. Cô ta nói, Chaiwan đang là câu nói cửa miệng ở Đài Bắc. Giới truyền thông Hàn Quốc đã chế ra từ này để chỉ mối quan hệ kinh tế đang lớn dần giữa Trung Quốc (China) và Đài Loan (Taiwan). Nhật báo Kinh tế Seoul, một tờ báo về kinh doanh của Hàn Quốc, vừa mới đăng một loạt bài với tựa đề “Cơn bão Chaiwan đang đến.” Một nhà báo nhận định rằng “sự hợp tác giữa đồng vốn Trung Quốc và kỹ thuật cao Đài Loan… có thể đe dọa các ngành công nghiệp Hàn Quốc”.

Người Hàn Quốc có lý do để lo sợ. Một trong các bệ phóng cho nền tảng kinh tế mà ông Mã Anh Cửu đưa ra là lợi dụng việc phát triển vào thị trường Trung Quốc để thúc đẩy tăng trưởng của các doanh nghiệp Đài Loan. Mặc dù các công ty Đài Loan đã chuyển phần lớn việc sản xuất trình độ thấp sang Trung Quốc, họ vẫn phải hoạt động dưới nhiều ràng buộc khắt khe, chẳng hạn như lệnh cấm đi lại trực tiếp giữa Trung Quốc với Đài Loan, và sự hạn chế đầu tư đã đặt Đài Loan vào thế bất lợi so với các nền kinh tế khác ở châu Á được hưởng quyền tiếp cận rộng rãi hơn với thị trường đại lục.

Từ khi lên nắm quyền vào năm 2008, ông Mã Anh Cửu đã góp phần thúc đẩy quan hệ giữa 2 bờ eo biển Đài Loan. Hai bên đã mở ra “ba liên kết” - liên kết trực tiếp về hàng không, hàng hải và thư tín - trong khi chính quyền Đài Loan hồi tháng 6 đã lần đầu tiên cho phép các công ty Trung Quốc đầu tư vào nhiều ngành công nghiệp Đài Loan. Giờ đây ông Mã muốn tạo dựng một “khung hợp tác kinh tế toàn diện” với Bắc Kinh, cho phép các công ty Đài Loan tiếp cận thị trường Trung Quốc dễ dàng hơn. Ông San Gee tin rằng sự tương đồng về văn hóa và ngôn ngữ sẽ đem lại lợi thế cho các doanh nhân Đài Loan làm ăn tại Trung Quốc và có thể khiến quan hệ đối tác giữa hai bên trở nên vững mạnh. Đài Loan “có một quan hệ đăc biệt đối với Trung Quốc, hoàn toàn khác với các nước khác trong khu vực châu Á. Chính sách của chúng tôi là cho phép các công ty được hoàn toàn tận dụng các lợi thế này. Đây là cơ hội rất tốt để cả hai có thể làm việc cùng nhau và tạo ra những điều lớn hơn”, ông San Gee nói.

Ở Đài Loan cũng có nhiều người lo ngại chiến lược mở cửa với Trung Quốc của ông Mã Anh Cửu sẽ làm trầm trọng hơn những khuyết tật của nền kinh tế qua việc khuyến khích các công ty chuyển cơ sở sang Trung Quốc đại lục, làm mất đi nhiều công ăn việc làm. Tuy nhiên, nhóm tư vấn chính sách cho chính quyền thì cho rằng, việc thắt chặt hơn mối quan hệ sẽ đẩy mạnh nền kinh tế nói chung vì nó tạo điều kiện cho các doanh nhân giữ những bộ phận tiên tiến nhất trong hoạt động kinh doanh - các bộ phận quản lý và nghiên cứu phát triển có mức lương cao chẳng hạn - ở lại Đài Loan, chỉ di chuyển những bộ phận sản xuất, lắp ráp ở hạ nguồn của chuỗi giá trị. Ông San nói rằng tầm nhìn của chính quyền là biến Đài Loan thành một trung tâm điều khiển nền công nghiệp Trung Quốc bằng việc cung cấp chuyên môn về kỹ thuật và sản xuất.

Đã có những nhận định sớm rằng, chiến lược của ông Mã sẽ có hiệu quả. Sun Ta-wen, Chủ tịch công ty chế tạo bản mạch điện tử Taiflex Scientific ở thành phố Cao Hùng, đã lên kế hoạch chuyển thêm nhiều công việc sản xuất sang Trung Quốc để tăng hiệu quả, bất chấp nỗi sợ rằng quyền sở hữu trí tuệ của công ty có thể bị đánh cắp. Giao thông tốt hơn cũng đã làm giảm chi phí vận tải đường biển, giảm thời gian đi lại nên ông Sun quyết định giữ lại Đài Loan các hoạt động nghiên cứu và phát triển và sản xuất cao cấp, thậm chí còn đầu tư thêm 10 triệu đô la Mỹ xây dựng nhà máy thứ ba ở Đài Loan. “Chúng tôi sẽ làm giàu ở Trung Quốc, nhưng sẽ mang của cải về lại Đài Loan” ông Sun nói.

Huỳnh Hoa

VCCI

Các tin tức khác

>   Trung Quốc: FDI giảm 35.7% trong Tháng 7 (17/08/2009)

>   Trung Quốc phải tuân thủ luật đánh bắt cá của EU (17/08/2009)

>   TQ cáo buộc Rio Tinto đánh cắp bí mật thương mại (17/08/2009)

>   Xuất khẩu và các gói kích cầu đẩy Nhật thoát suy thoái (17/08/2009)

>   Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất hai tuần qua (17/08/2009)

>   Kiếm tiền trong thời điểm hỗn loạn (17/08/2009)

>   Dầu khí Trung Quốc bị cáo buộc nhận hối lộ (17/08/2009)

>   Kinh tế Hongkong đã thoát ra khỏi suy thoái (17/08/2009)

>   Mỹ: Ngành bán lẻ vẫn suy yếu (16/08/2009)

>   Kinh tế Hàn Quốc đang phục hồi nhanh chóng (16/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật