Chủ Nhật, 30/08/2009 09:27

Đã đến lúc điều chỉnh chính sách ưu đãi thuế?

Bên cạnh gói kích cầu, Chính phủ cũng áp dụng các biện pháp giảm, giãn thuế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) vượt khó. Theo tính toán, tăng trưởng năm 2009 sẽ đạt 5%. Vậy có nên tiếp tục duy trì các chính sách ưu đãi thuế cho DN?

Các giải pháp của Chính phủ

Để ứng phó và giảm thiểu rủi ro, Chính phủ đã triển khai hàng loạt giải pháp, trong đó đặc biệt phải kể đến các chính sách thuế được sử dụng như một công cụ kích cầu quan trọng nhằm thúc đẩy đầu tư, kích thích tiêu dùng nội địa, tháo gỡ khó khăn với DN, nhất là hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa trụ vững.

Về tổng thể, những giải pháp trong chính sách ưu đãi thuế đối với DN được Chính phủ triển khai bao gồm: giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); giảm mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số hàng hóa, dịch vụ; gia hạn nộp thuế GTGT hàng nhập khẩu; giảm lệ phí trước bạ… Với các giải pháp đồng bộ về việc miễn, giảm và giãn nhiều loại thuế (kể cả các sắc thuế trực thu và thuế gián thu), dự kiến trong năm 2009, ngân sách nhà nước sẽ để lại khoảng 20.000 tỷ đồng đóng góp trực tiếp thực hiện kích thích tiêu dùng, khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần khôi phục đà tăng trưởng kinh tế.

Tín hiệu tích cực

Sau một thời gian thực hiện, các chính sách ưu đãi thuế đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế. Theo ý kiến của nhiều DN, việc Chính phủ quyết định miễn, giảm và giãn thuế GTGT, TNDN đã trực tiếp hỗ trợ cho DN vượt qua thời điểm khó khăn để tiếp tục đầu tư duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh. DN thấy vững tin hơn khi được Nhà nước quan tâm, chia sẻ và tạo điều kiện để vượt qua khó khăn. Chính sách ưu đãi thuế còn tạo điều kiện để DN đổi mới, đầu tư thêm máy móc thiết bị, nâng cao trình độ để có thể cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài, kịp thời chia sẻ khó khăn và giữ được những khách hàng lớn. Nhiều DN đã sử dụng số tiền được giãn, giảm thuế để cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, đầu tư công nghệ hiện đại, nhằm đón đầu cơ hội khi nền kinh tế phục hồi.

Ðánh giá tổng quan tình hình thu NSNN 7 tháng đầu năm nay, có thể khẳng định, ngành thuế cả nước đã triển khai tốt các gói giải pháp kích cầu của Chính phủ có liên quan đến ưu đãi thuế, đưa chủ trương này vào cuộc sống.

Cần phải điều chỉnh

Tuy nhiên, do thực hiện các biện pháp và kéo dài thời gian nộp thuế và phí cho các đối tượng nên nguồn thu NSNN năm nay có dấu hiệu bị sụt giảm. Riêng việc giảm 30% số thuế TNDN và giãn thời hạn nộp 70% số thuế còn lại sau khi giảm trong 9 tháng đối với các DN vừa và nhỏ và các DN gia công, chế biến nông, lâm, thủy sản, dệt may, linh kiện điện tử... ước tính sẽ giảm thu khoảng 9.900 tỷ đồng, trong đó giảm thu NSNN năm 2009 là 3.100 tỷ đồng và giãn thu sang năm 2010 là 6.800 tỷ đồng. Việc giảm 50% thuế GTGT cho 19 nhóm mặt hàng tiêu thụ nội địa, dự kiến cũng làm giảm thu NSNN năm 2009 khoảng 1.000 tỷ đồng. Việc thực hiện giảm ngay 50% thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng cho các tờ khai hải quan từ ngày 1-2-2009 cũng sẽ làm giảm thu khoảng 1.050 tỷ đồng.

Song, trong quá trình thực hiện những chính sách này đã và đang xuất hiện một số vấn đề cần có sự điều chỉnh kịp thời. Trước hết, theo nhận định của nhiều chuyên gia, đến thời điểm hiện nay nền kinh tế trong nước đã có những dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Trong bối cảnh đó, cần thiết phải có sự điều chỉnh về phạm vi, hàm lượng của các chính sách, nhất là chính sách tiền tệ và các chính sách ưu đãi thuế. Cũng theo các chuyên gia, có thể ở một mức độ nào đấy cần phải rà lại các chính sách ưu đãi hiện hành, đặc biệt là miễn, giảm thuế để có sự điều chỉnh sao cho các DN vừa phục hồi thì vẫn được tạo điều kiện để phát triển, nhưng cũng không để thất thu, giảm thu ngân sách quá lớn, trong điều kiện chúng ta có áp lực rất lớn về kinh phí để giải quyết các chính sách an sinh xã hội của năm 2009 và gối đầu sang năm 2010.

Bên cạnh đó, các chính sách kích cầu chỉ có hiệu quả khi chúng ta xác định đúng đối tượng, hàng hóa hay người tiêu dùng hướng tới. Tuy nhiên, thực tế nếu dùng chính sách thuế để góp phần chống suy giảm kinh tế thì thuế gián thu cần thống nhất giảm đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ, có như vậy thì mới có tác dụng và việc quản lý mới hiệu quả và khả thi. Đối với thuế TNDN, những chính sách ưu đãi hiện hành chưa bao quát hết các đối tượng, ví dụ như DN lớn, DN kinh doanh bất động sản, sử dụng nhiều lao động bởi thời gian qua, DN cũng gặp rất nhiều khó khăn chứ không chỉ riêng DN nhỏ và vừa, nhưng lại không được ưu đãi thuế. Hơn thế nữa, Nhà nước cũng không nên chỉ sử dụng chính sách thuế một cách riêng biệt trong hỗ trợ DN mà cần sử dụng linh hoạt theo cơ chế thị trường, kết hợp với các chính sách khác như: lãi suất, hạn mức tín dụng; tăng cường sự giám sát của Chính phủ với hệ thống tài chính, ngân hàng và thị trường chứng khoán.

Bình Thu

Hà Nội mới

Các tin tức khác

>   Ngân hàng vào cuộc đua Mobile Banking (30/08/2009)

>   Kích cầu bằng chính sách tín dụng lãi suất thấp (29/08/2009)

>   Giá vàng hồi phục cuối tuần (29/08/2009)

>   Truy thu hơn 29 tỷ đồng tiền thuế từ kiểm tra sau thông quan (29/08/2009)

>   Nguyên thống đốc NHNN: 'Chúng ta từng sai sót' (29/08/2009)

>   Doanh nghiệp bán USD nhiều hơn (29/08/2009)

>   Bộ Tài chính áp dụng chữ ký số (29/08/2009)

>   Giữ ổn định lãi suất hay thêm một gói kích cầu? (29/08/2009)

>   Giao dịch đôla chợ đen vắng lặng (28/08/2009)

>   HDBank tăng lãi suất huy động ngắn hạn và không kỳ hạn (28/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật