Thứ Năm, 27/08/2009 09:53

“Cuộc chiến” thị phần môi giới chứng khoán

Bên cạnh hoạt động tự doanh, môi giới là mảng thứ hai mang lại thu nhập chính cho các CTCK. Hiện nay, thị phần môi giới cho NĐT nước ngoài vẫn tập trung tại một số CTCK hàng đầu như SSI, HSC, BVSC…, nhưng đối với thị phần môi giới cho NĐT trong nước thì sự đổi ngôi diễn ra khá nhanh: có những CTCK thuộc top đầu trong vài năm liền đã bị CTCK trẻ hơn qua mặt. Có hai yếu tố được coi là quyết định trong cuộc đua thị phần giữa các CTCK, đó là hoạt động tư vấn, môi giới và khả năng cung cấp các dịch vụ gia tăng.

Bức tranh đang thay đổi

Trong quý II/2009, CTCP Chứng khoán Sacombank (SBS) gây bất ngờ cho nhiều đối thủ khi có tháng vươn lên dẫn đầu mảng môi giới cho NĐT trong nước tại HOSE, trong khi cuối quý I, SBS mới có trên 18.000 tài khoản, đứng thứ 7 trong số gần 100 CTCK, xếp sau nhiều tên tuổi cựu trào khác như SSI, VCBS, ACBS, BSC, BVSC…

Một trường hợp khác là CTCP Chứng khoán Thăng Long (TSC). Là 1 trong 6 CTCK được thành lập đầu tiên, tính đến cuối quý I/2009, TSC có gần 15.000 tài khoản, đứng thứ 12. Dù có thứ bậc không cao, nhưng trong quý II/2009, TSC tạo dấu ấn khá đậm nét khi có tháng vươn lên vị trí thứ 3 trong mảng môi giới cổ phiếu cho NĐT tại HOSE.

Một CTCK khá “trẻ trung” là Kim Eng (KEVS), được thành lập từ cuối năm 2007, hoạt động chính thức từ tháng 4/2008, sau tròn 1 năm KEVS có hơn 3.000 tài khoản - đứng thứ 42, nhưng lọt vào top 10 CTCK có thị phần cao nhất trong mảng môi giới cổ phiếu (chiếm vị trí thứ 8). Thậm chí, về môi giới chứng chỉ quỹ, KEVS dẫn đầu với việc chiếm gần 11% thị phần. Được thừa hưởng thương hiệu và kinh nghiệm từ Tập đoàn Kim Eng, KEVS không thực hiện tự doanh, mà chú tâm vào hoạt động môi giới. Định hướng này đã khiến KEVS được nhiều đối thủ chú ý và nhìn nhận như hiện tượng “ngựa ô” trong cuộc đua.

Ở phía ngược lại là sự thoái lui. Đáng kể nhất là việc một tên tuổi cựu trào bị loại khỏi top 10 về thị phần môi giới cổ phiếu cho NĐT trong nước, dù vẫn thuộc top 5 CTCK có nhiều tài khoản nhất (trên 30.000 tài khoản). Một số CTCK trực thuộc ngân hàng thương mại quốc doanh có số tài khoản trên dưới 20.000, thuộc top 10 CTCK dẫn đầu thị trường, nhưng thị phần môi giới cổ phiếu lại khá khiêm tốn.

Các CTCK mới hoạt động nhìn chung vẫn đứng trước nhiều thách thức. Một CTCK liên doanh giữa ngân hàng thương mại cổ phần trong nước và CTCK trong khu vực đi vào hoạt động từ cuối năm 2008, đặt mục tiêu sau 1 năm sẽ thu hút được 5.000 tài khoản. Hơn 8 tháng đã trôi qua, nhưng số tài khoản chưa đạt được 10% chỉ tiêu.

Cuộc đua chưa tới đích

Trong cuộc chiến giành thị phần, các CTCK có khá nhiều phương pháp. Một số CTCK mới đi vào hoạt động tổ chức hội thảo về thị trường nhằm thu hút NĐT. Khách tham dự được mời chào mở tài khoản với những khuyến mãi như tặng/giảm phí giao dịch. Một số khác thì thực hiện chương trình thu hút khách hàng hướng đến đối tượng cụ thể như sinh viên các trường đại học hay nhân viên của một cơ quan. Theo đánh giá chung, sự thành công của phương pháp này còn ở mức khiêm tốn. Giới chuyên môn lý giải sự vươn lên của một số CTCK là do: thứ nhất, hoạt động môi giới và tư vấn được triển khai mạnh mẽ, nâng tầm về sự chuyên nghiệp; thứ hai, công ty có sự sáng tạo trong việc cung cấp dịch vụ mới cho NĐT, trong đó có đòn bẩy tài chính.

Cuối năm 2007, đầu năm 2008, Đại Việt là CTCK đầu tiên thực hiện chương trình tuyển dụng nhân sự với quy mô lớn: 50 trưởng phòng và 750 nhân viên môi giới trên toàn quốc. Do thị trường khi đó lao dốc nên chương trình thất bại sau vài tháng triển khai. Tuy nhiên, một số CTCK đi sau đã thực hiện thành công, nhưng với quy mô nhỏ hơn: CTCK tuyển dụng nhân viên tư vấn (phần lớn là thời hạn ngắn) đi khắp các nơi, từ các hội thảo đến ĐHCĐ, gặp mặt ngẫu nhiên hay gián tiếp gửi email để “câu kéo” NĐT.

Cuối quý III/2008, CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC) đã đưa trung tâm khách hàng cá nhân vào hoạt động, mỗi nhân viên môi giới phục vụ và hỗ trợ một nhóm khách hàng cụ thể.

Từ đầu tháng 3/2009, một số CTCK thực hiện hoạt động tư vấn theo cách: khuyến nghị các mức giá mua/bán, cắt lỗ/chốt lời hàng ngày.

Một dịch vụ được nhiều NĐT, đặc biệt là NĐT lớn lựa chọn là giao dịch bảo chứng: NĐT có thể mua chứng khoán dù tài khoản không đủ tiền. Ngoài ra, NĐT có thể mua chứng khoán khi không có tiền, nhưng sẽ phải thanh toán vào ngày T+ (thường là T+2 và T+3).

Đòn bẩy tài chính được nhiều CTCK triển khai trên diện rộng dưới nhiều hình thức đa dạng đã giúp giá trị giao dịch tăng vọt trong một thời gian ngắn. Có ít nhất 2 trong số các CTCK thuộc top 10 có bước tiến về thị phần môi giới thời gian qua được cho là nhờ triển khai mạnh dịch vụ này, bên cạnh việc mở rộng đội ngũ tư vấn.

Một quan chức HOSE cho biết, có thể từ cuối quý III này, Sở sẽ công bố chi tiết hoạt động của các CTCK thành viên. Bức tranh hoạt động của các CTCK hứa hẹn được cập nhật và chân thực hơn. Việc nỗ lực gia tăng thị phần của một số CTCK hiện nay được coi là sự năng động. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh đội ngũ tư vấn “thời vụ” có thể ảnh hưởng đến uy tín của công ty, bởi chất lượng tư vấn yêu cầu rất cao về kinh nhiệm và đạo đức nghề nghiệp. Ngoài ra, nguy cơ mất khách “VIP” xảy ra khi đối thủ tuyển dụng chính nhân viên môi giới này. Nhiều gói dịch vụ hỗ trợ nhằm gia tăng giao dịch của NĐT chỉ an toàn trong giai đoạn thị trường tăng trưởng. Sẽ khá rủi ro nếu thị trường đảo chiều hay công ty xem nhẹ quản trị rủi ro. Đường dài mới biết ngựa hay, cuộc đua thị phần tại các CTCK chưa tới đích!

Giang Thanh

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   TTCK Việt Nam: Áp lực hụt cầu - dư cung (27/08/2009)

>   Cổ phiếu vẫn trong vùng giá đầu tư (27/08/2009)

>   "Thị trường có thể trải qua một số đợt rung lắc" (27/08/2009)

>   Cổ phiếu ngân hàng “lặng” trước tin tốt (27/08/2009)

>   Giao dịch qua mạng gia tăng (27/08/2009)

>   Quy định về phát hành và niêm yết CK ở nước ngoài (27/08/2009)

>   Tạm ngừng giao dịch từ xa đối với CK Biển Việt (26/08/2009)

>   Các doanh nghiệp có chiều hướng phát triển vững mạnh (26/08/2009)

>   Tin giao dịch cổ phiếu S99, STL, SD9, SD5, KKC (26/08/2009)

>   Thêm 20 triệu cổ phiếu Tribeco sắp lên sàn (26/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật