Giao dịch qua mạng gia tăng
Nhiều nhà đầu tư (NĐT) đang bắt đầu “làm biếng” lên sàn mà ngồi ở nhà đặt lệnh giao dịch qua mạng hoặc bằng điện thoại.
Giảm phí giao dịch qua internet
Anh Nam - một NĐT có tài khoản tại VCBS - cho biết anh làm việc tận Bà Rịa - Vũng Tàu, đầu tuần anh đi và đến cuối tuần mới trở về TP.HCM. Do vậy các giao dịch chứng khoán anh đều được thực hiện qua mạng. "Lúc đầu khi mới giao dịch qua internet cũng có vài trục trặc như thỉnh thoảng không truy cập web của công ty chứng khoán được, lệnh truyền về công ty chứng khoán còn chậm... nhưng đến nay thì suôn sẻ", anh Nam nói.
Cũng theo anh Nam, ngoài việc giao dịch qua mạng thì điện thoại cũng là một phương tiện giao dịch nhanh chóng mọi lúc mọi nơi. Theo ước tính của Công ty chứng khoán (CTCK) Âu Việt, có những thời điểm lệnh giao dịch qua mạng chiếm đến 50% tổng số lệnh. "Đặc biệt trong vòng 2 tháng qua, công ty luôn khuyến khích các NĐT giao dịch qua mạng để giảm việc tập trung ở sàn. Trước đó, lượng giao dịch từ xa thường xuyên cũng chiếm khoảng 30% tổng lượng giao dịch tại Âu Việt, tăng nhiều lần so với trước đây", ông Nguyễn Hoàng Long - quyền Tổng giám đốc CTCK Âu Việt nói.
Số lượng đặt lệnh qua mạng tại CTCK Kim Eng cũng chiếm khoảng 15% tổng số lệnh giao dịch của NĐT. Đại diện công ty này cho biết, giao dịch qua internet ngày càng thu hút NĐT nhờ nhanh chóng, tiện lợi. Việc NĐT tăng giao dịch qua mạng đã giúp các CTCK giảm được số lượng nhân viên môi giới, giảm tải trên sàn, tiết kiệm một số chi phí cơ bản... Vì vậy, để khuyến khích NĐT sử dụng giao dịch qua mạng, nhiều CTCK đã giảm phí giao dịch cho phương thức này so với giao dịch tại sàn. CTCK Kim Eng áp dụng chung một mức phí cho các giao dịch qua internet là 0,15% (mức phí giao dịch tại sàn cao nhất là 0,3%). CTCK ACB cũng áp dụng phí ưu đãi đồng loạt 0,2% cho giao dịch qua mạng (phí giao dịch cao nhất tại sàn là 0,4%). CTCK Âu Việt cho nhân viên tư vấn giao dịch trực tuyến tận nhà và phí giao dịch trực tuyến cũng khá thấp, chỉ 0,1%; SSI đưa ra phí giao dịch trực tuyến ưu đãi là 0,25%...
Tăng cường đầu tư hạ tầng
Nhiều CTCK hiện đã tăng cường đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại. Một số công ty sử dụng hệ thống phần mềm giao dịch của nước ngoài như CTCK Sài Gòn, CTCK HSC, CTCK Kim Eng, CTCK Đại Việt... với tổng trị giá đầu tư không dưới 1 triệu USD/hệ thống.
Nhiều sản phẩm ứng dụng hiện đại nhưng thao tác đơn giản, dễ sử dụng cũng đã có mặt như công cụ giao dịch trực tuyến KeTrade hay công cụ giao dịch trực tuyến KePro của Kim Eng; EzTrade - giao dịch trực tuyến, EzTransfer - đặt lệnh chuyển tiền trực tuyến, EzAdvance - ứng trước tiền bán chứng khoán trực tuyến, EzOddlot - dịch vụ bán chứng khoán lô lẻ trực tuyến của CTCK FPT...
Theo ông Trương Duy Khiêm - Giám đốc chi nhánh Ngô Lê Cát - CTCK ACB - xu hướng đặt lệnh gián tiếp của NĐT ngày càng gia tăng, vì vậy các CTCK cũng phải tự nâng cấp dịch vụ để đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu này. Những rủi ro như mạng bị treo, lệnh không truyền được,... cũng có nhưng không đáng kể. Khi đó, NĐT sẽ chuyển sang đặt lệnh qua điện thoại tức thì.
Tại các thị trường chứng khoán phát triển như Singapore, Thái Lan... hiếm khi thấy hình ảnh các sàn chứng khoán đông đúc NĐT như các sàn chứng khoán tại Việt Nam hiện nay. Nỗ lực đầu tư hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ từ phần cứng đến phần mềm và cả nguồn nhân lực của các CTCK đang giúp NĐT Việt Nam dần tiếp cận với những tiện ích trong giao dịch như NĐT của các nước nói trên.
Mai Phương
Thanh niên
|