Thứ Hai, 31/08/2009 14:30

Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt tại thị trường Trung Quốc?

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế có mức độ tăng trưởng dẫn đầu thế giới. Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có sức thu hút lớn đối với doanh nghiệp nhiều nước. 

Đánh giá về những đặc điểm chủ yếu của thị trường Trung Quốc, ông Đào Ngọc Chương, Phó vụ trưởng Vụ châu Á - Thái Bình Dương, người đã có hơn 10 năm kinh nghiệm với thị trường Trung Quốc, nói:

Thị trường Trung Quốc có 4 đặc điểm lớn. Thứ nhất, đây là thị trường khổng lồ với dân số hơn 1,3 tỷ người, có nhu cầu rất lớn phục vụ ổn định đời sống người dân và xã hội trước mắt cũng như các nhu cầu dự trữ chiến lược trong trường hợp thiên tai, biến đổi khí hậu,...

Trung Quốc còn là công xưởng lớn nhất thế giới có nhu cầu nhập khẩu lớn đối với tất cả các loại nguyên, nhiên vật liệu, khoáng sản, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tiêu dùng trong nước, cho gia công xuất khẩu.

Thứ hai, Trung Quốc là thị trường láng giềng lớn nhất của Việt Nam. Hai nước có chung đường biên giới dài trên 1450 km với 8 cặp cửa khẩu quốc tế và 13 cặp cửa khẩu chính cùng nhiều cửa khẩu phụ và chợ đường biên. Phong tục tập quán, nền văn hoá có nhiều nét tương đồng. Hệ thống chính trị và mô hình phát triển kinh tế cơ bản giống nhau.

Mô hình phát triển kinh tế đều hướng ra xuất khẩu. Cơ cấu hàng hoá xuất nhập khẩu có nhiều nét giống nhau. Thương mại hai bên được tiến hành theo nhiều phương thức mậu dịch phong phú (chính ngạch, buôn bán qua biên giới, tạm nhập tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu, trao đổi hàng hoá giữa cư dân biên giới hai nước).

Thứ ba, đây là thị trường có nhu cầu đa dạng. Nhu cầu giữa các vùng miền ở Trung Quốc khác nhau. Các tỉnh Đông Bắc và khu vực miền Trung có nhu cầu thường xuyên về rau quả nhiệt đới, thực phẩm đồ uống chế biến từ nguyên liệu hoa quả nhiệt đới.

Miền Tây Nam Trung Quốc có nhu cầu thường xuyên về thuỷ hải sản do không có biển. Địa hình miền núi hiểm trở. Miền Đông và các đặc khu kinh tế cần nhiều loại sản phẩm cao cấp từ các nước làng giềng phía Nam; đồ gỗ cao cấp, thuỷ hải sản tươi sống cao cấp, hoa quả nhiệt đới cao cấp.

Các tỉnh phía Nam và giáp biên thường xuyên có nhu cầu về than, khoáng sản  (do vận chuyển từ phía Bắc xuống không hiệu quả).

Thứ tư, đây là thị trường đang phát triển. Hiện Trung Quốc đang hoàn thiện dần thị trường trao đổi hàng hoá tại các đô thị, trung tâm kinh tế thông qua hệ thống chợ bán buôn, chợ đầu mối và hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích.

Thị trường nông thôn Trung Quốc với hơn 700 triệu người tiêu dùng chủ yếu vẫn thông qua hệ thống chợ truyền thống và hệ thống hơn 2 vạn cửa hàng “Lợi dân” do Bộ Thương mại Trung Quốc xây dựng và quản lý tại các địa phương từ cấp xã trở lên.

Hiện nay, thị trường nội địa Trung Quốc đang được củng cố và sắp xếp lại do Chính phủ chuyển trọng tâm từ kinh tế hướng ra xuất khểu sang chủ động mở rộng nhu cầu trong nước. Có nghĩa là hàng nước ngoài vào thị trường Trung Quốc sẽ khó khăn hơn do chính sách hỗ trợ khuyến khích sản xuất và sử dụng hàng nội địa.

Thưa ông, trước mắt và lâu dài, thị trường Trung Quốc cần nhập khẩu hàng hóa gì từ Việt Nam?

Do lợi thế tuyệt đối về vị trí địa lý, Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới và bờ biển dài, nên cơ cấu hàng hoá xuất nhập khẩu hai nước tuy cơ bản là tương đồng, nhưng về trước mắt và lâu dài Trung Quốc ngày càng phụ thuộc và có nhu cầu tăng lên đối với năm nhóm hàng ta có nhiều tiềm năng phát triển.

Thứ nhất, nhóm hàng nông sản nhiệt đới. Cụ thể, cao su tự nhiên, nhu cầu thường xuyên ổn định đồng thời có xu hướng tăng lên do ngành công nghiệp ôtô ngày càng phát triển.

Những năm qua, nguồn cung hoa quả nhiệt đới chủ yếu do Việt Nam, Thái Lan, Đài Loan cung cấp nhưng mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của một số tỉnh phía Nam Trung Quốc. Chưa đủ sức và điều kiện vươn xa lên Đông Bắc và vào sâu trong lục địa. Các loại hạt và gia vị (đào lộn hột, hạt tiêu, quế, hồi).

Cà phê mới xâm nhập vào thị trường Trung Quốc trong khi nhu cầu tiêu dùng đối với loại đồ uống này tăng lên nhanh chóng, nhất là tại các trung tâm kinh tế, các thành phố lớn do thói quen sinh hoạt đã thay đổi cơ bản.

Thế hệ trẻ chiếm tỷ lệ ngày càng lớn trong dân số... Tương lai sắp tới các mặt hàng như gạo chất lượng cao, hoa tươi của ta sẽ thâm nhập vào thị trường Trung Quốc.

Thứ hai, nhóm hàng đồ gỗ cao cấp gồm bàn ghế giả cổ, các loại đồ dùng gia đình hàng ngày từ gỗ chất lượng cao như đũa, hộp, lọ hoa đồ gỗ điêu khắc.

Nhóm thứ ba là thuỷ hải sản. Bao gồm, thuỷ hải sản đông lạnh và thuỷ hải sản khô xuất khẩu chủ yếu vào miền Tây. Hải sản tươi sống cao cấp chủ yếu xuất khẩu vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn nằm sâu trong lục địa.

Nhóm thứ tư, các mặt hàng thực phẩm chế biến bao gồm: Hoa quả sấy khô, bánh, mứt, kẹo chế biến từ nguyên liệu và hương liệu trái cây nhiệt đới như bánh sầu riêng, kẹo dừa, bánh đậu xanh...

Nhóm thứ năm là nhóm hàng giầy dép sản xuất từ nguyên liệu cao su.

Vậy để tăng thị phần trên thị trường Trung Quốc doanh nghiệp cần chú ý những điểm gì, thưa ông?

Muốn thâm nhập, duy trì và tăng thị phần trên thị trường lớn như Trung Quốc, đòi hỏi doanh nghiệp ta phải cố gắng đáp ứng và hoàn thiện năm yêu cầu đặt ra đối với một doanh nghiệp xuất khẩu.

Đó là doanh nghiệp phải có hệ thống kho tàng, nhà xưởng, cơ sở vật chất. Có hợp đồng thu mua nông sản ổn định trung và dài hạn (đối với doanh nghiệp chế biến hàng nông sản). Doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng công nghệ sản xuất, chế biến nông sản.

Doanh nghiệp đã xây dựng, quảng bá và đăng ký thương hiệu trong và ngoài nước. Cuối cùng doanh nghiệp cần thiết phải có chiến lược thâm nhập và phát triển mặt hàng trên thị trường Trung Quốc.

Với các tiền đề vững chắc được nêu trên, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin, lựa chọn cách tiếp cận thị trường, xây dựng mối quan hệ bạn hàng tại thị trường Trung Quốc thông qua các hội chợ quốc tế, chuyên ngành tổ chức tại Trung Quốc.

Cạnh đó, có thể lựa chọn đối tác thông qua danh sách các doanh nghiệp Trung Quốc được Bộ Thương mại Trung Quốc, Uỷ ban Xúc tiến mậu dịch Trung Quốc thẩm định và công bố hàng năm. Cũng có thể thông qua hệ thống các hiệp hội ngành hàng của Trung Quốc giới thiệu.

Thông qua giới thiệu của Thương vụ và các Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc cũng là kênh đáng tin cậy.

Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam cần tổ chức đoàn đi khảo sát, xây dựng hệ thống đại lý bán. Thâm nhập và tham gia các kênh phân phối vào hệ thống siêu thị (doanh nghiệp Vinamit, Vinacafe đã thành công). Tham gia hệ thống bán buôn và chợ đầu mối ở một số tỉnh thành phố. Mở các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm. Hoặc liên doanh với doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm tại đây.

Theo ông , làm thế nào để hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp ta khi làm ăn với Trung Quốc?

Để doanh nghiệp Việt Nam an tâm làm ăn lâu dài trên thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp cần nắm vững cách thức thẩm tra lý lịch thương nhân Trung Quốc nhằm xác định đúng đối tác. Muốn vậy, doanh nghiệp ta cần lưu ý các quy định, thông lệ sau:

Thứ nhất, theo quy định của Bộ Thương mại Trung Quốc, chỉ có một số doanh nghiệp đặc biệt do Bộ Thương mại Trung Quốc chỉ định và cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực thẩm tra lý lịch thương nhân và khả năng kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp Trung Quốc.

Phía doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu thẩm tra đối tác Trung Quốc đều phải thông qua các doanh nghiệp này và phải trả chi phí theo yêu cầu thẩm tra cụ thể. Chi tiết cụ thể liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh.

Đối với các đối tác giao dịch gián tiếp qua mạng, những đối tác được giới thiệu qua trung gian hoặc đối tác lớn cần kiểm tra kỹ lí lịch thương nhân để quyết định hợp tác lâu dài hay trước khi ký kết những hợp đồng giao dịch lớn, đề nghị doanh nghiệp nên dành một khoản chi phí uỷ thác doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực trên trợ giúp.

Thứ hai, trong trường hợp là đối tác thông thường lần đầu tiếp xúc qua hội chợ triển lãm hoặc qua các kênh hội thảo, diễn đàn, giao thương... thì cần đề nghị đối tác cung cấp giấy phép kinh doanh do Cục Quản lý hành chính công thương tại Tỉnh, thành phố Trung Quốc mà doanh nghiệp đó có trụ sở. Giấy phép kinh doanh nếu là bản sao phải có công chứng.

Nếu là đối tác đứng đắn và có nguyện vọng làm ăn nghiêm túc, lâu dài với ta thì doanh nghiệp Trung Quốc đó sẽ không thoái thác yêu cầu này của ta.

Thứ ba, đối với các doanh nghiệp Trung Quốc dù là nhà nhập khẩu hay xuất khẩu, trước khi ký kết hợp đồng thương mại đầu tiên, doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động dành kinh phí cử đoàn khoảng 2-3 người sang trực tiếp thẩm định văn phòng, hệ thống nhà xưởng, kho tàng, hệ thống phân phối...

Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam làm như vậy nhưng vẫn bị lừa do phía đối tác Trung Quốc thuê mượn lại văn phòng, cơ sở vật chất kho tàng để khuếch trương với đoàn. Đến khi xảy ra lừa đảo thương mại, phía doanh nghiệp ta mới té ngửa trước thức tế đối tác là doanh nghiệp ma không trụ sở, kho tàng nhà xưởng. Tất cả đều thuê mượn và nguỵ trang để lừa đảo.

Ông có nói đến vai trò quan trọng của công tác xúc tiến thương mại, vậy ông có thể cho biết vai trò, tác dụng của hội chợ Trung Quốc - ASEAN trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại song phương và đa phương cũng như xây dựng đối tác thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam với Trung Quốc và các nước ASEAN?

Song song với việc thực thi toàn diện Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN bắt đầu từ tháng 1/2004 đến nay, hội chợ quốc tế Trung Quốc -ASEAN cũng được tổ chức liên tục 5 lần từ năm 2004 - 2008.

Đây là một điểm đến và cơ hội giao thương rất tốt cho các doanh nghiệp ASEAN trong đó có Việt Nam với các doanh nghiệp Trung Quốc và các doanh nghiệp các nước trên thế giới.

Theo thống kê, sau 5 kỳ Hội chợ ( 2004 - 2008) đã có 16.169 gian hàng với  9.513 doanh nghiệp tham dự và đã đón 119 nghìn doanh nghiệp tham quan. Tổng trị giá hợp đồng, thoả thuận được ký tại 5 kỳ hội chợ đạt 6,52 tỷ USD. Tổng giá trị các thoả thuận hợp tác, đầu tư đạt 28,62 tỷ USD.

Cũng theo thống kê, năm 2004 - năm đầu tiên tổ chức Hội chợ đầu tiên Trung Quốc - ASEAN, kim ngạch mậu dịch giữa Trung Quốc và ASEAN vượt mục tiêu 100 tỷ USD trước một năm. Đến kỳ Hội chợ lần thứ tư Trung Quốc -ASEAN năm 2007, kim ngạch mậu dịch Trung Quốc và ASEAN đã vượt mục tiêu đề ra trước ba năm là 200 tỷ USD.

Như vậy, qua năm kỳ hội chợ, với sự quan tâm và hỗ trợ toàn diện của Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương thông qua chương trình trọng điểm quốc gia về xúc tiến thương mại đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc và tham gia hội nhập khu vực.

Có thể khẳng định, hội chợ thường niên Trung Quốc -ASEAN là một một kênh giao thương ngày càng quan trọng và có hiệu quả mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam làm ăn lâu dài, có bài bản với thị trường Trung Quốc và các nước trong khu vực.

Thông qua hội chợ, doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện bước vào sân chơi rộng hơn, trên một thị trường có nhiều tiềm năng. Từ đó, đánh giá và không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp, từng ngành hàng để tiếp tục vững bước hội nhập sâu hơn vào thị trường thế giới trong thời gian tới.

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Thị trường bất động sản: Quay về giá trị thực (31/08/2009)

>   Nghề... nghe chửi (31/08/2009)

>   Việt Nam thiếu những DN Thánh Gióng (31/08/2009)

>   Xuất khẩu gỗ “nín thở” chờ phản ứng thị trường (31/08/2009)

>   Du lịch chưa thực sự trở thành “mũi nhọn” (31/08/2009)

>   Dự kiến đầu tư 1 tỷ USD vào BĐS du lịch Cần Thơ (31/08/2009)

>   Tạo lực hút kéo doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn (31/08/2009)

>   TP.HCM: Kinh tế rồi có 'lao dốc' như bóng đá? (31/08/2009)

>   Sàn bất động sản không minh bạch vì thiếu “chuẩn” (31/08/2009)

>   “Chợ” online tung chiêu hút khách (31/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật