Cơ giới hóa: lợi nhưng vẫn chậm
Ở ĐBSCL, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch lúa vẫn ở mức cao. “Vấn đề đặt ra là tại sao hiện nay đã có quy trình sản xuất lúa chất lượng cao, nhưng nông dân vẫn chưa ứng dụng đồng bộ để giảm tỷ lệ lúa thất thoát sau thu hoạch”, kỹ sư Nguyễn Thanh Tùng, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An, đặt vấn đề tại Hội thảo Vùng bắc sông Hậu về sau thu hoạch lúa gạo, tổ chức tại Tiền Giang hồi tuần rồi.
Cái lợi dễ thấy
“Theo số liệu điều tra, sản lượng lúa thất thoát trong quá trình thu hoạch của Tiền Giang khoảng 12%. Với tổng sản lượng lúa của tỉnh 1,2 triệu tấn thì trung bình lượng lúa mất đi mỗi năm trên 120.000 tấn, trị giá hơn 420 tỉ đồng (giá 3.500 đồng/ki lô gam). Hao hụt chủ yếu ở các khâu: gặt 1,3-1,7%, vận chuyển 1,2-1,5%, tuốt lúa 1,3-1,4%”, kỹ sư Nguyễn Hồng Thiện, Cơ sở sản xuất máy Gặt đập liên hợp Tư Sang, cho biết.
Còn theo đánh giá của Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO), hàng năm tổn thất sau thu hoạch lúa gạo ở vùng ĐBSCL lên đến 13-14,6%. Như vậy tính ra mỗi năm cả vùng bị mất khoảng 3-5 triệu tấn lúa, tương đương khoảng 10.500 tỉ đồng/năm!
Ông Lưu Văn Phúc, Phó phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Trà Vinh, phân tích: “Nếu ứng dụng máy gặt, tỷ lệ hao hụt giảm còn dưới 3%. Trong khi nếu thu hoạch bằng lao động thủ công, tỷ lệ hao hụt trong khâu cắt, gom, suốt, phơi chiếm trên 7%. Do đó, nếu tính trên diện tích thu hoạch bằng cơ giới, sản lượng lúa ở Trà Vinh không bị tổn thất trên 34.000 tấn, làm lợi cho nông dân 136 tỉ đồng/2 vụ/năm”.
Cũng theo ông Phúc, khi sử dụng máy gặt lúa, nông dân tiết giảm được từ 600.000-800.000 đồng/héc ta. “Nếu chỉ tính trên diện tích ứng dụng cơ giới hóa 57.000 héc ta/vụ của tỉnh thì chẳng những nông dân có lợi gần 40 tỉ đồng/vụ mà chủ máy cũng thu được lợi nhuận cao”, ông nói.
Mặt khác, cắt, suốt liên hoàn, vô bao và sấy bằng máy sẽ giúp tỷ lệ hạt rạn nứt bình quân chỉ từ 5-8%. Trong khi nếu thu hoạch lúa bằng lao động thủ công, khó tránh việc phơi lúa ngoài đồng, để qua đêm trong điều kiện nhiệt độ thay đổi bất thường, tỷ lệ hạt rạn nứt cao từ 15-18%, làm giảm chất lượng hạt gạo xuất khẩu. Việc ứng dụng máy sấy lúa cũng có hiệu quả rất cao, tỷ lệ hao hụt dưới 0,5%, giảm hơn 1,5% so với làm thủ công…
Nhưng vẫn cơ giới chậm!
Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, cơ giới hóa hiện nay chỉ đạt tỷ lệ cao ở các khâu trước thu hoạch như làm đất, bơm tưới, từ 95-100%; còn các khâu sau thu hoạch thì tỷ lệ làm thủ công vẫn khá phổ biến. Chẳng hạn ở Trà Vinh, hiện mới có 70 máy các loại, giải quyết được 4-8% diện tích gieo trồng cả năm và chỉ có 208 máy sấy có công suất từ 4-8 tấn/mẻ, chỉ đủ cho khoảng 15% sản lượng lúa hè thu và thu đông (hai vụ thu hoạch vào thời điểm mưa bão).
“Nông dân hiện nay chủ yếu sử dụng máy gặt đập liên hợp do Trung Quốc sản xuất, giá thành rất cao, từ 180-205 triệu đồng/máy, nhưng tính ổn định và độ bền chưa cao”, ông Phúc cho biết. Trong khi đó, máy gặt đập liên hợp sản xuất trong nước hoạt động cũng có hiệu quả, giá thành hợp lý, nhưng năng lực sản xuất và cung ứng chưa theo kịp yêu cầu.
Để giải quyết vấn đề, ông Lê Tấn Đại, Cơ sở Đại Lợi (Đồng Tháp), cho rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư chế tạo máy nông nghiệp có chất lượng tốt, giá rẻ với số lượng lớn để cung cấp cho nông dân.
Tuy vậy, theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Tiền Giang, một số cản ngại từ chính các máy gặt đập… cũng khiến quá trình cơ giới hóa sau thu hoạch gặp khó khăn. Chẳng hạn, máy gặt đập liên hợp có trọng lượng tương đối lớn (trên 2 tấn) nên có thể gặp khó khăn ở những vùng đất lầy, lún… Còn máy cắt xếp dãy, để vận hành, cần có khoảng 15-20 nhân công gom lúa đưa vào máy tuốt…
Do đó, theo kỹ sư Võ Hùng Anh, cán bộ Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, cần tiến hành cùng lúc nhiều giải pháp. Trước mắt, các cơ quan quản lý và chuyên môn cần lập các kênh thông tin để giúp bà con tìm hiểu những vấn đề liên quan như giá cả, đặc tính kỹ thuật của máy, địa chỉ các nhà chế tạo các loại máy thu hoạch.
Mặt khác, các doanh nghiệp, các cơ sở chế tạo máy cũng cần có chiến lược phát triển lâu dài và liên kết với nhau để tận dụng thế mạnh của từng cơ sở, khả năng tiêu chuẩn hóa các chi tiết, đủ sức cạnh tranh với máy nhập khẩu.
Tuy nhiên, khó khăn chính, theo ông Nguyễn Thanh Tùng, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An, là: “Tiêu thụ lúa gạo của nông dân hiện nay còn quá nhiều khâu trung gian! Các thương lái, công ty kinh doanh gạo chưa có chế độ khuyến khích nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng chất lượng. Phần lợi nhuận thu được thông qua việc nâng chất lượng gạo cũng không phân phối lại cho nông dân một cách công bằng. Đây chính là cái vòng luẩn quẩn, làm chất lượng hạt gạo không cao, giá xuất khẩu thấp. Ngược lại, giá xuất khẩu thấp sẽ ảnh hưởng đến giá bán lúa khiến nông dân không quan tâm ứng dụng các biện pháp để nâng cao chất lượng”.
Hồ Hùng
TBKTSG Online
|