"Chính phủ chưa bao giờ cho Vinaconex giữ lại tiền"
Thông tin trên được ông Phạm Văn Khanh, Vụ trưởng Vụ khối kinh tế ngành (Thanh tra Chính Phủ) - đơn vị trực tiếp thực hiện thanh tra cổ phần hóa tại Vinaconex, khẳng định với báo giới xung quanh những phản hồi về chính sách cổ phần hóa của Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex.
Ông Khanh nói:
- Việc cổ phần hóa tại Vinaconex là một việc khá phức tạp, đặc biệt là liên quan đến số tiền hơn 810 tỷ đồng phải nộp lại cho nhà nước. Sau khi Thanh tra Chính phủ phát hiện sai phạm, Chính phủ cũng đã giao cho các bộ, ngành thẩm định và cuối cùng mới quyết định chấp nhận những kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.
Hiện vẫn đang trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, nên quan điểm của chúng tôi là vẫn ủng hộ doanh nghiệp, nhưng cái gì thì cũng phải trong khuôn khổ pháp luật cho phép, còn nếu mà đi quá xa nhằm mục đích biến tài sản của nhà nước thành của riêng cho doanh nghiệp thì nhất quyết phải xử lý.
Đối với cổ phần hóa Vinaconex, ngay từ năm 2006, Thủ tướng đã có văn bản giục là phải nộp số tiền đó rồi. Thế nhưng, ngay cả đến thời điểm chúng tôi tiến hành thanh tra (năm 2008) thì số tiền này vẫn chưa được Vinaconex nộp cho Bộ Tài chính.
Nhưng có nhiều ý kiến thắc mắc là tại sao Vinaconex lại phải nộp số tiền đó, trong khi nhiều đơn vị khác lại không phải nộp, thưa ông?
Hiện nay, theo quy định, tất cả các khoản thặng dư khi bán cổ phần nhà nước thì phải phân thành 2 loại: Nếu doanh nghiệp đó là một đơn vị thành viên của một tập đoàn hay tổng công ty, khi cổ phần hóa thì phần vốn đó phải đưa về tổng công ty nếu tổng công ty đó vẫn là doanh nghiệp nhà nước. Phần vốn này sẽ được sử dụng khi doanh nghiệp này xây dựng được một phương án và được cấp thẩm quyền phê duyệt thì đơn vị đó mới được phép đưa vào đầu tư.
Còn nếu tiến hành cổ phần hóa toàn bộ tập đoàn hay tổng công ty thì số tiền thặng dư đó phải nộp lại cho Nhà nước mà cụ thể là phải giao cho Bộ Tài chính quản lý. Vinaconex là một doanh nghiệp nhà nước đầu tiên thí điểm cổ phần hóa toàn bộ Tổng công ty nên số 810 tỷ phải nộp lại là hoàn toàn đúng theo pháp luật.
Nhưng trong bản giải trình của Vinaconex với các cổ đông thì đơn vị này cho rằng, việc giữ lại phần vốn thặng dự khi cổ phần hóa đã được Chính phủ chấp thuận?
Khoản tiền mà đơn vị này cho rằng, Chính phủ đã cho để lại thì tại cuộc họp về cổ phần hóa của Vinaconex vừa qua, Thủ tướng đã hỏi là: văn bản nào chứng minh cho việc Chính phủ cho phép Vinaconex để lại phần vốn thặng dư khi cổ phần hóa thì Vinaconex cũng không trình ra được.
Còn nếu hiểu văn bản 2141 do Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ký như Vinaconex đã giải trình trước các cổ đông thì không phải là cho để lại mà phải đưa về quỹ của Bộ Tài chính và sẽ được sử dụng để tăng phần vốn nhà nước khi có nghị quyết của đại hội cổ đông, chứ không có nghĩa là Chính phủ cho phép để lại. Thực chất Thanh tra Chính phủ chỉ nhắc lại ý kiến của Thủ tướng trước đây. Còn Chính phủ chưa bao giờ cho phép Vinaconex giữ lại số tiền đó.
Vậy, nếu bây giờ Vinaconex dùng vốn của cổ đông để khắc phục sự việc trên thì cổ đông sẽ là người thiệt hại, thưa ông?
Vấn đề này không chỉ là của riêng Vinaconex mà là vấn đề khó trong quá trình cổ phần hóa nói chung. Thông thường, nhà đầu tư chỉ biết trông vào bản cáo bạch để quyết định đầu tư vào doanh nghiệp. Chính vì thế, những đề xuất của Thanh tra Chính phủ liên quan đến vụ việc của Vinaconex không hề liên hệ tới nhà đầu tư.
Trong quá trình xử lý, chúng tôi không đưa ra kết luận “cứng” mà thường là các kiến nghị, theo hướng tháo gỡ cho nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp.
Qua vụ việc của Vinaconex, nhiều ý kiến cho rằng, công tác cổ phần hóa của chúng ta hiện vẫn còn rất nhiều lúng túng do thiếu kinh nghiệm?
Hiện nay, chính sách cổ phần hóa đang được Chính phủ xây dựng thành một chuyên đề và giao cho các bộ, ngành cùng vào cuộc đánh giá.
Dự kiến cuối năm nay sẽ có đánh giá công tác cổ phần hóa sau 10 năm triển khai. Thủ tướng đã chỉ đạo, phải xem xét cổ phần hóa trên 2 phương diện: về cơ chế, thể chế pháp luật, những kẽ hở và xử lý sai phạm trong quá trình thực hiện, trong đó có lưu ý đến vấn đề xác định giá trị doanh nghiệp và giá trị sử dụng đất khi cổ phần hóa.
Với tư cách như một người nghiên cứu thì tôi thấy, đúng là quá trình cổ phần hóa của chúng ta hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn và lúng túng. Lý do là bởi doanh nghiệp từ trước tới nay cũng chỉ lo việc kinh doanh, đơn vị nào cũng làm một lần đầu và là duy nhất, không có lần thứ hai nên không có kinh nghiệm.
Hơn nữa, từ nhiều năm nay, chúng ta lại giao cho doanh nghiệp thực hiện quyền tự chủ, tự hạch toán, quyết toán, tự kê khai thuế nên việc xử lý những công nợ, nợ khó đòi, xác định giá trị doanh nghiệp… cũng rất khó khăn.
Bên cạnh đó, hiện mặt bằng pháp lý để xác định giá trị doanh nghiệp cũng rất khó, bởi giá trị khấu hao của các doanh nghiệp không đồng nhất nhau, có những doanh nghiệp đã đầu tư hàng chục năm, hết khấu hao nhưng có những doanh nghiệp vừa mới đầu tư..nhưng cũng đều được tính chung là 20%.
Từ Nguyên
TBKTVN
|