Ấn Độ: Lĩnh vực dịch vụ ngoại biên đối mặt nhiều khó khăn
Lĩnh vực dịch vụ ngoại biên (outsourcing) Ấn Độ, nơi mà lao động lành nghề và chi phí thấp đã làm nên tên tuổi của Ấn Độ trên bản đồ kinh doanh toàn cầu, hiện đang gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái tồi tệ nhất kể từ những năm của thập niên 1930, tốc độ tăng doanh thu của outsourcing, lĩnh vực phụ thuộc vào hợp đồng phụ với công ty bên thứ ba, đang chậm lại rất nhanh sau nhiều năm tăng trưởng hai con số.
Theo Richard Gordon, người đứng đầu bộ phận dự báo toàn cầu của Công ty tư vấn Gartner, cho rằng ngân quỹ dành cho lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) vẫn bị cắt giảm và người tiêu dùng cần thêm nhiều thời gian để lấy lại lòng tin và nới lỏng "hầu bao" của mình. Ông Gordon cảnh báo tác động toàn diện của suy thoái toàn cầu đối với các lĩnh vực dịch vụ IT và viễn thông vẫn còn kéo dài.
Hiệp hội các công ty dịch vụ và phần mềm quốc gia Ấn Độ (Nasscom), đơn vị outsourcing hàng đầu Ấn Độ, dự báo doanh thu xuất khẩu của lĩnh vực này sẽ chỉ tăng 4-7% năm lên nhiều nhất là 50 tỷ USD trong tài khóa hiện nay (kết thúc vào tháng 3/2010), thấp hơn nhiều mức tăng 16% tài khóa trước và tăng trung bình 30%/năm của ngành công nghiệp này trong phần lớn thập niên qua, vốn đã đưa Ấn Độ trở thành "trụ sở outsourcing chính" của cả thế giới.
Nasscom cũng cho hay các công ty toàn cầu đang chần chừ khi đưa ra quyết định chi tiêu mới, cho dù dịch vụ ngoại biên của Ấn Độ có giá thành hạ nhờ lực lượng lao động rẻ và giói tiếng Anh.
Trong tài khóa 2008-09, ngành công nghiệp outsourcing đạt giá trị xuất khẩu 47 tỷ USD, trong khi kinh doanh trong nước mang về thêm 11,8 tỷ USD. Lĩnh vực này đang tập trung phát triển trong nước và các thị trường còn chưa khai thác như Nam Phi, Tây Á và Liên minh châu Âu (EU). Trong dài hạn, Nasscom và Công ty tư vấn quản lý McKinsey dự báo doanh thu của lĩnh vực này có thể tăng gấp 4 lần lên 225 tỷ USD vào năm 2020, trong đó chủ yếu nhờ xuất khẩu.
Lĩnh vực outsourcing đóng góp gần 6% vào GDP của Ấn Độ và đóng vài trò quan trọng trong việc tạo ra một tầng lớp trung lưu mới ở đây. Lĩnh vực này sử dụng 2 triệu lao động trực tiếp và 8 triệu lao động gián tiếp.
Trang Nhung (Theo AFP)
TTXVN
|