Xuất khẩu gạo hy vọng xuôi chèo mát mái
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ hè thu 2009, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ khoảng 1,6 triệu ha lúa, dự kiến sẽ có khoảng 2 triệu tấn gạo hàng hóa cần tiêu thụ trong những tháng tới đây.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đối với vụ hè thu 2009, Bộ Công thương phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh và Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội mua khoảng 2 triệu tấn gạo hàng hóa theo giá bảo đảm lợi nhuận tối thiểu 30% cho nông dân.
Việc Chính phủ đồng ý cho xuất hết lúa gạo hàng hóa đang tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động đàm phán ký hợp đồng mới và đẩy mạnh mua lúa của nông dân.
Giá lúa gạo đang tăng
Trong những ngày qua, tiếp sau thông tin Chính phủ có những biện pháp mới chấn chỉnh trong điều hành xuất khẩu gạo, thị trường nhập khẩu gạo từ Philippines, Malaysia mở cửa trở lại, tại các tỉnh Đìng bằng Sông Cửu Long, nông dân và giới doanh nghiệp đang đặt nhiều hy vọng là dòng chảy lưu thông lúa gạo sẽ xuôi chèo mát mái hơn trong những tháng cuối năm. Hiện nay, giá lúa gạo trong vùng bắt đầu tăng lên nhẹ, hứa hẹn những niềm vui mới cho nông dân.
Những ngày gần đây, thị trường gạo trong nước có dấu hiệu sôi động trở lại khi nhiều nước trên thế giới như: Philippines, Maylaysia có nhu cầu nhập khẩu thêm gạo. Nhiều doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu trong nước đã ký mới thêm được hợp đồng nên bắt đầu đẩy mạnh thu mua lúa gạo nguyên liệu.
Theo Bộ Công thương, Chính phủ Philippines dự kiến tăng lượng gạo nhập khẩu lên 2 triệu tấn trong năm nay, còn Malaysia dự kiến sẽ mua thêm 150.000 tấn bổ sung dự trữ. Nhiều khách hàng ở châu Phi, Trung Quốc cũng đang tìm mua gạo Việt Nam do có giá “mềm'' hơn các nước khác. Hiện giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đã tăng trở lại lên ở mức 410 USD/tấn, tăng 20 USD/tấn so với cách nay 2 tuần.
Trong khi đó, giá nhiều loại lúa gạo trong nước đang tăng trở lại ở mức 100 - 250 đồng/kg so với hồi đầu tháng 6. Giá lúa dài vụ đông xuân hiện nay nông dân đang bán với giá 4.200 - 4.300 đồng/kg, lúa dài vụ hè thu 2009 giá 4.100 đồng/kg, tăng bình quân 50 - 100 đồng/kg so với tuần trước. Còn mặt hàng gạo xô (nguyên liệu, loại 15%, 25% tấm): 5.200 - 5.300 đồng/kg, loại 5% tấm giá 5.400 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so đầu tháng 6.
Nhiều chủ cửa hàng bán gạo lẻ ở thành phố Cần Thơ cho biết, khi xuất khẩu hút hàng mạnh, các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua thì giá gạo ở các chợ mới có khả năng tăng theo.
Thời điểm đầu tháng 6, hai doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Đồng Tháp mua gạo xô giá 5.530 đồng/kg (loại I), 5.200 đồng/kg (loại II), thì hiện nay một số doanh nghiệp mua gạo xô của nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp từ 6.100 - 6.300 đồng/kg (tùy loại). Thị trường lúa, gạo Đồng bằng sông Cửu Long còn xuất hiện thương nhân Campuchia sang mua gạo với giá từ 6.000 tới trên 7.000 đồng/kg (tùy loại).
Theo một số doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ đạo chấm dứt việc giao chỉ tiêu xuất khẩu gạo hằng năm cho các địa phương của Thủ tướng Chính phủ có tác động tích cực tới thị trường lúa, gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Lo với gạo phẩm cấp thấp
Ông Trương Thanh Phong, người đứng đầu VFA, khẳng định, thông tin nhu cầu thế giới những tháng cuối năm chỉ nhập gạo cấp cao đã được tổ chức này đưa ra ngay từ đầu vụ, nhưng nông dân vẫn cứ ào ào gieo sạ giống cấp thấp. Theo ông, hai thị trường mua gạo lớn nhất của Việt Nam là Philippines và Malaysia nhập gần như đủ chỉ tiêu gạo cấp thấp, 1,5 triệu tấn theo kế hoạch nhập vào 6 tháng cuối năm là gạo cấp cao. Một số thị trường khác như Cuba, châu Phi hay Trung Đông cũng chỉ mua gạo đủ tiêu dùng trong ngắn hạn.
Theo VFA, 6 tháng cuối năm 2009, doanh nghiệp phải xuất khẩu 2,3 triệu tấn gạo mới giải quyết hết lúa tồn đọng trong dân. Ông Trương Thanh Phong cho rằng, nhiệm vụ này rất khó thực hiện, bởi hầu hết số gạo còn lại là cấp thấp. Nếu bán gạo cho Philippines và Malaysia theo hợp đồng tập trung sắp mở thầu, theo ông, cũng chỉ giải quyết hết khoảng 1,2 - 1,3 triệu tấn, vẫn còn dư khoảng 700.000 tấn.
Để giải quyết hết số gạo này, ông Phong cho rằng, ngay từ bây giờ, Chính phủ phải có kế hoạch hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp chuẩn bị kho bãi mua lúa gạo dự trữ.
Trong cuộc họp giao ban hồi cuối tuần trước, ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nói: “Nếu giá lúa gạo xuống quá thấp hay xảy ra tình trạng ùn tắc lúa như năm 2008, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ cho các doanh nghiệp mua lúa gạo của dân để dự trữ”. /.
VIETNAM+
|