Gian nan kiềm chế nhập siêu
Tháng 6, nhập siêu ước đạt gần 1 tỷ USD, đưa mức nhập siêu 6 tháng đầu năm lên tới 2,1 tỷ USD, chiếm khoảng hơn 10% kim ngạch xuất khẩu.
Như vậy, Việt Nam bước vào tháng thứ 3 liên tiếp nhập siêu. Đã có nhiều ý kiến lo ngại về việc nhập siêu tăng trở lại sẽ tạo sức ép rất lớn lên cung cầu thị trường ngoại tệ.
Tuy nhiên, theo nhận định từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dù nhập siêu tăng trở lại nhưng trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới khiến thị trường bị thu hẹp lại cũng như giá các mặt hàng xuất khẩu giảm mạnh, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn lạc quan vì luôn giữ được mức tăng trưởng dương, tháng sau cao hơn tháng trước.
Nhìn vào các con số về xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm đều có thể dễ dàng nhận thấy chặng đường kiềm chế nhập siêu trong 6 tháng cuối năm là rất gian nan. Tình hình giá cả thế giới có xu hướng biến động phức tạp, kinh tế vĩ mô chưa ổn định, vững chắc, chính sách tỷ giá hiện nay chưa đủ mạnh... tất cả những yếu tố đó báo hiệu khó “ghìm cương” được nhập siêu.
Hiện nay, khoảng 90% kim ngạch nhập khẩu là máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu. Phần lớn hy vọng hiện nay đối với bài toán nhập siêu đặt vào gói kích cầu của Chính phủ, nếu gói này phát huy hiệu quả vào nửa cuối năm 2009 cùng với sự hồi phục của xuất khẩu thì dự kiến kim ngạch nhập khẩu sẽ bằng khoảng 90% năm 2008, đạt 72,6 tỉ USD. Nhập siêu hàng hoá giữ mức khoảng 10 -12 tỉ USD.
Một số chuyên gia kinh tế lạc quan cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn nhập khẩu để sản xuất và xuất khẩu. Hai năm 2007, 2008, Việt Nam cũng đã nhập siêu rất lớn, nhưng vẫn cân đối tốt. Nhập siêu có dấu hiệu tăng trở lại là dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế, không đáng ngại. Xét trên tổng thể cán cân lớn của nền kinh tế thì năm 2009 thâm hụt cán cân thanh toán chỉ ở mức khoảng 1 tỷ USD. Tốt hơn nhiều thực tế 2008.
Dự báo từ Bộ Công Thương cũng cho rằng thâm hụt thương mại của Việt Nam trong năm 2009 sẽ giảm 60% so với năm 2008 và ở mức khoảng 6,9 tỷ USD.
Theo TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tài chính tiền tệ Quốc gia, sáu tháng đầu năm 2009, xuất khẩu được trên 27 tỉ USD, nhập khẩu trên 29 tỉ USD, nhập siêu hơn 2,1 tỉ USD. Con số này là không đáng lo ngại. Xuất khẩu có giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng nhập khẩu lại giảm đến 34%, vì thế nhập siêu trong sáu tháng đầu năm cũng giảm theo. Cần lưu ý là năm 2009, khi cân đối kinh tế vĩ mô chúng ta dự trù nhập siêu lên đến 10 tỉ USD. Sáu tháng đầu năm 2009, con số này chỉ trên 2 tỉ USD. Những tháng cuối năm nếu nhập siêu có tăng thêm thì cũng không đáng lo như năm 2008.
TS Ngân cũng cho hay nhập siêu là do chi ngoại tệ để nhập khẩu cao hơn so với số ngoại tệ thu được từ xuất khẩu hàng hóa. Nhưng chúng ta có thể bù đắp số ngoại tệ thiếu hụt này bằng các nguồn ngoại tệ khác như kiều hối, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, viện trợ phát triển. Chỉ riêng kiều hối trong năm 2009 dự kiến là 6 tỉ USD. Giải ngân dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 5 tỷ USD trong năm và dòng tiền đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam dự kiến là cân bằng, sự rút lui ồ ạt tạo ra sức ép lên tỷ giá là khó xảy ra. Giải ngân ODA dự kiến cũng đạt mức 1 tỷ USD, có thể bù đắp được các khoản trả nợ vay nước ngoài đến hạn khoảng 1,5 tỷ USD...
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan có 3 nhân tố dẫn đến nhập siêu tăng nhanh gồm hội nhập kinh tế sâu hơn; trong quá trình phát triển, đầu tư nhiều, nhu cầu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu nhiều nên đương nhiên nhập khẩu tăng; và việc tăng tiêu dùng bất hợp lý của một bộ phận trong xã hội có xu hướng xài sang.
Tuy nhiên, cũng theo bà Lan, vấn đề đáng lo ngại là khi hội nhập, Việt Nam chưa tận dụng tốt xu hướng tăng xuất khẩu, mà chịu sức ép quá lớn của xu hướng tăng nhập khẩu khi chưa có sự chuẩn bị tốt. Trong khi, tại Trung Quốc, họ đã dành 5 năm trước khi gia nhập WTO để có những bước chuẩn bị tích cực nhằm xoay chuyển tình hình kinh tế trong nước. Nhờ đó, ngay trong năm đầu gia nhập WTO, xuất khẩu của nước này tăng 35% trong khi nhập khẩu tăng không đáng kể. Việt Nam đã thực sự mất cân bằng nghiêm trọng trong xuất nhập khẩu. Năm 2007, nhập siêu của Việt Nam lớn nhất trong 5 năm với hơn 11 tỉ USD. Năm 2008, con số này là khoảng 20 tỉ USD.
Cách thiết thực nhất để chống đỡ sức ép nhập khẩu là có nền sản xuất trong nước mạnh, các ngành sản xuất trong nước có khả năng cạnh tranh để trụ được trước sức ép khi hội nhập. Trong khi đó, Nhà nước đã ưu ái nhiều ngành, nhưng không ép được các ngành này tăng khả năng cạnh tranh. Ô tô là một ví dụ rõ nhất. Ngành sản xuất ô tô trong nước hơn 10 năm nay được hưởng nhiều ưu đãi nhưng khi thuế nhập khẩu ô tô chỉ giảm một chút, ô tô nguyên chiếc ào ạt vào Việt Nam.
Nhập khẩu ô tô chính là phản ứng của người tiêu dùng Việt Nam với sản xuất trong nước, là biểu hiện của chính sách không hợp lý, không thúc đẩy được năng lực cạnh tranh. Ngành điện tử Việt Nam không còn chỗ đứng ngay trên thị trường Việt Nam. Các nhà đầu tư vào Việt Nam phải nhập từ nguyên liệu, linh kiện... đến công nghệ. Việt Nam có khoáng sản nhưng cũng không có khả năng chế biến thành nguyên liệu trung gian. Dệt may bao năm vẫn là gia công...
TBKTVN
|