Phó tổng kiểm toán Nhà nước:
"Xử lý hậu kiểm toán vẫn rất phức tạp"
Tỷ lệ thực hiện các kiến nghị của kiểm toán trong năm 2008 đạt thấp là do có nhiều vấn đề khó giải quyết. Đó là nhìn nhận của ông Lê Minh Khái, Phó tổng kiểm toán Nhà nước khi trả lời VnEconomy xung quanh tỷ lệ thực hiện kiến nghị của kiểm toán trong năm 2007 sụt giảm so với năm trước đó.
Ông Khái nói:
- Nhìn chung, kết quả kiểm toán năm 2008 đã có nhiều nội dung tiến bộ so với năm 2007, do cơ chế, ý thức cũng như chỉ đạo của Chính phủ quyết liệt hơn đối với việc phát hiện, xử lý các sai phạm của các tổ chức, bộ ngành và các địa phương.
Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ cụ thể thì vẫn còn chỗ này, chỗ kia, một số tổ chức sai phạm như những năm trước, thậm chí có một số đơn vị thì sai phạm có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng hơn.
Qua kiểm toán thì lĩnh vực sai phạm nhiều nhất trong năm 2008 vẫn là đầu tư xây dựng cơ bản, phân bổ dự toán, triển khai đầu tư, quyết toán…
Nhìn tổng thể, kết quả kiểm toán có nhiều tiến bộ, song việc thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trong năm qua lại đang sụt giảm. Liệu ý nghĩa của hoạt động kiểm toán có bị ảnh hưởng?
Thực ra, để nâng cao ý nghĩa của hoạt động kiểm toán, sau mỗi cuộc kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước luôn quan tâm đến việc chấp hành các kiến nghị của mình đối với các đợn vị sai phạm. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên những kiến nghị của về xử lý các sai phạm về tài chính trong năm 2007 chỉ đạt 67%, trong khi năm 2006 đạt tới 89%.
Nguyên nhân của việc thực hiện các kiến nghị đạt thấp trong năm qua là do có nhiều vấn đề, tại thời điểm kiến nghị thì cơ chế, chính sách chưa rõ, chưa phù hợp hoặc đã được thay đổi vào thời điểm thực hiện các kiến nghị.
Chẳng hạn, có nhiều chương trình, dự án theo quy định phải nộp hoặc không phải nộp thuế. Tuy nhiên, trong bản thân dự án đó lại có những phần phải nộp, phần không, do vậy sau đó Chính phủ lại chỉ đạo xem xét, có hướng xử lý phù hợp khác.
Chẳng hạn, sau khi kết thúc cuộc kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu phải nộp lại ngân sách, nhưng khi yêu cầu thực hiện, các đơn vị này lại báo cáo với cơ quan chức năng Nhà nước xin cơ chế thực hiện theo thực tế, theo thời điểm.
Kết quả là các đơn vị này không nộp ngân sách nhưng vẫn triển khai thực hiện kiến nghị của chúng tôi. Trong khi đó, số liệu xử lý tài chính không ghi vào được sổ sách, nên khi so sánh về mặt lượng, giá trị thì tỷ lệ của năm 2008 đạt thấp.
Bên cạnh đó, cũng do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nên họ đã gặp nhiều khó khăn về tài chính, dẫn đến việc chấp hành các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước bị chậm trễ, chây ỳ…
Hơn nữa, có một số kiến nghị, tại thời điểm đó thì đúng nhưng sau đó, Chính phủ đã có những chính sách chuyển đổi, điều chỉnh nên vô tình nó đã lọt ra khỏi nhóm đối tượng mà Kiểm toán Nhà nước kiến nghị.
Giải pháp mà Kiểm toán Nhà nước đưa ra là sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thực hiện rà soát lại các kiến nghị chưa chấp hành, thực hiện để buộc các đơn vị sai phạm khẩn trương thực hiện các kiến nghị đã đưa ra.
Nhưng, việc sụt giảm đó liệu có phải chúng ta đang “nhẹ tay” với việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu?
Đúng là trước đây thì chúng tôi chưa chú trọng đến việc kiến nghị xử lý trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, hoạt động này đã được cải thiện, mà điển hình là trong năm qua, có đến 20 kiến nghị đối với các bộ, ngành địa phương về việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để xảy ra sai sót.
Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý rằng, công tác thực hiện xử lý hậu kiểm toán hiện nay cũng hết sức phức tạp, trong đó có nhiều vấn đề phải chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra.
Tại sao, trong báo cáo kiểm toán hàng năm, các “ông lớn” thường vẫn đứng đầu sổ về sai phạm, thưa ông?
Thực ra, trong hoạt động của mình, Kiểm toán Nhà nước thường chú trọng nhiều đến khía cạnh quản lý tài chính, chi tiêu của các tập đoàn, tổng công ty. Còn để đánh giá hiệu quả hoạt động của tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì đã có đánh giá riêng khá đầy đủ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước thường là những đơn vị đảm nhiệm những lĩnh vực trong yếu đối với nền kinh tế như điện, đường sắt, xăng dầu…mà các thành phần khác không thể đảm đương được. Do đó, có những khu vực dịch vụ, mặc dù lợi nhuận khá lớn, song các tập đoàn nhà nước không thể tham gia được mà chủ yếu là các thành phần khác.
Cũng chính vì vậy, để đánh giá chung về hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì cần phải xét trên nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau chứ không hẳn chỉ dựa vào lợi nhuận đơn thuần.
Hiện dư luận đang rất quan tâm đến tính minh bạch của hoạt động kinh doanh xăng dầu. Vậy, kế hoạch kiểm toán những đơn vị này đến đâu và khi nào sẽ công bố công khai, thưa ông?
Hiện chúng tôi vẫn đang triển khai kiểm toán việc bù lỗ xăng dầu trong ba năm, từ 2006 - 2008, kết quả cụ thể sẽ được công bố trong thời gian tới. Nhưng đến nay, theo tổng hợp của Bộ Tài chính, ngân sách Nhà nước đã chi bù lỗ cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là 5.620 tỷ đồng trong năm 2007.
Tuy nhiên, do việc thực hiện hiện cơ chế bù lỗ xăng dầu hiện nay đã có thay đổi do số đầu mối nhập khẩu đã lên tới 10 đầu mối, bán theo giá quy định hay bán theo giá thị trường, bù lỗ theo thực tế hay định mức... nên việc theo dõi phức tạp hơn, để xác định việc xin tăng hay giảm giá có hợp lý là rất khó, phải chờ đến năm 2010 mới có kết quả kiểm toán.
Bảo Anh
tbktvn
|