Xăng dầu lãi đậm
Chỉ trong quý II/2009, xăng đã tăng giá 5 lần, dầu tăng giá 4 lần. Trước và sau mỗi lần tăng, các doanh nghiệp xăng dầu đều than lỗ. Điều tra của Báo NLĐ cho thấy các doanh nghiệp ngành này không những đang lãi đậm mà còn sử dụng nhiều chiêu “móc túi” ngân sách và người tiêu dùng
Lâu nay, các doanh nghiệp (DN) xăng dầu đầu mối trong nước luôn viện cớ giá xăng dầu thế giới tăng để đề nghị tăng giá bán lẻ các mặt hàng này trong nước, bởi nếu không tăng thì lỗ. Có thật như vậy?
Mỗi ngày lãi 9,4 tỉ đồng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào ngày 1-7, khi giá bán lẻ các mặt hàng xăng tại VN tăng thêm 700 đồng/lít thì giá xăng A92 nhập khẩu từ Singapore cùng thời điểm là khoảng 65 USD/thùng (một thùng xấp xỉ 150 lít). Tính ra, giá nhập khẩu là 7.700 đồng/lít (theo tỉ giá 1 USD/17.800 đồng). Chi phí đầu vào của một lít xăng tại thời điểm này gồm: 20% thuế nhập khẩu, tương đương 1.540 đồng/lít; 10% thuế tiêu thụ đặc biệt, tương đương 770 đồng/lít; lệ phí xăng dầu 1.000 đồng/lít; trả nợ ngân sách bù lỗ 1.000 đồng/lít; quỹ bình ổn giá 500 đồng/lít (Nhà nước hiện chưa thu). Ngoài ra, còn có các chi phí khác gồm chi phí kinh doanh 600 đồng/lít, lợi nhuận định mức 150 đồng/lít, hoa hồng cho đại lý 500 đồng/lít (khoản này có thể khác nhau tùy theo quy mô, hoạt động của từng DN). Như vậy, tổng chi phí cho một lít xăng A92 là 13.260 đồng/lít (lưu ý rằng từng DN có cách tính giá thành khác nhau nhưng công thức trên là cơ bản). Với giá bán lẻ hiện nay là 14.200 đồng/lít ở vùng 1, DN xăng dầu lãi 940 đồng/lít (nếu tính theo giá bán lẻ 14.480 đồng/lít ở vùng 2, DN lãi 1.220 đồng/lít). Kết luận: Toàn thị trường đang chung một mức giá bán xăng dầu nên có thể khẳng định các DN ngành này đang lãi đậm.
Khoản lãi cụ thể của nhóm các DN xăng dầu là bao nhiêu? Trung bình, cả nước mỗi tháng tiêu thụ khoảng 300.000 m3 xăng, tương đương khoảng 10 triệu lít xăng/ngày. Với phép tính trên, mỗi ngày các DN xăng dầu có thể lãi 9,4 tỉ đồng (tính theo vùng 1). Sau nửa tháng áp dụng giá mới (từ ngày 1 đến ngày 15-7), các DN xăng dầu đã bỏ túi khoản lợi nhuận “khủng khiếp”: 141 tỉ đồng.
Đó là mới tính riêng mặt hàng xăng. Còn từ mặt hàng dầu, các DN xăng dầu có thể thu vén nhiều hơn. Một trong những chiêu thức phổ biến nhất hiện nay là đẩy nhiều khoản chi phí giá thành xăng dầu nói chung vào giá thành riêng của dầu để có giá bán cạnh tranh, quan trọng hơn là tạo ra những khoản lãi thật - lỗ giả. Lý do bởi dầu là mặt hàng đang được ngân sách Nhà nước cấp bù (nếu DN thua lỗ), còn mặt hàng xăng thì đã chấm dứt cấp bù từ giữa tháng 6-2004 đến nay.
“Ăn dày” từ định mức hao hụt
Thật ra, các DN xăng dầu có thể lãi nhiều hơn mức kể trên bằng nhiều cách. Thứ nhất, hiện có hai hình thức nhập khẩu xăng phổ biến theo quý hoặc theo chuyến. Những DN có hệ thống kho chứa lớn như Tổng Công ty Xăng dầu VN (Petrolimex VN, đang nắm 60% thị phần xăng dầu trong nước) thường nhập theo quý nên có thể lãi đậm nhờ những hợp đồng mua với giá thấp, ví dụ hồi quý IV/2008 giá chỉ khoảng 42 USD/thùng. Thứ hai, xăng dầu là mặt hàng dễ bay hơi nên từ thời Bộ Vật tư (cũ) đã có Quyết định 758/VT-QĐ (ban hành ngày 13-4-1986) quy định về tỉ lệ hao hụt xăng dầu DN được phép khấu trừ (tất cả các lần sang chiết đều được khấu trừ những khoản hao hụt). Đây chính là khoản “kiếm chác” của các DN xăng dầu vì những năm gần đây, công nghệ vận tải, sang chiết, bơm rót, dự trữ... đã cải tiến đáng kể, lượng xăng dầu hao hụt giảm đi rất nhiều nhưng định mức hao hụt thì vẫn áp theo quy định của... 23 năm về trước!
Giành giật thị phần
Cả nước hiện có 11 DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu, khoảng 300 tổng đại lý (TĐL), 9.000 đại lý và cửa hàng bán lẻ (riêng Petrolimex VN có 1.720 cửa hàng bán trực tiếp). Ngoài Petrolimex VN và Saigon Petro đã có hệ thống đại lý trực tiếp, hầu hết các DN còn lại chủ yếu bán hàng thông qua những TĐL. Theo Quyết định 0676 ngày 31-5-2004 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) và văn bản 814 ngày 11-5-2004 của Petrolimex VN, giá bán cho TĐL và đại lý hình thành trên nguyên tắc: Giá giao = giá bán lẻ (vùng 1 hoặc vùng 2) - thù lao (hoa hồng) - chi phí vận chuyển và chi phí khác. Nhưng trên thực tế, các DN chủ yếu giành giật nhau kênh bán trực tiếp. DN nào chào giá cao hơn đối thủ khoảng 30 đồng/lít là mất khách, mất thị phần ngay.
Một tình trạng khá phổ biến nữa là, “nhờ” DN đầu mối thả nổi, các TĐL đã đăng ký hệ thống phân phối tại các địa bàn xa nhưng tiêu thụ hàng ngay tại đầu nguồn hoặc địa bàn gần và đưa khống khoản cước vận chuyển vào kết cấu thù lao để cạnh tranh, gây nhiễu loạn thị trường.
Theo các quyết định 187, 1505 và Quyết định bổ sung 1925 của Bộ Thương mại, để trở thành TĐL xăng dầu, ngoài việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh xăng dầu như quy định tại Thông tư 14 của Bộ Thương mại cũng như các quy định hiện hành khác về xăng dầu, đơn vị đó phải có ít nhất 2 cửa hàng hoặc trạm bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu TĐL và có ít nhất 8 DN ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho TĐL. Tuy nhiên, từ thực tế chúng tôi nắm được, số TĐL đáp ứng các điều kiện trên hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, các DN đầu mối chỉ quan tâm đến lượng hàng mà TĐL nhận khỏi kho và thanh toán chứ không kiểm soát được lượng hàng hóa đó được đưa về đâu, tiêu thụ ra sao...
Mỗi khi mức độ lộn xộn ở các TĐL lên cao điểm, các bộ - ngành hữu quan mới lập đoàn kiểm tra. Đơn cử, chỉ qua một đợt kiểm tra sơ bộ vào năm 2005, đoàn kiểm tra của Bộ Thương mại đã phát hiện và xử lý 604 trường hợp không đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, 653 trường hợp vi phạm quy chế kinh doanh xăng dầu, hàng trăm đại lý và TĐL ký hợp đồng với nhiều đầu mối...
Những số liệu này, dù chưa phải là mới nhất nhưng đã chứng minh cho tình trạng yếu kém của hệ thống phân phối xăng dầu. Đến nay, các bộ - ngành hữu quan vẫn chưa tổ chức các đợt kiểm tra tương tự để chấn chỉnh.
Ném đá ao bèo
Những bất cập về tỉ lệ hao hụt đã từng được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra cách đây 2 năm. Sau khi hoàn thành việc kiểm toán tại Petrolimex VN vào cuối năm 2007 (niên độ ngân sách 2006), Kiểm toán Nhà nước đánh giá tỉ lệ hao hụt là khoản chi phí nhập nhèm, có thể bị kê khống nên cần phải điều chỉnh. Thế nhưng, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đến nay vẫn chỉ là “ném đá ao bèo”.
Quý An - Châu Long
Người lao động
|