Thứ Tư, 15/07/2009 19:02

Quy hoạch xây dựng công trình ngầm đô thị: “Trận địa” còn bỏ trống

Trên thế giới việc phát triển công trình ngầm trong đô thị đã có từ rất lâu. Tại Việt Nam , trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa của nước ta ngày càng nhanh, hệ thống đô thị phát triển cả về số lượng, chất lượng và quy mô. Đặc biệt là ở các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, tốc độ phát triển nóng tạo ra các áp lực về hạ tầng đô thị, nhà ở, văn phòng, giao thông đô thị…

Hiện quỹ đất bề mặt của các đô thị lớn đã ở trong tình trạng gần như cạn kiệt, các không gian xanh, không gian công cộng với nhu cầu về tính văn minh, hiện đại và mỹ quan đô thị đã và đang đòi hỏi việc phát triển phải hướng đến khả năng tận dụng, phát triển song song cả về chiều cao lẫn chiều sâu của đô thị. Trong đó, vấn đề chiều sâu – phát triển không gian ngầm đô thị ở ViệtNamlại đang diễn ra hết sức mới mẻ, bất cập, thiếu quy hoạch và khung pháp lý điều chỉnh.

Công trình ngầm: ngổn ngang tình trạng đào lên rồi lại lấp xuống

Theo TS Nguyễn Hồng Tiến – Phó Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng, các công trình ngầm tại các đô thị được xem xét ở ba loại hình: công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, công trình giao thông ngầm và phần ngầm của các công trình xây dựng. Ở công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, các đường dây, đường ống ngầm thường được đặt sâu dưới đất không quá 3m và bố trí riêng rẽ với các độ sâu khác nhau. Tuy nhiên, có thực tế là các đô thị cũ không bố trí các đường dây, đường ống trong hộp kỹ thuật hoặc tuynen. Mỗi công trình (cấp nước, điện, thông tin…) được quản lý bởi nhiều cơ quan khác nhau và hầu hết các đô thị chưa lập được bản đồ hiện trạng tổng hợp các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm. Các khu đô thị mới hiện đã quan tâm đến bố trí các loại công trình này dưới đất nhưng hầu như không tập trung trong các hộp kỹ thuật mà bố trí riêng rẽ.

Hiện nay Hà Nội đang thực hiện dự án hạ ngầm đường dây thông tin, cáp điện ở một số tuyến phố chính với chi phí rất lớn. Tuy nhiên, theo TS Tiến, đó mới chỉ là giải pháp tình thế bởi vì việc ngầm hóa trên đơn giản là chôn xuống đất trong một ống gọi là cống hay bể ngầm, để thành phố đỡ bùng nhùng các đường dây rợ trên không, chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long…; chứ không thực hiện bài bản là xây hộp kỹ thuật lắp đặt đồng bộ toàn bộ các đường dây này.

Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều tuyến cáp điện đã bố trí ngầm song mới chỉ đơn ngành quản lý và sử dụng chưa mang tính đa ngành… Thực trạng bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật như trên đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình triển khai thi công, xây dựng và cải tạo nhiều công trình, đặc biệt là các công trình giao thông tại các đô thị, do đó đáng tiếc là hiện tượng đào lên rồi lấp xuống vẫn sẽ còn diễn ra.

Ở các công giao thông ngầm có thế thấy hầm cho người đi bộ đã được xây dựng tại Hà Nội; tuy nhiên với đảm nhận chức năng giao thông là chính và chưa gắn nhiều với mục đích sử dụng công cộng; mặt khác chế tài xử phạt người đi bộ qua đường ở những nơi đã có hầm cho người đi bộ chưa nghiêm nên việc sử dụng, khai thác các hầm này còn nhiều hạn chế, không an toàn, an ninh và hầm vắng khách.

Hầm đường ô tô trong đô thị mới được xây dựng ở Hà Nội tại trước cổng Trung tâm hội nghị quốc gia đang hoạt động, hầm tại nút giao Kim Liên – Lê Duẩn… mới thông xe kỹ thuật tuy nhiên nhiều công trình đi kèm vẫn còn đang thi công và thời gian thi công lại kéo quá dài, ảnh hưởng rất lớn đến giao thông đi lại và sinh hoạt của cộng đồng dân cư tại khu vực này. Hiện Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang lập dự án xây dựng tàu điện ngầm xong tiến độ triển khai được đánh giá là quá chậm. Mặt khác, cũng tại hai thành phố này đang chuẩn bị xây dựng bãi đỗ xe ngầm, tuy nhiên do chưa có quy hoạch cụ thể nên việc lựa chọn địa điểm xây dựng còn gặp nhiều khó khăn hoặc không lường hết được các trở ngại có thể xảy ra, nên lúc cho phép đầu tư xây dựng, lúc thu hồi giấy phép lại, gây nản lòng cho các nhà đầu tư.

Ở phần ngầm của các công trình xây dựng cũng có thể thấy thực trạng, hầu hết các nhà cao tầng xây dựng các tầng hầm và có nhiều tòa nhà có chiều sâu móng lên tới 50 – 60m, việc quản lý của các cơ quan chức năng hiện nay chưa đồng bộ mà mới chủ yếu theo hồ sơ đơn chiếc và giấy phép xây dựng. Theo các chuyên gia, việc tổng hợp mang tính hệ thống các phần ngầm này phải được thực hiện trên bản đồ để thuận lợi cho việc quản lý và thực hiện cho phép xây dựng tiếp theo. Trong thời gian vừa qua nhiều quy hoạch chi tiết một tuyến phố hay khu vực được phê duyệt và công bố, nhưng bản đồ hiện trạng xây dựng kiến trúc và giao thông hoặc sử dụng đất chưa làm rõ được công trình xây dựng có tầng hầm mà ở trên bản đồ này phải thể hiện quy mô, vị trí phần ngầm cùng với chiều sâu móng, số tầng hầm xây dựng…

Thiếu quy hoạch: cả chính quyền, cơ quản quản lý và nhà đầu tư đều gặp khó

PGS.TS Lưu Đức Hải – Cục trưởng Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho biết: Hiện nay, ở nước ta vẫn chưa có quy hoạch không gian ngầm đô thị, tức là thiếu một tầm nhìn tổng thể về vấn đề này tại các đô thị, và đang gây rất nhiều khó khăn, cản trở cho công tác quản lý cũng như công tác đầu tư về lĩnh vực này. Hiện nay cả chính quyền, các cơ quan quản lý và nhà đầu tư đều gặp phải khó khăn khi vấp phải vấn đề công trình ngầm, không gian ngầm. Thực tế này dẫn đến sự băn khoăn và nghi ngại trong việc phát triển không gian ngầm đô thị vì sợ đi trước khi có quy hoạch sẽ tạo ra những phức tạp về sau. Ví như sự kiện xây dựng dự án bãi đỗ xe ngầm công trường Lam Sơn.

Bên cạnh vấn đề thiếu một quy hoạch chính thức về không gian ngầm đô thị, việc thiếu một hành lang pháp lý với những quy định, quy chế, tiêu chuẩn cơ bản về công tác đầu tư xây dựng công trình ngầm đô thị cũng khiến các cơ quan và nhà đầu tư lúng túng. Các quy định mà thực tiễn đang cần là các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng công trình ngầm phải chờ đợi ý kiến của các ban ngành một thời gian rất lâu nhưng vấn đề vẫn chưa giải quyết được.

Thực tế, có nhiều vấn đề liên quan đến các công trình ngầm chưa có quy định cụ thể nên các cơ quan chức năng đôi khi phải “tuỳ nghi” trong các quyết định. Các chính quyền đô thị đang gặp vướng mắc rất lớn về quy hoạch và xử lý tình huống các công trình ngầm. Do đó, các nhà đầu tư cũng mất đi cơ hội, hoặc phải rất vất vả nếu muốn tạo ra một không gian ngầm trong dự án của mình. Đồng thời tiến trình phát triển của không gian ngầm đô thị cũng phải đi rất chậm hoặc giậm chân tại chỗ.

Cần một khung pháp lý và quy hoạch đồng bộ

Có thể nói việc phát triển hệ thống không gian ngầm, công trình ngầm ở ViệtNamnói chung và các đô thị lớn nói riêng là khá mới mẻ nên các quy định pháp luật để điều chỉnh chưa đầy đủ là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trước xu hướng phát triển các công trình ngầm như hiện nay, Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện chiến lược phát triển cũng như khung pháp lý để điều chỉnh các quan hệ mới phát sinh này.

Theo các chuyên gia, quy hoạch dưới lòng dất rất phức tạp, bởi ngoài chuyện phải sử dụng kỹ thuật phức tạp, hiện đại, liên quan đến nhiều chuyên ngành như địa chất, thủy văn, xây dựng, văn hóa, lịch sử… với đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, còn phải có nguồn lực về tài chính rất lớn và quan trọng nhất là tầm nhìn của các nhà quy hoạch. Đô thị càng hiện đại, quy mô đặc biệt (như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), không gian ngầm càng phứu tạp, khi thực hiện sẽ phải chi một khoản đầu tư lớn trong xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị. Tuy nhiên, Nhà nước cần có một chiến lược đi trước một bước, bỏ kinh phí để nghiên cứu lập quy hoạch mới một cách bài bản, nhằm tạo điều kiện cho việc phát triển không gian ngầm trong tương lai.

Hơn nữa, do điều kiện kinh tế, công nghệ, kinh nghiệm ở Việt Nam còn thiếu, hầu hết các đô thị cũ đang trong quá trình cải tạo, công tác quản lý còn nhiều yếu kém nên việc lựa chọn công trình nào để xây dựng ngầm và xây dựng ở đâu, quy mô nào cũng cần phải được cân nhắc thận trọng.

Ông Trần Trọng Hiếu – Đại diện của Sở xây dựng Hà Nội kiến nghị: Bộ Xây dựng cần sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng công trình ngầm đô thị; Bộ Xây dựng trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đô thị thành phố Hà Nội mở rộng làm cơ sở cho việc xây dựng ngầm đô thị; Nghiên cứu, ban hành các thiết kế mẫu các tuy nen kỹ thuật và hào kỹ thuật để lắp đặt sử dụng; Ban hành cơ chế đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị để xã hội hóa đầu tư.

Việc xây dựng công trình ngầm trong mỗi dự án phát triển đô thị đều rất tốn kém nhưng hiệu quả mang lại sẽ rất lớn, nó góp phần giải quyết nhiều vấn nạn đô thị hiện nay. Tuy nhiên để việc xây dựng các đô thị Việt Nam phát triển hài hòa giữa không gian mặt đất với không gian ngầm, trở thành đô thị thực sự văn minh, hiện đại… vẫn là vấn đề lớn đặt ra cho các nhà nghiên cứu, tư vấn, quản lý, đầu tư xây dựng.

Những thông tin trên đã được các đại biểu đưa ra trong hội thảo Quản lý và đầu tư xây dựng công trình ngầm đô thị, do Bộ Xây dựng và Công ty Apave Việt Nam và Đông Nam Á tổ chức trong sáng nay (15/7) tại Hà Nội.

Lan Hương

Hà Nội Mới

Các tin tức khác

>   Đưa ngành CNTT thành hướng phát triển mũi nhọn của đất nước (15/07/2009)

>   Xuất khẩu nhân điều vào Mỹ tăng mạnh (15/07/2009)

>   Xuất khẩu cá tra sôi động (15/07/2009)

>   Cần xác định hợp lý giá thành sản xuất cà phê (15/07/2009)

>   Giá cà phê tăng thêm 20 USD/tấn (15/07/2009)

>   Chưa hạ giá xăng dầu vì vẫn đang... lỗ (15/07/2009)

>   TT dệt may: Xây thương hiệu nội địa mãi vẫn chưa mạnh (15/07/2009)

>   381 doanh nghiệp tại TP.HCM được sắp xếp và đổi mới (15/07/2009)

>   Không có lý do mở cuộc chiến thương mại về cá tra và cá basa với VN (15/07/2009)

>   Hệ lụy giá thép tăng (15/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật