Chưa hạ giá xăng dầu vì vẫn đang... lỗ
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết giá xăng dầu thế giới bình quân 14 ngày gần đây cộng với các khoản thuế, phí phải nộp và khoản tạm ứng từ ngân sách nhà nước 1.000 đồng đối với mặt hàng xăng thì doanh nghiệp vẫn bị lỗ.
Theo đại diện Bộ Tài chính, giá xăng dầu thế giới bình quân 14 ngày gần đây có xu hướng giảm từ 0,8% đến 8,6% so với giá bình quân tháng 6 tùy theo từng chủng loại nhiên liệu, trong đó giá dầu thô giảm nhiều hơn giá dầu thành phẩm. Đặc biệt giá dầu ma dút giảm không đáng kể (0,8%).
Nếu cộng mức giá này với các khoản thuế, phí phải nộp (thuế nhập khẩu 20%, diezel 20%, dầu hỏa 30%, madút 25%) tính cả khoản tạm ứng từ ngân sách nhà nước 1.000 đồng đối với mặt hàng xăng mà Bộ Tài chính đã tạm ứng cho doanh nghiệp chưa tính mức lãi để lại cho doanh nghiệp (tối đa 300 đồng) và chưa trích quỹ bình ổn giá thì vẫn có mặt hàng bị lỗ.
Cụ thể xăng lỗ 179 đồng/lít, diezel 0,05% S lãi 136 đồng/lít, dầu hỏa lãi 750 đồng/lít, dầu madút lỗ 591 đồng/kg.
Cũng theo ông Hiếu, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ ngành có liên quan trình Chính phủ để sửa đổi, bổ sung Nghị định 55 về kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường. Cùng với đó sẽ rà soát mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu và mức trích quỹ bình ổn giá xăng dầu để doanh nghiệp làm căn cứ chủ động xác định mức giá bán lẻ.
Việc điều chỉnh giá bán lẻ theo giá thị trường không được gây ra sự biến động lớn về giá bán lẻ. Trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng quá cao Nhà nước sẽ xem xét can thiệp bằng các quyết sách cụ thể.
“Theo nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp sẽ được quyền điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo các mức tăng giá nhất định. Trường hợp tăng giá doanh nghiệp chỉ phải gửi văn bản thông báo điều chỉnh tăng giá đến các cơ quan quản lý. Trường hợp giá tăng quá cao Nhà nước sẽ can thiệp bằng cách xuất quỹ bình ổn giá, điều chỉnh chính sách thuế”- Ông Hiếu cho biết.
Đại diện Liên bộ Tài chính – Công thương cũng cho biết Nhà nước sẽ chỉ can thiệp với giá xăng trong trường hợp đặc biệt (khi giá cả biến động bất thường) và có thông báo bằng văn bản.
Liên quan đến việc vừa qua giá thế giới tăng không nhiều mà Liên bộ lại chấp thuận để doanh nghiệp điều chỉnh giá xăng, dầu 2 lần, ông Hiếu cho biết việc điều hành giá xăng dầu trong nước căn cứ vào diễn biến giá xăng, dầu thành phẩm (chứ không phải điều hành theo giá dầu thô) bình quân phù hợp với thời gian dự trữ lưu thông hàng tồn kho tối thiểu 20 ngày theo quy định của Nghị định 55.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết cơ cấu khoản mục tính giá xăng dầu là giống nhau. Việc sửa Nghị định 55 là quan điểm của Bộ Tài chính góp ý với Bộ Công Thương và quyết định cuối cùng do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Theo nghị định mới, nếu giá xăng giảm dưới 10% thì doanh nghiệp gửi báo cáo về Liên bộ để xem xét điều chỉnh. Cũng theo nghị định mới này khi giá xăng dầu thế giới tăng trên 15% thì Nhà nước sẽ can thiệp. Còn nếu tăng dưới 15% thì sẽ dùng quỹ bình ổn giá để bù.
“Cách tính giá xăng hiện nay thực hiện theo nguyên tắc lấy giá platt Singapore, tỉ giá đồng Việt Nam với USD để tính giá vốn nhập khẩu, các khoản phải nộp cho Nhà nước cộng thêm phí xăng dầu (600 đồng/lít).
Trong thời gian tới dù có thêm nguồn cung của xăng Dung Quất nhưng do chỉ đáp ứng được hơn 30% nhu cầu nên chúng ta vẫn phải nhập khẩu xăng dầu thế giới. Vì vậy giá trong nước vẫn phải điều chỉnh theo thế giới”- Ông Thỏa cho biết thêm.
Cũng theo ông Thỏa trong những ngày qua chưa có doanh nghiệp nào đăng ký giảm giá bán do giá dầu giảm chưa đủ 20 ngày như quy định.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cũng cho biết tuy giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng lên nhưng hiện nay còn thấp hơn giá của một số nước trong khu vực.
Đến 20/7, sẽ nhắc DN giảm giá nếu...
Đến 20/7, nếu giá xăng dầu thế giới vẫn giảm (đủ 20 ngày theo quy định), sẽ nhắc nhở các DN giảm giá xăng dầu bán lẻ. Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết.
Phạm Tuyên
Tiền Phong
|