Thứ Tư, 15/07/2009 15:36

Hệ lụy giá thép tăng

Đón chúng tôi ngay tại công trường, ông Đặng Vũ Nhật Thăng - Giám đốc Ban QLDA Hạ tầng Tả Ngạn, phàn nàn: Giá thép lại tăng khiến nhà thầu tham gia dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy vốn khó càng thêm khó.

Giải thích cho cái khó của mình, ông Thăng cho biết thêm: Các nhà thầu tham gia xây dựngcây cầu giao thông huyết mạch phíaNamthành phố Hà Nội, vắt qua đôi bờ sông Hồng đang phải chịu áp lực từ hai phía. Một bên là giá vật liệu, mà chủ yếu là giá thép tăng cao, với một bên là tiến độ thi công phải đẩy cao để có thể thông xe kỹ thuật vào dịp Quốc khánh 2/9/2009 và hoàn tất toàn bộ dự án vào năm 2010, chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Nguyên nhân từ giá dầu tăng

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, trong vòng 2 tháng qua, các doanh nghiệp thép đã điều chỉnh giá thép tới 6 lần. Tuy nhiên, câu chuyện này sẽ chưa dừng lại, bởi hiện tại giá phôi thép trên thế giới đã nhích lên 435 - 450 USD/tấn (chưa kể thuế nhập khẩu). Giá dầu trong nước sau 2 lần điều chỉnh gần đây cũng tăng mạnh. Trước tình thế này, buộc các doanh nghiệp phải tính đến chuyện tiếp tục tăng giá.

Mới đây nhất, ngày 9/7,Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) trụ sở phía Nam, đã chính thức công bố tăng giá bán đối với thép cuộn và thép cây 30.000 - 180.000 đồng/tấn so với cuối tháng 5/2009.

Công ty Cổ phần Thép Việt - Ý (VIS) cũng có công văn thông báo tới các khách hàng, các chi nhánh, các công trường đang kinh doanh và sử dụng Thép VIS về việc kể từ ngày 6/7/2009 tăng 300.000 đồng/tấn áp dụng cho tất cả các chủng loại, kích cỡ...

So với tháng 4 và 5, mặc dù sức tiêu thụ thép tháng 6 giảm, nhưng giá bán lại tăng thêm 800 nghìn đến 1 triệu đồng/tấn. Hiện giá bán thép xây dựng tại nhà máy ở mức: thép cuộn phi 6, phi 8 từ 10,6 triệu đến 10,8 triệu đồng/tấn; thép cây từ 10,9 triệu đến 11,3 triệu đồng/tấn (chưa có VAT)...

Giải thích cho việc tăng giá thép, ông Đào Đình Đông, Trưởng phòng thị trường, Công ty Thép miền Nam cho biết, giá dầu sau 2 lần điều chỉnh gần đây đã tăng mạnh tới 1.500-1.650 đồng/kg (lít) so với giá hồi tháng 5/2009.

Để sản xuất một tấn thép cần khoảng 45-50 lít dầu. Do giá dầu tăng, giá thành thép sẽ đội thêm khoảng 60.000 đồng/tấn. Ông Đông giải thích thêm.

Trao đổi với PV Báo điện tử Tổ quốc, ông Hoàng Văn Tòng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Gang thép Thái Nguyên cho biết: Dù chủ động tới 50% nguồn phôi nhưng giá dầu tăng thì việc tăng giá thép của công ty là không thể tránh khỏi.

Theo dự kiến, tổng lượng thép sản xuất đưa ra thị trường 6 tháng cuối năm khoảng 2 triệu tấn, thì chi phí tăng thêm do nhiên liệu tăng giá đối với ngành thép lên tới 200 tỷ đồng.

Hệ lụy khó tránh

Nói về những hệ lụy của việc tăng giá thép xây dựng, ông Đặng Vũ Nhật Thăng - Giám đốc Ban QLDA Hạ tầng Tả Ngạn- cho rằng: Nhà thầu xây dựng là đơn vị chịu thiệt thòi nhất. Giá trúng thầu xây dựng đã được duyệt, không thể đẩy thêm. Hơn nữa, tiến độ được yêu cầu đẩy nhanh, khiến nhà thầu phải chấp nhận nhập thép giá cao do không thể câu dầm chờ thời.

Để giải quyết hài hoà mâu thuẫn và áp lực trên, nhiều khả năng, các nhà thầu xây dựng sẽ phải dùng thép nhập khẩu thay thế thép sản xuất trong nước- ông Thăng cho biết thêm.

Theo giải thích của giới xây dựng, thép Việt có chất lượng tốt hơn rất nhiều so với thép Trung Quốc. Với thép cuộn, trong năm nay, một số nhà sản xuất trong nước đã in mác trực tiếp lên sản phẩm, tạo điều kiện cho người tiêu dùng phân biệt với loại thép cuộn không có nhãn mác, thường chỉ sản xuất tại địa phương ở Trung Quốc. Việc làm rõ thương hiệu, nhãn mác như vậy sẽ là lợi thế cạnh tranh cho thép nội.

Tuy nhiên, hiện nay thép cuộn xây dựng từ ASEAN được hưởng thuế ưu đãi 0% nhập về Việt Nam ngày càng nhiều, giá lại thấp hơn từ 500 - 700 nghìn đồng/tấn.

Thời gian qua, các doanh nghiệp trong nước vẫn cạnh tranh được với thép nhập khẩu là do thương hiệu, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nhưng, theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), nếu tăng giá nữa thép nội sẽ mất lợi thế cạnh tranh so với thép nhập khẩu.

Đại diện công ty Gang thép Thái Nguyên cho biết: Do giá thép trong nước tăng cao, từ đầu tháng 6 nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã tiếp cận với một số đối tác trong nước chào bán khoảng 30 chủng loại thép, trong đó khoảng 1/3 là thép xây dựng với giá trung bình 3.680 NDT/tấn. Trên thực tế, một số doanh nghiệp thương mại đã nhập khẩu thép Trung Quốc về bán. Điều này phù hợp với quy luật cung- cầu trên thị trường, nhưng lại góp phần tăng sức ép giá thép trong nước.

Một số thông tin cho biết thêm: Đối nghịch với giá thép trong nước tăng, các loại thép gia công sản xuất công nghiệp của Trung Quốc thời gian qua đã giảm giá 7-10% so với đầu quý I-2009 và quốc gia này đang tìm cách giảm thuế, giảm giá để đẩy mạnh xuất khẩu.

Có thể nói, tác động từ các gói kích cầu của Chính phủ đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế vốn ảm đạm bởi ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới. Theo đó, đến nay hàng loạt dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư bất động sản, xây dựng nhà cho đối tượng có thu nhập thấp... đã được triển khai. Nhu cầu về vật liệu xây dựng nói chung và nhu cầu thép xây dựng nói riêng tăng, vì thế cũng góp phần kích thích sản xuất, phục hồi hoạt động của ngành thép trong nước.

Theo các chuyên gia kinh tế, với việc đẩy giá sản phẩm lên cao của các doanh nghiệp sản xuất thép hiện nay nhiều khả năng sẽ tạo cơ hội cho thép ngoại chiếm lĩnh thị phần. Đây thực sự là vấn đề mà ngành thép và các cơ quan chức năng không thể xem nhẹ.

Vân Thành

Tổ Quốc

Các tin tức khác

>   TP.HCM: Hạn chế xây dựng tại một số tuyến đường các quận trung tâm (15/07/2009)

>   'Không thể điều hành thị trường xăng dầu theo kiểu Mỹ' (15/07/2009)

>   Sẽ được phép mua bán suất tái định cư? (15/07/2009)

>   Giá thép ổn định ở mức khoảng 11 triệu đồng/tấn (15/07/2009)

>   Khởi động thông quan điện tử (15/07/2009)

>   Gerber cung cấp thiết bị dệt may tại Việt Nam (15/07/2009)

>   Tp.HCM có gần 4 triệu m2 đất sử dụng sai mục đích (15/07/2009)

>   Ngành Dệt may Việt Nam: Bao giờ hết gia công? (15/07/2009)

>   Dệt may chuẩn bị thế và lực (15/07/2009)

>   Quản lý chặt quy hoạch ngành Xi măng để cân đối cung-cầu (15/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật