Thứ Năm, 16/07/2009 06:19

Ngành mía đường: Bao giờ hết đắng ?

Tỷ lệ thuận với việc giá đường trong nước tăng liên tục trong thời gian qua, là nỗi lo ngày một lớn về sự bất ổn trong niên vụ mía 2009 - 2010 của ngành mía đường. Nguyên nhân chính của việc tăng giá này là do một số nhà máy đã ngưng hoạt động từ mấy tháng nay vì thiếu nguyên liệu trầm trọng.

Vụ vừa qua, sản xuất mía giảm sút nghiêm trọng cả về diện tích, năng suất và sản lượng, tỷ lệ phát huy công suất bình quân của các nhà máy đường chỉ đạt 60,7% so với thiết kế, giảm công suất 83,3% so với vụ trước. Hiện nay, diện tích mía đường trên cả nước đang giảm mạnh. Theo thống kê của ngành nông nghiệp các tỉnh, thành ĐBSCL, niên vụ 2009-2010 hiện đã xuống giống khoảng 60.000 ha, giảm gần 10.000 ha so với những vụ mía trước đây. Diện tích vùng nguyên liệu mía ở các khu vực khác như Đông Nam Bộ cũng đang co giảm đáng kể để nhường đất cho các loại hoa màu ngắn ngày khác.    

Mía đau -  đường đắng

Cty cổ phần Đường Biên Hòa tuy đang sở hữu một thương hiệu dẫn đầu trong ngành đường, sản phẩm luôn được người tiêu dùng tín nhiệm nhưng không ít cổ đông đã thất vọng vì kết quả kinh doanh năm 2008 không đạt như mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu nguyên liệu. Hiện nay, tổng sản lượng mía thu về hàng năm mới đáp ứng được 50% công suất của hai nhà máy chế biến ở Trị An, Tây Ninh và nhà máy luyện đường tại Biên Hòa của Cty này. Cũng như vậy, các thương hiệu lớn như Mimosa, Casuco... cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu. Casuco đã ngưng ép mía từ tháng 5/2009 do hết vụ mía và dự kiến đến khoảng giữa tháng 9 năm nay mới hoạt động trở lại.

Theo Hiệp hội Mía đường VN, niên vụ mía 2008 - 2009 kết thúc trong tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng, hàng loạt nhà máy đường phải "đóng cửa" sớm và hậu quả là toàn ngành thiếu khoảng 200 ngàn tấn đường so với kế hoạch. Niên vụ 2009 – 2010 tiếp tục bất ổn bởi nhiều nông dân thấy hiệu quả trồng mía không cao nên đang có tâm lý muốn bỏ mía để trồng lúa hoặc những cây màu ngắn ngày khác như đậu phộng, bắp,... vì các cây này cho năng suất cao và bán được với giá có lãi hơn trồng mía.

Một số nông dân đã chia sẻ lý do họ bỏ mía là hiện nay năng suất mía không cao và họ rất sợ kịch bản thừa mía hay tình trạng lỗ khi có biến động về giá như những năm trước lại xảy ra. Trong khi đồng vốn của nông dân rất ít, thậm chí không có vốn thì những diễn biến xấu không thể lường trước là nỗi ám ảnh mà họ không thể xóa bỏ. Đây cũng là một hệ quả của việc DN và nông dân chưa “bắt tay” chặt chẽ. Đại diện Hiệp hội mía đường nhận xét: “Hiện nay, hầu hết các nhà máy đường vẫn chưa có phương án đầu tư thỏa đáng xây dựng vùng trồng mía nguyên liệu. Quan hệ giữa nhà máy và nông dân vẫn thường xuyên xảy ra "sự cố": Nhà máy "kêu" nông dân vi phạm hợp đồng, nông dân "tố" nhà máy đánh trữ đường thấp... Thường xuyên xảy ra hiện tượng nhà máy không mua hết mía cho nông dân, rồi lại dẫn đến tranh mua khi sản xuất vào giai đoạn cao điểm, khiến ngành mía đường vẫn còn "xoay tít" trong vòng luẩn quẩn”.

DN và nông dân bắt tay nhau

Thực tế, nhiều chuyên gia đã chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu hiện nay. Đó là tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp còn chậm, thiếu giống mía tốt dẫn đến năng suất kém, chính sách hỗ trợ đối với nông dân trồng mía chưa công bằng. Trong khi đó, bất cập từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến vẫn tồn tại. Những bất cập trong thu hoạch mía đã gây tổn thất cho ngành đường tới 20% giá thành. Tổn thất còn thể hiện ở tình trạng mất cân bằng trong dây chuyền sản xuất, gồm cả mất cân bằng về hơi, điện, nước và mất cân bằng do thiếu nguyên liệu cục bộ. Công nghệ chế biến kém khiến tăng lượng đường bốc hơi theo nước khi chế luyện; tỷ lệ đường tồn dư cao trong mật rỉ, bã mía; chi phí nhiên liệu, nhân lực cho chế luyện lớn. Chính vì thế, năng lực cạnh tranh của ngành đường VN hiện không cao.

Từ trước đến nay, chính sách cho người trồng mía do DN tự làm với dân, nhưng chỉ một số DN làm được. Vừa qua, đại diện các DN và các đơn vị liên quan nhất trí cho rằng, để tạo được bước đột phá cho ngành mía đường, cần tập trung đầu tư áp dụng giống mới và kỹ thuật thâm canh để nâng cao năng suất và chất lượng mía. Phải xác định đây là giải pháp cơ bản để bảo đảm cho các nhà máy đủ nguyên liệu và nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như năng lực cạnh tranh của ngành mía đường. Đồng thời DN phải tổ chức việc mua mía theo trữ đường, thực hiện nghiêm túc giá mua mía, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà máy và nông dân...

Đại diện Bộ NN-PTNT cho rằng: ngay từ bây giờ các nhà máy phải ngồi lại với nhau quy hoạch, đầu tư vùng nguyên liệu, tính toán xem với công suất và diện tích hiện có là thừa hay thiếu. Các nhà máy phải xây dựng vùng nguyên liệu cho riêng mình, chấm dứt ngay tình trạng tranh giành nguyên liệu diễn ra nhiều năm để sản xuất lâu dài.

Là một DN thâm niên trong ngành mía, thấm cảnh thiếu nguyên liệu nên trong năm 2009, Đường Biên Hòa đang đặt mục tiêu trọng tâm là tập trung mọi nguồn lực để phát triển vùng nguyên liệu. Chính sách của Cty là không đầu tư dàn trải mà tập trung vào thâm canh, cải thiện bằng được khâu làm đất theo đúng yêu cầu, cải tiến một bước lớn về giống. Cty sẽ đầu tư khoảng 20 triệu/1ha để đầu tư giống mới năng suất cao, chống sâu bệnh tốt để phổ biến cho nông dân và mời chuyên gia xuống thăm từng ruộng, tư vấn kỹ thuật thâm canh cho nông dân trồng mía. Tổ chức cho người trồng mía đạt năng suất trung bình đến thăm ruộng và học hỏi kinh nghiệm của  các nông dân có năng suất cao. Qua đó, Cty sẽ nâng dần năng suất, mức thu nhập của nông dân và kèm theo cam kết ổn định giá, bao tiêu mía nhưng bán cho ai vẫn là quyền của nông dân. Như vậy, Cty gánh bớt một phần rủi ro cho nông dân để khuyến khích nông dân cùng DN xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Khi đã xây dựng vùng nguyên liệu có hiệu quả thì tự người nông dân sẽ mở rộng diện tích. Ông Nguyễn Văn Lộc – Tổng giám đốc Đường Biên Hòa cho biết: song song với việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, hiện Đường Biên Hòa cũng đang chú trọng việc giảm chi phí sản xuất đường thông qua giảm thất thoát trên các dây chuyền và giảm tiêu hao năng lượng bằng cách đầu tư khoảng 40 tỷ đồng để mua sắm một loạt thiết bị mới và cải tiến thiết bị, công nghệ hiện có.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trước tình trạng khát nguyên liệu trong vụ vừa qua cộng với những nỗ lực hỗ trợ của DN đối với nông dân, có thể nhiều nông dân sẽ quay lại trồng mía và diện tích mía sẽ lại tăng ồ ạt vào niên vụ 2009 - 2010. Nhưng cũng có thể, nông dân sẽ lại thêm một năm thất thu nữa nếu diện tích mía vượt quá công suất các nhà máy. Lo ngại này là có cơ sở vì theo cam kết WTO, VN buộc phải tăng 10% trong tổng lượng đường phải nhập khẩu so với năm 2008, nâng tổng lượng đường phải nhập năm nay lên 70 ngàn tấn. Cùng với đó là đường nhập lậu gần như không thể kiểm soát, thì rất có thể lại thừa đường. Như vậy, đường và mía sẽ mãi “đắng” nếu không tăng cường quan hệ tương hỗ giữa DN - nông dân và không triển khai kịp thời những chính sách hỗ trợ cho nông dân ngành mía.

Kim Huệ

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

Các tin tức khác

>   Không có lý gì "gây chiến" với cá tra Việt Nam (15/07/2009)

>   Doanh nghiệp Việt lạc quan nhất châu Á (15/07/2009)

>   Ogilvy mua lại phần lớn cổ phần trong T&A (15/07/2009)

>   Hơn 900 doanh nghiệp tham gia Vietbuild 2009 tại TPHCM (15/07/2009)

>   Giá thuê thấp, các tập đoàn sử dụng đất lãng phí (15/07/2009)

>   Tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong thực hiện các dự án ODA (15/07/2009)

>   Quy hoạch xây dựng công trình ngầm đô thị: “Trận địa” còn bỏ trống (15/07/2009)

>   Đưa ngành CNTT thành hướng phát triển mũi nhọn của đất nước (15/07/2009)

>   Xuất khẩu nhân điều vào Mỹ tăng mạnh (15/07/2009)

>   Xuất khẩu cá tra sôi động (15/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật