Trung Quốc vươn lên từ kích cầu
Chính phủ Trung Quốc đã xoay chuyển nền kinh tế nhanh hơn người ta tưởng. Thứ Năm tuần trước (16-7), chính phủ nước này công bố, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm đã lên tới 7,9% trong quí 2.
Cho dù trong những quí tới, đà tăng trưởng có chậm lại, nhiều nhà phân tích vẫn tin rằng, Trung Quốc sẽ gần đạt được mục tiêu 8% cho cả năm 2009. Theo một vài nhà kinh tế tư nhân, nếu dùng cùng thước đo với những nền kinh tế lớn, lấy kết quả quí sau so với quí trước, thì mức tăng trưởng của Trung Quốc trong quí 2 vừa qua có thể lên tới 15%/năm.
Bơm tiền để tăng trưởng
Chỉ số chính của thị trường chứng khoán Thượng Hải tăng 75% trong năm nay, triển vọng kinh tế Trung Quốc được cải thiện, sản lượng công nghiệp, tín dụng ngân hàng và hàng hóa nhập khẩu đều tiếp tục tăng tốc trong vài tháng gần đây. Giờ đây nhà cầm quyền đang đối mặt với những câu hỏi ngày càng bức bách, chẳng hạn như đà tăng trưởng này sẽ kéo dài bao lâu, làm thế nào để nhanh chóng “cai sữa” khỏi gói kích cầu khổng lồ trước khi những vấn nạn dài hạn kịp bén rễ.
Tính bền vững của sự tăng trưởng do nhà nước thúc đẩy đang là vấn đề của nền kinh tế toàn cầu. Thành công cho tới nay của gói kích cầu ở Trung Quốc là một trong vài điểm sáng giữa cuộc suy thoái tồi tệ nhất khi tất cả các nền kinh tế tiên tiến đều co lại trong năm nay.
Tuy vậy rất nhiều điều vẫn còn tùy thuộc vào khả năng của Bắc Kinh trong việc khắc phục đà suy giảm xuất khẩu, thúc đẩy hoạt động kinh tế nội địa và tránh làm phồng lên một quả bong bóng mới trên thị trường nhà đất.
“Trung Quốc sẽ nằm trong những quốc gia đầu tiên đưa nền kinh tế toàn cầu ra khỏi cuộc suy thoái”, ông Hans Timmer, Giám đốc bộ phận dự báo kinh tế của Ngân hàng Thế giới, nhận định.
Theo ông Hans, các nước đang phát triển như Trung Quốc đang trở thành một động lực lớn hơn cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào lúc người Mỹ cắt giảm chi tiêu và thực hành tiết kiệm. Trung Quốc đã bật dậy sau khi chính phủ sử dụng hệ thống ngân hàng do nhà nước kiểm soát để kiến tạo một trong những vụ bùng nổ tiền tệ ngoạn mục nhất trong lịch sử.
Trong nửa đầu năm nay các ngân hàng đã tung ra số khoản vay mới nhiều gấp đôi so với nửa đầu năm ngoái và giờ đây lượng cung tiền của Trung Quốc lớn gần gấp ba lần của Mỹ. Cùng với kế hoạch kích cầu trị giá 4.000 tỉ nhân dân tệ, sự bùng nổ tín dụng đã giúp khôi phục niềm tin, hỗ trợ các nhà thầu xây dựng, nhà sản xuất xe hơi và nhà cung ứng các loại nguyên liệu như đồng và sắt.
Bóng ma “bong bóng” bất động sản
Nhưng chiến lược của Chính phủ Trung Quốc hàm chứa nhiều rủi ro. Cơn lũ tiền tệ đổ vào nền kinh tế đang tràn tới các thị trường chứng khoán và bất động sản, thổi bùng những quả bong bóng mới. Và sự tích tụ các món nợ xấu, các dự án vô tích sự có thể kìm hãm đà tăng trưởng và tài chính công.
Ngoài ra, sự phụ thuộc của nền kinh tế vào đầu tư và tín dụng của chính phủ có nghĩa là bất kỳ sự trục trặc nào về chính sách cũng có thể làm trật đường ray công cuộc gặt hái niềm tin.
“Tôi nghĩ có một nguy cơ rõ ràng và đang gia tăng về một bong bóng tài sản và một sự lên xuống thất thường trong sự tăng trưởng”, bà Vương Đào (Wang Tao), một nhà kinh tế học người Trung Quốc đang làm việc cho Ngân hàng Thụy Sỹ UBS, nhận định.
Theo bà, điều khẩn cấp là Chính phủ Trung Quốc phải sáng tạo ra những phương thức kiến tạo sự tăng trưởng bền vững trong khu vực kinh tế tư nhân.
“Bên cạnh gói kích cầu ngắn hạn, cần có sự suy nghĩ trung hạn về việc thay đổi mô hình tăng trưởng”, bà Vương nói. Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng điều chỉnh kế hoạch kích cầu để làm giảm rủi ro bong bóng. Trong lúc giá nhà đất ở Mỹ tuột dài, thì ở Trung Quốc đang tăng với tốc độ 10%/năm, đủ nhanh để nhiều người kỳ vọng vào một đợt bùng nổ bất động sản mới.
Sự gia tăng kỷ lục của quỹ dự trữ ngoại tệ chính thức của Trung Quốc, lên tới 2.132 tỉ đô la Mỹ vào cuối tháng 6, được thúc đẩy một phần bởi sự hồi sinh dòng vốn đầu cơ từ nước ngoài, nhằm kiếm lợi từ tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc. Các nhà kinh tế học dự tính khoản “tiền nóng” như vậy đã lên tới 30-50 tỉ đô la Mỹ trong quí 2 vừa qua.
Cùng trong thời gian này, Trung Quốc phải tính tới những chi phí dài hạn. Cũng giống như các nước khác đang làm với nỗ lực kích cầu của mình, Trung Quốc đang vay mượn từ sự tăng trưởng tương lai để hỗ trợ nền kinh tế hôm nay. Nhưng món nợ công khai mà chính quyền gánh lấy qua việc hỗ trợ các món vay của ngân hàng và tài trợ các dự án ở địa phương đã lớn hơn nhiều lần so với khoản thâm hụt ngân sách chính thức là 3% GDP năm nay. Điều đó sẽ làm cho Bắc Kinh còn rất ít dư địa để kích thích kinh tế thêm nữa khi họ thấy rõ rằng cho vay và đầu tư không thể kéo dài bước đi cuồng nhiệt của họ.
Thách thức cải cách cơ cấu kinh tế
Các quan chức Trung Quốc nhận ra rằng tiêu dùng của chính phủ không thể là động lực mãi mãi của nền kinh tế. “Dấu hiệu cải thiện trong nền kinh tế không có nghĩa là thời kỳ khó khăn đã kết thúc”, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nói với hội nghị các nhà kinh tế học và doanh nhân hồi tuần trước. Trung Quốc sẽ tiếp tục các chính sách kích cầu đồng thời thực thi các cuộc cải tổ cơ cấu để hỗ trợ tăng trưởng dài hạn, ông Ôn nói như vậy.
Lý do mà chính quyền Trung Quốc không muốn bắt đầu rút lui dần gói kích cầu chính là nhu cầu hàng xuất khẩu của Trung Quốc hãy còn yếu; trong nửa đầu năm nay xuất khẩu đã giảm 22%.
Mặc dù chính phủ luôn tỏ vẻ quan tâm tới tình trạng thất nghiệp, trong thực tế các doanh nghiệp nhỏ, nơi tạo ra hầu hết công ăn việc làm, vẫn đang trong tình trạng đói vốn ngay cả lúc tín dụng bùng nổ. Lợi ích của chương trình kích cầu cho đến nay vẫn chỉ tập trung trong khu vực kinh tế nhà nước, nơi cung ứng việc làm cho 20% lực lượng lao động.
“Đà hồi phục hiện nay chủ yếu dựa trên sự bật dậy ngắn hạn từ lượng hàng hóa tồn kho, mà đó không phải là xu hướng phục hồi thật sự. Căn bản vật chất cho một sự hồi phục kinh tế phải là sự bắt đầu một chu trình mới vốn đầu tư quy mô lớn vào tư liệu sản xuất”, Trung tâm Thông tin nhà nước, một cơ quan nghiên cứu và tư vấn chính thức ở Bắc Kinh đã viết như vậy trong một báo cáo tuần trước và thúc giục Chính phủ Trung Quốc làm nhiều hơn nữa để nâng đỡ sự đầu tư của khu vực tư nhân.
Hy vọng tốt nhất cho một sự bùng nổ đầu tư bền vững có thể nằm trong thị trường nhà đất mạnh mẽ của Trung Quốc. Mặc dù doanh số nhà đất sụp đổ trong phần lớn năm ngoái, niềm tin đã bắt đầu trở lại sau khi chính phủ công bố gói kích cầu. Doanh số bất động sản để ở tăng tới 50% chỉ riêng trong tháng 6. Quan trọng hơn nữa, các nhà thầu đã tái tục hoạt động xây dựng, được khích lệ bởi việc vay vốn dễ dàng và giá bất động sản tăng trở lại. Vào đầu tháng 6, số công trình bắt đầu khởi công đã tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái và là lần tăng trưởng đầu tiên sau 11 tháng suy giảm liên tiếp.
Mặc dù chậm hơn mức tăng từ 20-30% trong những năm gần đây, tiến bộ trên thị trường xây dựng cũng là dấu hiệu đáng hoan nghênh vì xây dựng thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ sắt thép, đồ dùng gia đình cùng nhiều hàng hóa, dịch vụ khác. Nếu nhu cầu từ lĩnh vực địa ốc có thể giữ cho các nhà máy Trung Quốc tiếp tục hoạt động thì đến lượt chúng các nhà máy này sẽ có khả năng tái đầu tư mở rộng và từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế.
Ngay cả một sự bùng nổ xây dựng cũng chỉ có thể nâng đỡ một phần hệ thống công nghiệp của Trung Quốc vì nhiều nhà máy tập trung vào xuất khẩu vẫn đang trùm mền. Các nhà kinh tế học, cả bên trong và bên ngoài Trung Quốc, đều thúc đẩy chính phủ phải nhắm tới người tiêu dùng địa phương thay vì khách hàng nước ngoài như là các thị trường tiêu thụ tương lai. Những đề nghị như vậy đang được chú ý.
Ông Lý Khắc Cường (Li Keqiang), Phó thủ tướng Trung Quốc, cũng khẳng định: “Chúng tôi sẽ đưa ra những chính sách tiêu dùng sáng tạo để phát huy tiềm năng của tiêu thụ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Thái Bình (Theo Wall Street Journal)
TBKTSG
|