Thị trường phái sinh chưa theo thông lệ
Cuộc hội thảo về hợp đồng khung ISDA cho các sản phẩm phái sinh trên thị trường tài chính do Ngân hàng ANZ tổ chức mới đây thu hút sự quan tâm của không ít doanh nghiệp với nhiều vấn đề mang tính kỹ thuật, chuyên sâu. Điều này cho thấy, doanh nghiệp đang dần quan tâm đến công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, lãi suất, giá cả hàng hóa bằng cách sử dụng hợp đồng phái sinh khi mà thị trường tài chính ngày càng có nhiều biến động. Tuy nhiên, khung khổ pháp lý cho thị trường này vẫn chưa đầy đủ.
Rủi ro thường trực
Một doanh nghiệp xây dựng nhà máy xi măng trị giá hàng trăm triệu USD với khoảng thời gian 10 năm. Sau khi sản xuất ra sản phẩm, họ bán tại thị trường trong nước. Với doanh thu bằng tiền đồng, làm sao doanh nghiệp tránh được rủi ro tỷ giá khi vay USD trong thời gian dài? Đối với dự án điện cũng vậy, làm sao đoán định tỷ giá trong 5 - 10 năm? Câu chuyện tại CPCP Nhiệt điện Phả Lại trong năm 2008 là một ví dụ điển hình cho rủi ro về biến động tỷ giá.
Đối với rủi ro lãi suất, lãi suất cơ bản đang được giữ ở mức 7%/năm, nhưng rất có thể sẽ tăng lên hoặc giảm xuống tùy thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô. Làm sao doanh nghiệp hạn chế được rủi ro khi lãi suất biến động?
Các chuyên gia của Ngân hàng ANZ cho rằng, doanh nghiệp nên tham gia hợp đồng phái sinh để ngăn ngừa các rủi ro nêu trên.
Làm quen với ISDA
Hợp đồng phái sinh được ký giữa hai bên, trong đó giá trị được xác định phụ thuộc vào sự biến động của tài sản cơ sở, như cổ phiếu, trái phiếu, hàng hoá, tiền tệ, lãi suất và chỉ số thị trường. Dạng phổ biến của sản phẩm phái sinh là hợp đồng hoán đổi và quyền chọn.
Hiệp hội Quốc tế về hoán đổi và phái sinh (ISDA) là tổ chức quốc tế đã thống nhất đưa ra hợp đồng khung ISDA. Hợp đồng này bao gồm nhiều chi tiết ràng buộc hai bên tham gia giao dịnh và các bên thường ký hợp đồng trước khi tiến hành giao dịch phái sinh, đồng thời chuẩn hoá giấy tờ pháp lý cho các giao dịch này. Điều này giúp cho các bên trong hợp đồng ISDA không cần phải nghiên cứu quá nhiều văn bản giấy tờ mỗi khi thực hiện giao dịch phái sinh, từ đó tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, các công ty và ngân hàng thường không ký hợp đồng khung ISDA, do đó cả hai bên đều có nguy cơ về pháp lý khi xảy ra tranh chấp và vụ việc được đưa ra toà án. Vì không có hợp đồng viết, phán xét của toà án thường khó đoán trước.
Theo thông lệ quốc tế, để thực hiện các sản phẩm phái sinh, doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng ISDA (bao gồm hợp đồng khung và phụ lục hợp đồng) với ngân hàng. Hợp đồng khung ISDA là một văn bản khá phức tạp, liên quan đến luật pháp, bao gồm các quy định chặt chẽ về tín dụng giữa hai bên tham gia.
Ông Vũ Minh Trường, Giám đốc khối thị trường tài chính, Ngân hàng ANZ Việt Nam cho biết, hiện nay nhận thức về sản phẩm phái sinh rất khác nhau, tùy từng doanh nghiệp. Ngân hàng ANZ cho biết, ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm và tiến hành nhiều giao dịch phái sinh với ngân hàng này. Tuy nhiên, so với số doanh nghiệp đang hoạt động xuất nhập khẩu hiện nay, số hợp đồng phái sinh vẫn rất khiêm tốn. Điều này có nhiều lý do, nhưng quan trọng nhất là chưa có một hành lang pháp lý rõ ràng cho các doanh nghiệp tham gia ISDA. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quyết định, thông tư cho phép ngân hàng thương mại thực hiện một số sản phẩm phái sinh (như hoán đổi lãi suất, hoán đổi ngoại tệ chéo, hoán đổi giá cả hàng hóa, quyền chọn mua hoặc bán ngoại tệ) với doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Vậy nhưng, doanh nghiệp Việt Nam có được thực hiện nghiệp vụ này với ngân hàng nước ngoài không có hoạt động kinh doanh ở Việt Nam hay không đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể. Bên cạnh đó là sự hiểu biết về các hợp đồng phái sinh của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế.
Đông Hải
đầu tư chứng khoán
|