Các ngân hàng TMCP: Lãi từ đâu ?
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2009, hàng loạt NHTM VN tuyên bố lãi với mức lợi nhuận lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Tình trạng này đã làm cho dư luận khá ngạc nhiên vì chính các NHTM vừa mới trải qua một thời gian khó khăn, các DN và cả nền kinh tế đang khó khăn. Vậy cái gì đã tạo ra lợi nhuận ở các NHTM ?
Nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2009 tuy có những dấu hiệu khởi sắc nhưng còn rất nhiều khó khăn. Tăng trưởng GDP quý 1 chỉ đạt 3,1%, quý 2 tăng đạt 4,5%, và do đó GDP 6 tháng đầu năm 2009 đạt 3,9%.
Khu vực sản xuất thực và DN khó khăn
Con số này thấp hơn khá nhiều so với mức tăng trưởng 6,5% của cùng kỳ năm 2008. Trong tháng 6, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 58,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kì năm 2008. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 324,2 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng trong 6 tháng qua không cao bằng năm 2008 (6 tháng đầu năm 2008 tăng 16,5%). Về xuất khẩu, 6 tháng đầu năm 2009, nền kinh tế xuất khẩu được 27,6 tỷ USD, bằng 89,87% cùng kỳ năm ngoái. Trong đó khối DN FDI suy giảm thấp hơn mức suy giảm chung (-7,59% so với - 10,13%). Về FDI từ đầu năm đến 20/5/2009, VN thu hút được 6,7 tỷ USD FDI, giảm 76,3% so với cùng kỳ năm 2008; nguồn vốn ODA được ký kết 5 tháng đầu năm 2009 thông qua các hiệp định với nhà tài trợ đạt 1,5 tỷ USD. Tổng giá trị giải ngân vốn ODA 5 tháng đầu năm 2009 ước tính đạt 720 triệu USD, bằng 38% kế hoạch năm; Thu ngân sách nhà nước tính theo lũy kế từ đầu năm đến nửa đầu tháng 6 ước đạt 171 nghìn tỷ đồng, bằng 49,3% dự toán cả năm (trong khi đó cùng kỳ năm 2008 đạt 60,6% dự toán năm)... Về lao động và việc làm, theo lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, nếu cả năm 2008 có khoảng 67.000 người bị mất việc làm, thì riêng quý1/ 2009 đã có tới 65.000 người bị mất việc và khoảng 39.000 người thiếu việc làm. Dự báo, số lao động bị mất việc làm sẽ còn tiếp tục tăng trong những tháng còn lại của năm 2009.
Tình trạng này cho thấy khu vực sản xuất và cụ thể các DN sản xuất ở VN - nơi thực sự tạo ra giá trị, đã và chịu tác động đáng kể của suy thoái kinh tế toàn cầu... đã và đang khó khăn. Thực tế cho thấy, ở VN hiện nay, người ta khó có thể kỳ vọng vào các DN sản xuất có lợi nhuận cao mà trước mắt mong mỏi rằng khu vực này vững vàng trụ vững để vượt qua. Có nhiều DN còn tuyên bố "tồn tại trước đã".
Bong bóng lợi nhuận?
Đến nay, nhiều tổ chức tín dụng đã công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2009. Nếu chỉ điểm một vài NHTM cũng cho thấy lợi nhuận trước thuế của họ khá cao: lợi nhuận trước thuế của TechcomBank là 1.031 tỷ đồng; MaritimeBank đạt 585 tỷ đồng, sau trích lập dự phòng rủi ro khoảng 112 tỷ đồng thì lợi nhuận trước thuế là 473 tỷ; ABBank cũng đạt lợi nhuận 171 tỷ đồng; SHB lãi 250 tỷ đồng; LienVietBank lợi nhuận đạt 340 tỷ đồng; TienPhongBank lãi ước 70-73 tỷ đồng... Điều đặc biệt là chưa thấy NHTM nào lỗ; và do đó rất nhiều câu hỏi đặt ra là lợi nhuận NHTM do ai tạo ra hay lợi nhuận NHTM từ đâu ?
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2009, nguồn thu từ tín dụng của các NHTM VN hiện nay chiếm khoảng 50 - 80% trong tổng thu của ngân hàng. Tuy nhiên tỷ lệ đóng góp của tín dụng trong cơ cấu lợi nhuận không nhiều. Ví dụ có ngân hàng trong tháng 5/2009, lợi nhuận là 168 tỷ đồng nhưng chỉ có gần 30 tỷ đồng từ tín dụng, phần còn lại từ hoạt động khác và đáng chú ý là kinh doanh tiền tệ... Một lãnh đạo NHTM cũng nhắc đến việc "lướt sóng" chứng khoán, bao gồm cả cổ phiếu lẫn trái phiếu đã đem lại lợi nhuận cho ngân hàng.
Nhớ lại, năm 2008, lãi suất lên tới 21%, chỉ các các NHTM lớn (NHTMNN) mới huy động được vốn giá rẻ từ trước đó và đã thu lợi lớn. Tuy nhiên, năm 2009 lãi suất xuống rất thấp và nhanh thì các NHTM nhỏ vốn đã ôm vốn giá cao, thì khó lòng theo kịp.
Một số giải thích rằng lợi nhuận cao của các NHTM có thể đến từ việc hiện thực hóa sổ sách các khoản đầu tư trái phiếu từ năm ngoái. Người ta cho rằng cuối năm 2008, lãi suất trái phiếu DN lên tới 16%/năm thì lãi mà các ngân hàng thương mại thu được trung bình hàng trăm tỷ đồng lên tới vài nghìn tỷ đồng. Năm 2008, trong hơn 40 NHTMCP thì chỉ có khoảng 1/2 ngân hàng tham gia kinh doanh trái phiếu và đều có lãi.
Một số ý kiến khác giải thích về lãi NHTM là: lãi nhờ cộng gộp từ kinh doanh cổ phiếu. Do cuối năm 2008, các NHTM có khoản đầu tư chứng khoán nhưng vì thị trường giảm điểm nên đã trích lập dự phòng cho những khoản đầu tư đó nhưng năm nay, khi thị trường chứng khoán tăng điểm, các khoản đầu tư "lồi" thêm lợi nhuận nên đã được NHTM cộng gộp vào lãi.
Chưa hẳn đáng mừng
Các giải thích từ NHTM và nền kinh tế cho thấy, lợi nhuận ở khu vực NHTM VN 6 tháng đầu năm 2009 là có thật. Tuy nhiên, rõ ràng các lợi nhuận này chủ yếu từ đầu tư, kinh doanh tiền tệ và có gì đó mang tính đầu cơ và "may mắn" mang lại (do TTCK bất ngờ bùng nổ vào đầu quý 2/2009) hoặc từ "bong bóng" giá sinh ra; lợi nhuận từ các hoạt động dịch vụ khác quá ít trong khi tín dụng lại chứa nhiều rủi ro và cạnh tranh quyết liệt... Trong điều kiện đó khi người ta hỏi rằng nếu không may mà TTCK VN chỉ tăng nhẹ hay không bùng nổ như vừa qua, hoặc giả sử NHNN vẫn tiếp tục thắt chặt tiền tệ nữa thì các NHTM VN sẽ ra sao ? Khi đó, có khi người ta lại lo ngại về NHTM nào có lợi nhuận cao vì chính đó là ngân hàng đã từng liều lĩnh và vừa thoát hiểm và đó lại là vấn đề phản ánh sự quản lý kém bền vững.
Vào thời điểm hiện nay, người ta cũng đã đặt ra câu hỏi rằng 6 tháng cuối năm 2009, liệu các NHTM có tiếp tục lãi? Rõ ràng, câu hỏi không dễ trả lời bởi rằng khả năng phục hồi của nền kinh tế còn chưa rõ ràng và chính "cái sự lãi" của các NHTM hiện nay có gì đó chưa bền vững trên cả phương diện vi mô và vĩ mô.
Lợi nhuận của ngân hàng chủ yếu từ đầu tư, kinh doanh tiền tệ và có gì đó mang tính đầu cơ và "may mắn" mang lại, hoặc từ "bong bóng" giá sinh ra.
ThS Lê Văn Hinh
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|