Thứ Tư, 15/07/2009 13:53

Đa dạng hóa thanh toán - dễ hay khó?

Khi tình trạng căng thẳng USD chưa dịu bớt, nhiều ý kiến cho rằng, thay vì DN khi nhập khẩu chỉ thanh toán bằng đồng USD thì hãy thanh toán bằng các loại ngoại tệ khác như đồng EUR hay yen Nhật (JPY).

Nhờ đó, nguồn thanh toán được san đều cho các đồng tiền trong rổ ngoại tệ. Đồng thời, có thể giải quyết tình trạng thiếu hụt USD trước mắt. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như vậy.

NHNN khuyến khích DN đa dạng nguồn thanh toán

Trong một hội thảo tháo gỡ khó khăn giữa DN và các NH được tổ chức tại VCCI hồi đầu tháng 6, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối - NHNN Nguyễn Quang Huy cho rằng, một trong những cách để giải tỏa tình trạng căng thẳng USD trên thị trường là các DN NK nên đa dạng hóa ngoại tệ thanh toán các hợp đồng NK này.

"Việc quá phụ thuộc vào USD như hiện nay sẽ rất rủi ro" - Vụ trưởng nói. Hiện các khoản vay ngoại tệ của DN chủ yếu là USD chứ không phải EUR. Vụ trưởng Huy cho rằng, trong bối cảnh vẫn còn chênh lệch giữa nguồn thu và nguồn trả nợ đang là vấn đề nan giải với các NH, NHNN khuyến khích các DN XNK, đặc biệt là DN NK đa dạng hóa đồng tiền thanh toán hàng hóa.

Một chuyên gia trong ngành NH khi đề cập tới vấn đề này cũng cho rằng, nếu đa dạng được đồng tiền thanh toán có thể giải quyết được phần nào tình trạng căng thẳng USD trên thị trường nhiều tháng nay.

"Tuy nhiên, đa dạng bằng cách nào?", chuyên gia này đặt câu hỏi. Bởi việc thanh toán liên quan đến nhiều vấn đề, đặc biệt là yêu cầu của đối tác khi thỏa thuận điều kiện trong hợp đồng. Trong khi các thị trường NK không đồng nhất, các nước vẫn sử dụng đồng USD như một đồng tiền quốc tế có tính thanh khoản cao, phạm vi sử dụng rộng.

Cái khó của DN

Theo phản ánh của nhiều DN NK, mặc dù thị trường đa dạng nhưng khi thanh toán, các DN đối tác lại yêu cầu thanh toán bằng đồng USD. Một DN (giấu tên cho biết), hàng NK của DN này chủ yếu là từ các nước EU, Trung Quốc và các nước ASEAN. Nhưng khi thanh toán, DN vẫn phải dùng đồng USD là đồng tiền giao dịch chính. Chỉ rất ít đối tác chịu chấp nhận dùng EUR, JPY hay nhân dân tệ.

Trao đổi với PV Lao Động chiều 14.7, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Cty nhựa Tân Phú cho biết, Cty ông nhập nguyên liệu chủ yếu là từ Thái Lan và Singapore. Khi thanh toán, đối tác yêu cầu chỉ thanh toán bằng USD. DN này đã đề nghị đối tác thanh toán bằng một ngoại tệ khác có tính thanh khoản cao và có phạm vi sử dụng rộng trên thị trường thế giới như EUR hay JPY, cả bằng bản tệ nhưng vẫn không được chấp nhận với lý do do đồng USD có tính thanh khoản cao, thông dụng và là đồng tiền thanh toán truyền thống nhiều năm nay giữa các bạn hàng.

Khi được hỏi, DN có ý định chuyển sang nhập hàng từ thị trường khác hay không nếu USD vẫn khan hiếm và khó mua? Đại diện này cho rằng, nếu chuyển sang NK ở thị trường khác, sẽ gặp rất nhiều bất lợi bởi DN đã gắn với thị trường từ nhiều năm nay. Nếu tìm thị trường mới sẽ khó tìm đúng nguyên liệu, khó vận chuyển hay giá NK sẽ cao hơn. "Chúng tôi cũng đã tìm đủ hướng rồi", ông Hùng nói. Hiện tại, DN của ông vẫn phải mua USD tại NH với giá cao "ngang ngửa" ngoài thị trường không chính thức.

Cho tới nay, theo phản ánh của DN vẫn khó mua USD và DN vẫn phải mua giá cao. Thị trường vẫn đang hướng theo các động thái của NHNN trong việc giải quyết tình trạng này.

Theo thông báo mới nhất của Tổng cục Thống kê về kim ngạch NK trong 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch NK của VN đạt 23,45 tỉ USD. Trong đó, kim ngạch NK từ EU là 1,9 tỉ USD, chiếm 8,3% tổng kim ngạch NK. Kim ngạch NK từ các nước ASEAN là 4,6 tỉ USD, chiếm gần 20%; và từ các nước khác là trên 16,8 tỉ USD, chiếm 71,7%. Tính riêng các thị trường lân cận gồm: Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản thì kim ngạch NK là 12,7 tỉ USD, chiếm 54,2% (trong đó chỉ riêng Trung Quốc đã là 5,5 tỉ USD, chiếm 23,4% tổng kim ngạch NK). Thị trường Mỹ chỉ chiếm gần 4% tổng kim ngạch.

Tỉ giá liên NH theo công bố của NHNN áp dụng cho ngày 14.7 là 16.959 VND/USD, tăng 2 VND/USD so với ngày 13.7. Đây cũng là mức tỉ giá cao nhất kể từ ngày 31.3 tới nay. Vietcombank ngày 14.7 niêm yết mức tỉ giá đồng nhất là 17.807 VND/USD áp dụng cho cả ba giao dịch mua vào - chuyển khoản - bán ra, tăng 2VND/USD so với ngày giao dịch trước đó,  cũng là mức tỉ giá cao nhất mà NH này công bố kể từ cuối tháng 3 tới nay.

Lưu Thủy

Lao Động

Các tin tức khác

>   DNNN không được góp quá 20% vốn vào các định chế TC-NH (15/07/2009)

>   6 tháng, đạt 10% kế hoạch huy động vốn thông qua phát hành TPCP (15/07/2009)

>   Tập trung tín dụng cho sản xuất thúc đẩy nền kinh tế (15/07/2009)

>   Nhu cầu giảm nhưng giá vàng vẫn tăng (15/07/2009)

>   Kiềm chế tín dụng - đã phải tính đến (15/07/2009)

>   Vốn trái phiếu CP tập trung cho dự án cấp bách (15/07/2009)

>   Hà Nội: Hoàn tất cấp mã số thuế TNCN trước tháng 10 (14/07/2009)

>   Nhiều người bắt đầu quan tâm hơn đến bảo hiểm phi nhân thọ (14/07/2009)

>   Tìm biện pháp ngăn chặn và xử lý nợ xấu của ngân hàng (14/07/2009)

>   Golden Bridge Capital Co.,Ltd được cấp giấy phép mở VPĐD tại Tp.HCM (14/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật