Thứ Tư, 15/07/2009 08:45

Kiềm chế tín dụng - đã phải tính đến

Mức tăng tín dụng ngân hàng 6 tháng đầu năm đã là 17,01%. Một số ngân hàng thương mại cổ phần có mức tăng khá cao so với mức tăng bình quân chung của ngành.

Định hướng mức tăng trưởng tín dụng cho năm 2009 mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra là dưới 30%, nếu không tính đến việc kiềm chế tín dụng thì tốc độ tăng dư nợ của năm sẽ ảnh hưởng đến việc chủ động kiểm soát lạm phát.

Những dấu hiệu nguy cơ tái lạm phát

6 tháng đầu năm 2009, các chỉ tiêu tiền tệ đều tăng ở mức cao do tác động của việc nới lỏng chính sách tài khoá và tiền tệ. So với cuối năm 2008, tổng phương tiện thanh toán 6 tháng đầu năm tăng 16,36% (cùng kỳ năm 2008 tăng 4,25%). Đến cuối tháng 6.2009, tổng dư nợ tín dụng của hệ thống NH tăng 17,01% so với cuối năm 2008. Như vậy, room hạn mức tín dụng 6 tháng còn lại chỉ còn khoảng 13%.

Nếu cứ để tăng dư nợ như tốc độ từ tháng 3 đến nay (bình quân khoảng 3,34%/tháng) thì 6 tháng còn lại mức tăng sẽ thêm đến 20% nữa. Đến 9.7, gần 376.000 tỉ đồng cho vay hỗ trợ lãi suất (HTLS) đã được cho vay ra nền kinh tế. Nhiều NHTMCP do không còn bị kiềm chế bởi hạn mức tín dụng đã tranh thủ đẩy mức tăng dư nợ lên khá cao. Tốc độ tăng dư nợ của một số NHTMCP đến cuối tháng 6 đã đạt trên 30% so mức dư nợ cuối năm 2009.

Mặc dù lạm phát 6 tháng đầu năm 2009 theo công bố ở mức thấp, chỉ tăng 2,68% (giảm so với 18,44% của 6 tháng đầu năm 2008), nhưng lạm phát vốn rất nhạy cảm với việc nới lỏng tiền tệ và tài khóa cũng như giá cả thị trường quốc tế. Những diễn biến gần đây cho thấy nguy cơ tái lạm phát đã có dấu hiệu:

Thứ nhất: Áp lực lên giá VND qua hiện tượng tỉ giá VND/USD trên thị trường tự do ngày càng cách xa tỉ giá niêm yết của các NHTM. Thứ hai: Mặt bằng lãi suất huy động VND (từ thị trường nội tệ liên NH và từ dân cư, tổ chức) có xu hướng tăng. Thêm vào đó, từ giờ đến cuối năm sẽ còn gần 280.000 tỉ đồng cho vay HTLS cho vay vốn ngắn hạn VND sẽ tiếp tục được giải ngân, cộng các khoản cho vay trung và dài hạn, cho vay nông dân được HTLS theo Quyết định 443/QĐ-TTg và Quyết định 497/QĐ-TTg.

Thêm vào đó, khi kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi thì giá cả những mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, lương thực phẩm và vật liệu... sẽ tăng trở lại và tạo sức ép làm tăng giá trong nước. Nếu không có những biện pháp phòng ngừa kịp thời, mức tăng dư nợ của năm sẽ cao hơn mức dự kiến khoảng gần 10% , thậm chí có thể cao hơn.

Nhận thức được vấn đề này, mấy tháng nay NHNN đã có những biện pháp để chủ động kiểm soát lạm phát. Thời gian qua, một số biện pháp đã triển khai như: Kiềm chế mức tăng tổng phương tiện thanh toán; tăng cường giám sát thị trường tiền tệ; nhắc nhở các TCTD kiểm soát tín dụng...

Trong thời gian tới, chắc chắn sẽ có những đánh giá về quy mô, tốc độ, cơ cấu, chất lượng tín dụng đối với các NHTM có tốc độ tăng trưởng dư nợ khá nóng trong 6 tháng đầu năm, qua đó NHNN sẽ đánh giá về mức độ an toàn, hiệu quả kinh doanh của các NHTM và từ đó có những chỉ đạo, giải pháp thích hợp để chủ động kiềm chế tín dụng, đảm bảo thực hiện cho được định hướng mức tăng tín dụng dưới 30%.

Chứng khoán thêm khó?

Các NĐT đang lo ngại việc tăng cường thanh tra, kiểm tra chất lượng tín dụng và siết chặt cho vay tiêu dùng chỉ là bước đầu trong các biện pháp phòng ngừa tái lạm phát của NHNN, các biện pháp tiếp theo sẽ là kiềm chế mức tăng tín dụng chung và đến thời điểm cần thiết sẽ rút tiền từ lưu thông. Những biện pháp này tuy cần thiết để kiểm soát lạm phát, nhưng không tránh khỏi làm ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.

Mặc dù NHNN cho đến hôm nay vẫn chưa đưa ra yêu cầu chính thức nào (ngoài việc nhắc nhở) về hạn mức tín dụng, nhưng những động thái yêu cầu các NHTM phải đánh giá tình hình hoạt động tín dụng và chấp hành các tỉ lệ an toàn (quy mô, tốc độ, cơ cấu, chất lượng tín dụng) 6 tháng đầu năm và đề xuất các biện pháp kiềm chế tín dụng trong những tháng cuối năm phù hợp với định hướng điều hành của NHNN... là một tín hiệu buộc các NHTM phải tự kiềm chế tốc độ tăng dư nợ của mình. Trong cơ cấu dư nợ thì việc cho vay HTLS là việc các NH phải thực hiện vì yêu cầu không được từ chối các đối tượng vay vốn thuộc diện HTLS. Như vậy, chỉ có thể hạn chế mức tăng dư nợ cho vay tiêu dùng, cho vay kinh doanh CK.

Cho dù đến nay, chưa có thống kê chính thức nào về việc vốn vay các mục đích khác "đổ... sang kênh CK, nhưng thông tin về việc NHNN thêm một lần nữa chính thức nhắc nhở các NHTM về kiềm chế tín dụng 6 tháng cuối năm sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến TTCK trong bối cảnh thanh khoản của thị trường ngày càng giảm. Cho dù cách đây một tuần, nhiều dự đoán cho rằng, TTCK đang chuẩn bị con sóng thứ năm nhưng một số chuyên gia phân tích CK cho rằng, cho dù có phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật thị trường giỏi đến đâu đi chăng nữa thì những yếu tố rủi ro chính sách đôi khi cũng làm đảo lộn mọi dự báo.

Mạnh Tuấn

Lao Động

Các tin tức khác

>   Vốn trái phiếu CP tập trung cho dự án cấp bách (15/07/2009)

>   Hà Nội: Hoàn tất cấp mã số thuế TNCN trước tháng 10 (14/07/2009)

>   Nhiều người bắt đầu quan tâm hơn đến bảo hiểm phi nhân thọ (14/07/2009)

>   Tìm biện pháp ngăn chặn và xử lý nợ xấu của ngân hàng (14/07/2009)

>   Golden Bridge Capital Co.,Ltd được cấp giấy phép mở VPĐD tại Tp.HCM (14/07/2009)

>   Kết quả đấu thầu trái phiếu Công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc VN (14/07/2009)

>   Áp dụng chữ ký số cho hệ thống nộp tờ khai thuế qua mạng Internet (14/07/2009)

>   Quản trị rủi ro đừng theo mốt (14/07/2009)

>   Đưa thanh toán quốc tế thoát khủng hoảng (14/07/2009)

>   Sàn vàng nhộn nhịp từ đầu giờ (14/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật