Tìm biện pháp ngăn chặn và xử lý nợ xấu của ngân hàng
Ngày 14/7, Hội thảo chuyên đề “Quản lý nợ xấu tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và các chiến lược tối đa hóa lợi nhuận cho ngân hàng” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Công ty Grant Thornton phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Dương Thu Hương, khi kinh tế thế giới lâm vào suy thoái thì vấn đề nợ xấu trở thành mối lo hàng đầu đối với các doanh nghiệp. Ở Việt Nam cũng vậy, nợ xấu có thể đẩy doanh nghiệp đến chỗ phá sản, ngân hàng mất tài sản và quan trọng hơn là gây ra xáo trộn trong nền kinh tế. Vì thế, làm thế nào để khi xử lý nợ xấu vẫn tối đa hóa lợi nhuận cho các ngân hàng là bài toán cần được giải quyết cụ thể.
Theo ông Philip Paterson, Giám đốc Bộ phận khách hàng doanh nghiệp và các định chế tài chính, Ngân hàng ANZ, nợ xấu xuất phát từ nhiều nguyên nhân, khách quan lẫn chủ quan. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất là nhiều đơn vị kinh doanh thua lỗ, dẫn đến việc gặp khó khăn về dòng tiền hoặc mất khả năng thanh toán. Vì thế, các đối tác có quan hệ làm ăn với những doanh nghiệp này bỗng chốc phải gánh thêm phần nợ khó thu.
Ngoài ra, nguồn vốn vay của doanh nghiệp lại không được sử dụng đúng mục đích như nguồn vốn vay cho sản xuất, kinh doanh những mặt hàng chủ lực thì lại được chuyển sang kinh doanh bất động sản, chứng khoán), hoặc có doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn không phù hợp (nguồn vốn ngắn hạn lại dùng cho dài hạn…
Để hạn chế nợ xấu cũng như giải quyết bài toán xử lý nợ xấu một cách hiệu quả nhất, ông Matthew Lourey, Giám đốc dịch vụ tư vấn tài chính doanh nghiệp, Công ty Grant Thornton Việt Nam cho rằng, khi cho vay, các ngân hàng thương mại cần phải kiểm soát mục đích sử dụng các khoản vay của doanh nghiệp; có chứng từ vay vốn rõ ràng; đồng thời duy trì các kênh liên lạc giữa ngân hàng và doanh nghiệp để có thông tin trao đổi kịp thời.
Về phía doanh nghiệp, khi phát sinh các khoản phải thu khó đòi, doanh nghiệp phải tiến hành trích lập dự phòng. Về cơ bản, trích lập dự phòng sẽ giúp doanh nghiệp bù đắp khoản lỗ do không thu được nợ, ngăn chặn nợ xấu có thể xuất hiện. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể xử lý nợ xấu thông qua việc bán nợ cho các tổ chức mua bán nợ chuyên nghiệp. Việc bán nợ này cũng có thể coilà phương án xử lý nợ xấu nhanh nhất, giúp chủ nợ thu hồi một phần vốn kinh doanh để phục vụ cho các nhu cầu và cơ hội kinh doanh mới, nhằm cải thiện tình hình tài chính.
Một hướng đi mới trong việc xử lý nợ xấu mà ôngMatthew Loureyđề xuất là chuyển nợ thành vốn góp gắn với tái cấu trúc doanh nghiệp. Đây là hoạt động khá mới tại Việt Nam và cũng chỉ có Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) của Bộ Tài chính là thực hiện thành công hoạt động này.
DATC sẽ thực hiện các giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp như xoá một phần nợ và lãi, hoãn trả nợ, thay đổi thời gian trả nợ, hỗ trợ về thị trường, quản trị, hỗ trợ về tài chính như cho vay, bảo lãnh… nhằm phục hồi từ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán thành doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có lãi, hiệu quả.
Có thể thấy, việc chuyển nợ thành vốn góp gắn với tái cấu trúc doanh nghiệp là một hướng đi mới trong việc xử lý triệt để nợ xấu và góp phần làm lành mạnh hoá tình hình tài chính của nền kinh tế nói chung và của ngân hàng nói riêng.
Giang Oanh
Chính phủ
|