Vận tải dầu khí Vinashin thua lỗ
Tàu mẹ “mắc nạn” tàu con
Từng là hiện tượng của năm 2008 khi chỉ ba quý hoàn thành nhiệm vụ lợi nhuận cả năm, nay công ty CP vận tải dầu khí Vinashin (VSP) cũng là hiện tượng khi lỗ ba quý liên tiếp. VSP vừa công bố, sáu tháng đầu năm, lỗ 205,2 tỉ đồng
Giữa năm 2008, cổ phiếu của công ty cổ phần đầu tư và vận tải dầu khí Vinashin (mã cổ phiếu VSP) được xem là một hiện tượng khi tăng giá liên tục trong hơn hai tháng liền. Từ mức đáy 34.900đ/cp của ngày 10.6 tới mức đỉnh 254.300đ/cp của ngày 27.8, tính ra mức tăng lên tới 728%.
Lỗ vì con
Cổ đông VSP dù có mua cổ phiếu ngay ở đỉnh cao trên 250.000đ/cp, có lẽ, vẫn nghĩ rằng đã may mắn khi đầu tư vào công ty có khả năng tạo ra lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu của năm 2008 lên tới 21.000đ, thuộc hạng cao nhất thị trường. Hai tháng sau, thị giá cổ phiếu giảm tới 79,8% so với mức đỉnh, nhà đầu tư dài hạn vẫn có thể tự trấn an khi kết quả kinh doanh sau ba quý đã vượt kế hoạch lợi nhuận của cả năm. Theo báo cáo quý 3 của VSP công bố, lợi nhuận trước thuế lũy kế ba quý là 396 tỉ đồng, bằng 180% kế hoạch của năm.
Quý 4/2008, lần đầu tiên VSP công bố lỗ 53,1 tỉ đồng. Đến ngày 21.1, chỉ hai ngày trước khi thị trường chứng khoán đóng cửa nghỉ tết, lời giải trình mới được VSP công bố. Lúc đó, thị giá của VSP chỉ còn 45.900đ/cp.
Kết quả quý 1/2009, VSP tiếp tục lỗ 111,68 tỉ đồng. Mới đây, VSP công bố sáu tháng đầu năm lỗ 205,2 tỉ đồng.
Các lời trần tình của ban lãnh đạo VSP khá hợp lý như kết quả kinh doanh riêng của VSP vẫn lời. Chẳng hạn quý 4 năm ngoái, bản thân VSP đạt lợi nhuận sau thuế 47,09 tỉ đồng. Nhưng do các công ty con như công ty gas Phương Bắc và công ty vận tải biển Nam Việt thua lỗ, khiến cho báo cáo hợp nhất tài chính quý 4 phải ghi nhận lỗ.
Bão cuốn phăng tham vọng
Thành lập từ năm 2002 với ba thành viên sáng lập là tổng công ty công nghiệp tàu thuỷ Vinashin, công ty Vận tải thương mại vận tải ven biển và viễn thông (TST) và công ty hợp tác lao động với nước ngoài (Inlaco), đến năm 2006, VSP sở hữu chín tàu biển, trong đó có bốn tàu chuyên dụng chở khí hoá lỏng, một tàu dầu, còn lại là tàu hàng rời. VSP xác định ba mảng chính là vận tải và kinh doanh khí hoá lỏng, vận tải biển và bất động sản.
Năm 2007 khi thị trường chứng khoán vẫn còn sôi động, VSP từng được ví là “khủng long” bởi hàng loạt dự án đầu tư hấp dẫn. Trong lĩnh vực kinh doanh gas, VSP đặt tham vọng hoàn thiện chuỗi cung ứng gas từ vận chuyển tới bán lẻ qua thương hiệu gas Vinashin. Một phần vốn từ 907 tỉ đồng trái phiếu đấu thầu quốc tế mà tập đoàn Vinashin rót vào VSP năm 2006, VSP đầu tư xây dựng kho chứa khí hoá lỏng ở Đình Vũ. Một phần, VSP đầu tư tàu để tăng năng lực vận tải. Ngoài ra, VSP bắt đầu lấn sân sang bất động sản với dự án sân golf Mê Linh và dự án xây dựng cụm công nghiệp tàu thủy ở Long An, trong đó có khoảng 70ha dành cho cụm dân cư, biệt thự ven sông mà vị trí địa lý chỉ cách trung tâm TP.HCM 25km.
Trong nửa năm đầu 2008, ngành vận tải biển ăn nên làm ra khi giá thuê tàu tăng cao. Điều này giúp cho lợi nhuận của VSP tăng đột biến. Không khó hiểu lắm khi VSP tiếp tục thành lập công ty con Nam Việt vào đầu tháng 3. Do phần vốn đầu tư mua tàu vào thời điểm đó chủ yếu là vay, nên gặp kỳ lãi suất tăng vọt, chi phí vốn tăng cao. Nếu theo phân tích cơ bản, rủi ro khi đầu tư vào VSP phải được tính toán cẩn trọng ở rủi ro kinh doanh do đội tàu của VSP có tuổi trung bình lên tới 20 năm, chi phí lên đà sửa chữa định kỳ và khả năng đậu bến vì hỏng hóc lớn. Giải trình của ban lãnh đạo VSP về báo cáo quý 1/2009 cho thấy, số tàu lên đà sửa chữa nhiều trong giai đoạn này, cộng với cước thuê tàu giảm 70%, lãi suất cao, khiến kết quả kinh doanh không được tốt.
Khó mong chờ đột biến
Bên cạnh đó, VSP có hệ số đòn bẩy tài chính rất cao. Là đơn vị tư vấn cho VSP lên sàn, bộ phận phân tích của công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng phải lưu ý cơ cấu tài sản có nhiều rủi ro. Cuối năm 2007, chỉ số nợ D/E của VSP lên tới 961%, cho thấy công ty sử dụng đòn bẩy tài chính quá nhiều. Cũng may là đợt phát hành tăng vốn thành công của VSP trong nửa năm đầu 2008 đã giúp giảm chỉ số này còn 93%.
Cũng phải lưu ý rằng, quyết định mua thêm tàu ở nửa cuối năm 2008 không phải là thích hợp. Doanh nghiệp cùng ngành là vận tải xăng dầu (VIPCO) đã quyết định lùi thời điểm mua tàu từ cuối năm 2008 sang 2009, giúp cho công ty này tiết kiệm được khoảng 20 triệu USD do giá đôi tàu này trong năm 2009 chỉ còn 36 triệu USD.
Đáng lưu ý là trong hai năm 2007 và 2008, VSP có hai lần bán tàu. Chỉ riêng lợi nhuận bán tàu Vinashin Metan trong năm 2008, mang lại lợi nhuận khoảng 88 tỉ đồng. Theo giới phân tích, các khoản lợi nhuận dạng “đột biến” này nếu không được chú ý sẽ khiến cho bài toán đầu tư dài hạn có kết quả sai lệch. Chưa kể tới lưu ý của nhóm phân tích của chứng khoán Habubank, VSP áp dụng tỷ lệ khấu hao khá thấp, khoảng 7%. Đây là một trong những đặc điểm phải cảnh báo tài chính, theo giáo sư Baruch Lev (đại học New York) trên tạp chí Fortune, bởi cách làm này tuy làm tăng thu nhập hiện tại nhưng không bền vững, bởi vì cuối cùng khấu hao phải ghi nhận.
Nếu đọc kỹ các thông số tài chính trong ba năm kể từ năm 2006, nhà đầu tư ắt phải lưu tâm đến dòng tiền tự do của VSP trong ba năm liên tục có mức âm. Điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư đã bơm thêm tiền nhiều hơn để công ty hoạt động nhằm duy trì tăng trưởng cao. Vòng xoáy tăng trưởng dựa trên tỷ trọng vốn vay lớn cũng đồng nghĩa với rủi ro cao khi thị trường có nhiều biến động.
Ban lãnh đạo VSP đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế của cả năm 2009 là 150 tỉ đồng. Nghĩa là nửa năm cuối phải đạt lợi nhuận trên 350 tỉ đồng. Mục tiêu này khó khả thi khi chỉ số vận tải biển Baltic vừa tăng lên hồi tháng 6 đã giảm xuống, chứng tỏ ngành vận tải biển vẫn còn nhiều khó khăn, trừ phi lãnh đạo VSP trông đợi vào nguồn lợi nhuận đột biến nào khác.
Tiểu Lý
SÀI GÒN TIẾP THỊ
|