Đằng sau báo cáo lợi nhuận quý II:
Cơ hội tăng trưởng chứng khoán trung, dài hạn
Tính đến thời điểm 28.7, đa số Cty niêm yết trên cả hai sàn đều đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý II/2009. Mặc dù vẫn có các con số lỗ lớn ở một vài DN, nhưng đa số đều cho thấy mức lãi chấp nhận được trong bối cảnh kinh tế vẫn khó khăn.
Giá CK thời điểm này dường như không còn chịu tác động của kết quả kinh doanh nữa, nhưng việc các DN trụ được qua thời điểm gian nan nhất cũng có nghĩa là một cơ hội tăng trưởng cho trung và dài hạn.
Đừng nhìn tỉ lệ đạt kế hoạch
Một điểm khá chung của các BCTC quý là với những DN công bố sớm, con số lãi thường rất đẹp. Thậm chí, việc nhiều DN công bố con số hoàn thành kế hoạch cũng không khiến NĐT chú ý nhiều, dù là những con số có thể giật mình. Chẳng hạn CTCP Thép Việt Ý (mã CK: VIS) mới 6 tháng đã hoàn thành tới... 500% kế hoạch năm. Dự kiến năm 2009 của VIS chỉ là 25,3 tỉ đồng lãi, nhưng riêng 6 tháng đã đạt được 230,4 tỉ đồng.
Nguyên nhân khiến thị trường không mấy bất ngờ trước tỉ lệ hoàn thành kế hoạch là vì kế hoạch quá thấp. Ngay trong mùa ĐHCĐ hồi đầu năm, HĐQT, ban giám đốc của nhiều Cty niêm yết cũng phải giãi bày đủ đường với cổ đông để biểu quyết thông qua con số mục tiêu lợi nhuận thấp chưa từng có. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là sự suy thoái kinh tế chung chưa biết đến lúc nào mới kết thúc, rồi tình hình vốn, bạn hàng, thị trường... không thể lường trước được.
Một Cty đầu tư tài chính đang niêm yết trên sàn HoSE cũng đặt kế hoạch 2009 rất thấp, nhưng vị đại diện Cty này "bật mí" rằng thực ra đó là kế hoạch cho tình huống “bết” nhất, chứ chỉ riêng phần hoàn nhập dự phòng cũng thừa đủ vượt gấp đôi kế hoạch.
Hay một Cty trong lĩnh vực caosu cũng niêm yết trên HoSE tuyên bố 6 tháng hoàn thành trên 70% kế hoạch cả năm, nhưng thực ra chỉ tương đương một nửa con số lợi nhuận cùng kỳ năm ngoái. Cứ đưa ra con số thấp rồi tùy tình hình điều chỉnh là giải pháp được đa số Cty niêm yết lựa chọn cho kế hoạch 2009.
BCTC của nhiều DN cũng cho thấy việc cắt giảm chi phí hay tận dụng được giá nguyên liệu rẻ đã góp phần đem lại hiệu quả hoạt động cao. Báo cáo của PNJ cho thấy Cty đã giảm được khoảng 30% chi phí quản lý nhờ sáp nhập nhiều bộ phận, hàng hóa, nguyên liệu tồn kho cũng giảm 20%; IMP có sự tái cơ cấu danh mục sản phẩm, tập trung vào nhóm sản phẩm có giá trị và lợi nhuận biên cao khiến lợi nhuận gộp tăng gần 23%; CSG mua dự trữ được một lượng lớn đồng nguyên liệu giá rẻ từ quý I, dự kiến đem lại hiệu quả cao cho các hợp đồng 6 tháng cuối năm.
Mặc dù tăng trưởng sản xuất kinh doanh của ngành nghề cốt lõi vẫn được xem là quan trọng nhất trong đánh giá khả năng tăng trưởng, nhưng rõ ràng với bối cảnh khó khăn như hiện tại, duy trì được hoạt động hiệu quả đã là một thành công lớn. Mặt khác, việc tái cơ cấu lại hoạt động, tăng cường hiệu quả quản trị là những tiền đề cho sức bật của DN trong tương lai.
Hiện tại, kết quả kinh doanh quý II không còn là mối quan tâm lớn của thị trường nữa. Thậm chí, có vẻ thị trường còn lỡ nhịp và không có “con sóng” tăng giá cùng BCTC. Nhiều DN công bố kết quả kinh doanh tốt từ đầu tháng 7, nhưng thị trường lại bước vào giai đoạn điều chỉnh giảm. Trước tình hình hoạt động khả quan, nhiều DN cũng đang rục rịch điều chỉnh lại kế hoạch lợi nhuận.
Hoàn nhập dự phòng: Không chỉ là hoàn tiền
Với các CTCK hay Cty đầu tư, việc hoàn nhập dự phòng trong bối cảnh thị trường tăng là điều hết sức bình thường. Khoản hạch toán hoàn nhập vào lợi nhuận cũng là tiền thật chứ không phải ảo. NĐT cũng đã có cái nhìn công bằng hơn bởi lẽ khi thị trường đi xuống, Cty phải trích lập dự phòng và được coi là lỗ thật, chí ít từ góc độ kế toán. Tuy nhiên, với các DN sản xuất kinh doanh có tham gia đầu tư tài chính, việc hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính hay tất toán danh mục đầu tư là tín hiệu tốt cho thấy bài học về đầu tư tài chính tràn lan đã được quán triệt.
Điển hình của trường hợp này là REE. Lũy kế 6 tháng REE đạt doanh thu thuần 472,51 tỉ đồng, tương đương 39% so với kế hoạch năm 2009. Lợi nhuận trước thuế là 294,87 tỉ đồng, bằng 117,95% kế hoạch. Trong đó thực lãi từ bán CP đầu tư và hoàn nhập dự phòng là 120,69 tỉ đồng. Cùng với REE còn khá nhiều Cty khác có khoản lợi nhuận đầu tư tài chính dương, chứng tỏ cũng bán ra CP không ít.
Một xu hướng tích cực nữa là nhiều Cty đã thực hiện chuyển nhượng các dự án, rút lui khỏi các khoản đầu tư kém hiệu quả. Việc tham gia đầu tư vào nhiều dự án lúc “rủng rỉnh” tiền là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, khi kinh tế rơi vào khó khăn, không phải DN nào cũng dám “nghiến răng” cắt bỏ các dự án kém hiệu quả. Đã có không ít tiền lệ khi DN niêm yết “nhảy” vào các lĩnh vực hoàn toàn”tréo ngoe” với ngành nghề cơ bản đang hoạt động như làn sóng thành lập CTCK của năm 2007.
Chẳng hạn, REE mới đây đã tuyên bố ngừng đầu tư xây dựng hai nhà máy sản xuất điện từ nguồn khí thải tại TPHCM. Dự án này do REE đầu tư cùng một đối tác Hàn Quốc và mới khởi công hồi tháng 3 vừa qua. Nguyên nhân khiến REE rút khỏi dự án là do tính hiệu quả không như mong đợi.
Theo thông tin công bố từ HoSE, HĐQT của không ít DN niêm yết gần đây đã lựa chọn giải pháp chuyển nhượng các dự án không hiệu quả hoặc tạm dừng triển khai thêm các dự án mới dù kế hoạch đã được thông qua. Điều đó cho thấy ý thức về sự tập trung nguồn lực nhằm đứng vững trong bối cảnh khủng hoảng là bài học quan trọng được nhiều DN đúc kết.
Hoàng Nguyên
LAO ĐỘNG
|