Tái định cư: Chưa thể yên tâm
Mục tiêu của tái định cư thay thế và cải tạo chung cư cũ nát là nâng cao chất lượng sống của người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, niềm vui của những cư dân về một chỗ ở mới đẹp, rộng rãi, tiện nghi đã nhanh chóng tắt đi, thay vào đó là những nỗi lo hiện hữu.
Anh Trần Thế Duy ở số 172 lô B chung cư Ngô Gia Tự (quận 10- TP.HCM) trăn trở: Tôi sống ở đây hơn 20 năm, khi nhận được thông báo sắp di dời qua chung cư 14 tầng mới xây, lẽ ra tôi rất mừng vì có được chỗ ở mới rộng rãi và tiện nghi hơn. Tuy nhiên, tôi thật sự lo lắng vì khoản tiền gần 200 triệu đồng phải bù vào khi qua căn hộ mới (dù được trả góp). Thu nhập của tôi chỉ có 80.000đồng/ngày, mà phải nuôi mẹ, vợ và 2 con nhỏ thì lấy đâu ra khoản tiền gần 2 triệu đồng để trả góp hàng tháng? Nếu không thể mua nhà trả góp thì phải thuê nhà với mức thuê từ 20.000 đến 42.000đồng/m2, hàng tháng phải trả tiền thuê nhà hơn 1 triệu đồng cho căn hộ rộng 66m2.
Chị Nguyễn Thảo Nhi ở căn hộ số 24 chung cư Lê Thị Riêng, than: Trước đây tôi sống ở lô C chung cư Ngô Gia Tự, kiếm sống bằng việc bán bún riêu ngay mặt tiền chung cư. Từ khi tái định cư qua đây, không có chỗ buôn bán kiếm sống, còn phải lo thêm khoản tiền thuê nhà hàng tháng khá nặng (vì không đủ tiền đóng để sở hữu căn hộ), lại còn phải đóng trước 3 tháng tiền nhà một lúc (gần 7 triệu đồng) mới được thuê. Do không thể xoay xở nổi nên gia đình tôi định sẽ bán xuất tái định cư của mình để đi nơi khác.
Những tình cảnh khó khăn phổ biến là: Mất địa bàn kiếm sống và sinh hoạt quen thuộc; không lo được tiền đóng thêm để sở hữu căn hộ mới; không cơ suất tái định cư do không đủ điều kiện hợp lệ...
Những người lao động phổ thông, buôn bán hàng rong lại càng khó khăn hơn.
Chị Huỳnh Thị Mỹ Thanh ở số 78 chung cư Lê Thị Riêng cho biết: Tôi là người buôn bán ở vỉa hè nên sống kiểu bình dân, lao động quen rồi, khi tái định cư hàng ngày tôi buộc phải di chuyển một đoạn đường hàng chục km để về chung cư Ngô Gia Tự buôn bán như xưa. Mong sao chính quyền quan tâm giúp người dân tái định cư thích ứng với cuộc sống nơi ở mới, tạo công việc hay chỗ buôn bán chẳng hạn, chứ không phải cứ di dời đến nơi ở khác rồi mặc người dân sống sao thì sống...
Thích nghi với nơi ở mới cũng không đơn giản. Anh Trần Văn Dũng, kể: qua đây ở, phải đóng đủ thứ tiền, nào là tiền thang máy, tiền bảo vệ an ninh, tiền phục vụ công ích, tiền gửi xe... Ở tầng 8 thấy tù túng, lên xuống bất tiện quá nên từ bữa chuyển qua đâyở tới giờ tôi chỉ lên nhà ngủ vào ban đêm chứ ban ngày tôi toàn ở lề đường Trần Nhân Tôn.
Ở chung cư Trần Hưng Đạo, với giá đất được đền bù từ 4 đến 23 triệu đồng/m2 (tuỳ theo tầng cao), chỉ mới 1/3 người dân chịu nơi ở mới, đa số bán suất tái định cư ở chung cư cho người khác với lý do không đủ tiền để bù giá, đóng trả góp khi qua nơi ở mới. Do vậy, phần lớn cư dân tại những chung cư mới sống trong những căn hộ sang trọng, tiện nghi lại không phải lag những cư dân trong diện tái định cư.
Anh Nguyễn Công Phú, ngụ ở lô B chung cư Ngô Gia Tự nói: Trong số hơn 60 hộ dân đang ở chung cư mới có không tới 20% là những hộ tái định cư. Đa số các hộ diện tái định cư đã bán suất tái định cư, tìm chỗ ở khác. Họ cũng giống như tôi, toàn là dân lao động, chạy ăn từng bữa thì thử hỏi lấy đâu ra mấy trăm triệu đông để đóng? lấy đâu ra 1- 2 triệu đồng để thuê nhà hàng tháng? Với mức giá thuê nhà hiện nay thì cứ mở mắt ra là mất đứt hơn 60.000 đồng/ngày, khoản tiền này tôi lấy đâu ra khi lương thợ hồ chỉ hơn 80.000 đồng/ngày?
Liệu có ai khảo sát để biết những người được tái định cư hiện nay sống ra sao và đã thật sự ổn định cuộc sống chưa?
Thiết nghĩ, khi thực hiện di dời, tái định cư cần hết sức hạn chế gây sự xáo trộn, khó khăn cho cư dân khi phải đột ngột thay đổi nơi ở, công việc.
Nguyễn Anh Tú
Tổ quốc
|