Chủ Nhật, 19/07/2009 10:30

Rẻ ngoại - đắt nội!

Có mâu thuẫn về cách tính giá bán điện (được lý giải là bắt buộc phải tăng) với phản ứng của dư luận. Cũng như giữa giá bán điện tại VN với giá bán điện tại các quốc gia trên thế giới với kết luận là giá bán điện tại VN thuộc hàng thấp nhất thế giới. Trong khi đó thì dư luận lại cho rằng, ngành điện đang “chém đẹp” người tiêu dùng.

Tăng là bắt buộc !

Là một ngành kinh doanh, một dạng sản phẩm tiêu dùng đặc thù, điện cũng mang (và chịu) đầy đủ các đặc điểm thị trường. Nghĩa là giá lên, xuống theo nhu cầu tiêu thụ, khả năng cung ứng, chi phí sản xuất... Do vậy, việc ngành điện tăng giá cũng là quy luật bình thường và người tiêu dùng toàn xã hội chấp nhận quy luật ấy. Nếu tính từ thời điểm những năm đầu thập kỷ 1990, giá bán điện bình quân là 230 VND/kWh, thì gần 19 năm sau (2009), giá bán điện bình quân đã tăng lên thành 948,5 VND/kWh, nếu tính cả thuế GTGT, thì giá biện bình quân sẽ là trên 1.000 VND/kWh. Tức là tăng trên 5 lần so với mức giá 19 năm trước. Mức tăng ấy là tương ứng với mức tăng giá sau 19 năm của nhiều mặt hàng chiến lược như xăng dầu, sắt thép, xi măng...

Mặt khác, kết quả tăng thu nhập bình quân của người VN trong những năm qua, cộng với mức đầu tư và khả năng phục vụ của ngành điện tăng mạnh cũng trong thời gian ấy là một lý do hợp lý để giải thích việc tăng giá điện. Có hàng trăm nghìn tỷ VND được đầu tư để nâng cao sản lượng điện, để mở rộng mạng lưới cung ứng điện, để nâng cao chất lượng điện đã được đầu tư... Và vì thế, mức tăng giá điện khoảng trên 5 lần sau 19 năm dường như là... thấp, là chưa đảm bảo cho ngành điện cung ứng đủ điện cho nhu cầu, cũng như làm ăn có lãi đúng như yêu cầu đặt ra với một ngành kinh doanh. Thể hiện cụ thể là báo cáo mỗi năm lỗ vài nghìn tỷ VND vì giá điện... thấp. Báo cáo ấy do ngành điện đưa ra và được Chính phủ đồng ý, công nhận.

Tăng trưởng nhu cầu dùng điện cộng với giá điện thấp là hai nguyên nhân chính dẫn tới sự lãng phí trong sử dụng điện tại VN. Do vậy việc tăng giá điện được xem như giải pháp hiệu quả để buộc người tiêu dùng phải có ý thức tiết kiệm điện. Từ đó vừa tăng doanh thu, giảm lỗ, vừa đảm bảo an toàn hệ thống cung ứng điện cho ngành điện.

Tăng giá điện, vì thế, đã trở thành giải pháp khả thi duy nhất để giữ được an ninh năng lượng quốc gia, thay vì là vấn đề riêng của quan hệ giữa ngành điện với tiêu dùng toàn xã hội.

Thế mà lại hóa... cao !

Không phải gần đây người tiêu dùng mới “được” ngành điện thông báo, rằng giá bán điện tại VN đang rất thấp so với mức bình quân trên thế giới. Thậm chí chỉ bằng khoảng 50 - 60% giá bán điện tại một số quốc gia trên thế giới. Các quan chức của Chính phủ thì khẳng định, ngay cả với mức giá bán điện mới tăng và hiện đang áp dụng (bình quân 948,5 VND/kWh), Nhà nước cũng vẫn đang phải bù lỗ.

Nhưng nhìn lại, việc giới tiêu dùng phản ứng với giá bán điện mới không phải là không có cơ sở. Kết thúc năm 2008, Chính phủ công bố, thu nhập bình quân đầu người của VN đã đạt mức 1024 USD/năm, tức là sớm hơn hai năm so với chỉ tiêu từng đề ra. Tuy nhiên, có chênh lệch lớn về thu nhập thực tế giữa lao động trong xã hội, giữa nông thôn và thành thị, giữa các ngành nghề khác nhau, giữa lao động khối Nhà nước và ngoài Nhà nước... Do vậy, việc tăng giá điện đã tác động không đầy đủ tới các đối tượng sử dụng này. Dù Chính phủ công bố phương án bán điện theo bậc thang sử dụng, có tính tới người sử dụng khu vực nông thôn, nhưng thực tế là chi phí bình quân cho điện của từng đối tượng sử dụng vẫn chưa được tính toán một cách thấu đáo. Đặt vấn đề này là hợp lý vì Chính phủ đang công bố phải bù giá điện thì cũng phải có trả lời là bù giá cho ai? Bù như thế nào? Có đảm bảo khả năng “chịu đựng” của khu vực này hay không? Kết quả của sự thiếu rõ ràng này là ngay sau khi thay đổi phương án giá bán, các cơ quan chức năng đã phải tổ chức các đoàn đi khảo sát tác động của việc tăng giá bán điện tới sản xuất. Và thực tế là đã có đề nghị áp dụng “ưu đãi” với đối tượng sử dụng nhất định –gián tiếp thừa nhận giá bán điện mới đã “gây khó” cho đối tượng sử dụng điện.

Mặt khác, nói giá điện của VN thấp nhưng nếu so với thu nhập bình quân đầu người của VN thì thậm chí là... quá cao. Nhất là hiện nay, các loại sản phẩm chủ chốt đều tăng giá với tốc độ phi mã.

Vì thế, nếu muốn nhận được sự đồng tình của người sử dụng trong các phương án bán điện, thì điều cần có phải là công khai hóa, minh bạch hóa được hoạt động của ngành điện. Đặt yêu cầu này không có nghĩa quy kết ngành điện đang “có vấn đề” trong sản xuất và kinh doanh điện. Mà bởi vì đó là yêu cầu của người sử dụng phải được biết họ đang chia sẻ trách nhiệm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia với ai và vì sao ? Và còn vì đã đầu tư hàng trăm nghìn tỷ VND phát triển hệ thống điện mà hoạt động của ngành điện vẫn “khép kín” với tiêu dùng xã hội thì quả là thực tế không thể được chấp nhận. Muốn nói điện giá thấp, thì trước tiên phải làm cho người tiêu dùng tin rằng đó là sự thực. Còn nếu không, thì dù có giảm giá điện thì vẫn bị kêu là giá điện... vẫn cao.

Quốc Dũng

 Diễn đàn Doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Hơn 190 tỷ đồng mở rộng đường Nguyễn Văn Linh (19/07/2009)

>   Giá sữa ở Việt Nam liên tục tăng: Nghịch lý không thể chấp nhận (19/07/2009)

>   Nông sản xuất khẩu: Nâng cao năng lực cạnh tranh (19/07/2009)

>   Thị trường không cần nước mắt: Từ bài học thiếu gạo... (19/07/2009)

>   Không được cắt điện, dù chỉ một giờ (19/07/2009)

>   Kinh tế vĩ mô chưa vững chắc (19/07/2009)

>   Nhiều hoạt động XTTM nội địa năm 2009 được hỗ trợ kinh phí (18/07/2009)

>   Đăng ký xuất xứ trái cây: Vẫn chờ hồi âm phía Trung Quốc (18/07/2009)

>   Đề nghị thu 50% lợi nhuận do giá dầu tăng cao (18/07/2009)

>   Đưa cá tra vượt thuế chống phá giá (18/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật