Đề nghị thu 50% lợi nhuận do giá dầu tăng cao
Ngày 17-7, ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về chính sách thu ngân sách đối với phần lợi nhuận bất thường có được của nhà thầu dầu khí do giá dầu thô biến động tăng. Theo đó, Chính phủ đề nghị công thức tính phụ thu theo phương thức xác định cố định 50% của phần lợi nhuận thu được đối với phần dầu lãi.
Giá dầu tăng: nhà thầu dầu khí lãi to
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, hiện nay các tổ chức, cá nhân khai thác dầu khí phải nộp cho Nhà nước các khoản gồm thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, thuế xuất khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp. Tập đoàn dầu khí VN sẽ thay mặt Chính phủ VN ký kết hợp đồng chia sản phẩm dầu khí với các nhà thầu. Ông Ninh cho biết các hợp đồng dầu khí đã ký kết trước đây đều quy định cụ thể về thuế suất của các loại thuế phải nộp cho Nhà nước, đồng thời trong hợp đồng thường ghi rõ ngoài các loại thuế trên, “nhà thầu không phải thực hiện bất kỳ khoản nộp nào khác” cho Nhà nước VN.
Theo thống kê cơ chế phân chia các sản phẩm dầu khí năm 2008 của các hợp đồng dầu khí (Vietsovpetro, Rạng Đông, Rupy, Mp3, Sư Tử Đen, Sông Đốc, Cá Ngừ Vàng, Đại Hùng), sau khi trừ phần dầu thu hồi chi phí (25-70% tùy theo thời gian khai thác, trữ lượng khai thác của từng mỏ), thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, phần dầu còn lại sẽ được phân chia cho nhà thầu nước ngoài và nước chủ nhà (theo tỉ lệ 50/50). Với sản lượng khai thác năm 2008 là 15,49 triệu tấn (coi là 100%) thì số dầu thu hồi chi phí của nhà thầu sẽ là 4,97 triệu tấn (32,1%) và dầu lãi được chia là 2,03 triệu tấn (13,1%).
Như vậy, trong trường hợp giá dầu thô trên thế giới tăng bất thường thì nhà thầu dầu khí sẽ được hưởng khoản chênh lệch lớn (về giá) mà không do công sức tạo ra. Ví dụ, giá dầu thô khi tính toán xác định cơ chế phân chia sản phẩm bình quân là 50 USD/thùng, nếu giá dầu ở mức 100 USD/thùng thì các nhà thầu nước ngoài được hưởng chênh lệch về giá từ phần dầu lãi được chia là 758 triệu USD. Nếu giá dầu lên mức 150 USD/thùng thì khoản chênh lệch này là 1,516 tỉ USD.
Cần sớm phụ thu
Từ những vấn đề nêu trên, Chính phủ đã báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội là nếu áp dụng thuế xuất khẩu dầu thô tương ứng với các bước giá dầu thô trên thị trường thế giới thì trong những trường hợp giá dầu thay đổi lên xuống liên tục, mức thuế cũng sẽ thay đổi theo; phần nào ảnh hưởng đến tính ổn định trong sản xuất, kinh doanh mặc dù doanh nghiệp đã được biết trước.
Vì vậy, Chính phủ cho rằng bên cạnh việc áp dụng thuế xuất khẩu ổn định, để điều tiết phần lợi nhuận bất thường khi giá dầu thô thế giới tăng cao trong bối cảnh thị trường có biến động (tăng giá đột ngột), cơ chế phù hợp nhất là ban hành văn bản quy định khoản phụ thu đối với dầu thô (không phân biệt dầu thô xuất khẩu hay dầu thô trong nước), thực hiện đồng bộ với chính sách thuế hiện tại (áp dụng một mức thuế suất cụ thể).
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết đa số ý kiến trong ủy ban này nhận định việc thực hiện chính sách nêu trên là cần thiết, theo hướng như Chính phủ đề nghị là ban hành nghị định về phụ thu với phần lợi nhuận bất thường do giá dầu thô tăng cao.
Chính phủ đề nghị công thức tính phụ thu theo phương thức xác định cố định 50% của phần lợi nhuận thu được đối với phần dầu lãi (giá dầu trung bình của quý cao hơn từ 20% (cao trên 1,2 lần) so với giá của năm tương ứng).
Theo ông Hiển, có ý kiến trong Ủy ban Tài chính và ngân sách đề nghị nên đưa nguồn phụ thu này vào quỹ bình ổn giá xăng dầu, được sử dụng để góp phần điều tiết thị trường, giữ ổn định về giá cho mặt hàng xăng dầu. Bên cạnh đó, đa số ý kiến cho rằng đây là số thu của ngân sách nhà nước, Chính phủ phải trình Quốc hội xem xét việc sử dụng trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nói số thu này dù bất thường, nhưng nếu có thì việc sử dụng ra sao đều phải có báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội khi Chính phủ trình dự toán ngân sách nhà nước hằng năm.
V.V.THÀNH
Tuổi trẻ
|