Thứ Hai, 06/07/2009 08:12

Sôi động thị trường tài chính ngân hàng sau hội nhập

Hơn 2 năm tham gia vào nền kinh tế thị trường, lĩnh vực tài chính ngân hàng TP.HCM đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng tài sản của các ngân hàng trên địa bàn tăng gấp 2,1 lần so với cuối năm 2006, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 57%.

TP.HCM là trung tâm tài chính ngân hàng lớn nhất Việt Nam, dẫn đầu cả nước về số lượng ngân hàng và doanh số quan hệ tài chính - tín dụng. Việc gia nhập vào nền kinh tế thế giới cuối năm 2006 là một tất yếu và cũng là động lực hỗ trợ cho sự phát triển của nền kinh tế nói chung và lĩnh vực tài chính ngân hàng nói riêng. Đối với TP.HCM, tài chính ngân hàng được đánh giá là lĩnh vực nhạy cảm và chịu tác động rất lớn từ sự kiện này.

Ngày càng chuyên nghiệp

Theo thống kê cho thấy, đối với ngân hàng thương mại cổ phần, đa số có mức vốn điều lệ khoảng 200-300 tỷ đồng, nhưng sau 2 năm gia nhập WTO, vốn điều lệ của hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần đã tăng gấp 3,1 lần so với cuối năm 2006. Đây là cơ sở cho các ngân hàng mở rộng quy mô và mạng lưới kinh doanh, góp phần nâng cao vị thế của các ngân hàng.

Việc gia nhập WTO đòi hỏi các ngân hàng Việt Nam không chỉ nâng cao năng lực hoạt động và cạnh tranh thông qua việc tăng vốn điều lệ, tìm đối tác chiến lược là các ngân hàng, tổ chức tài chính nước ngoài tạo thế đối trọng trong kinh doanh mà các ngân hàng đã biết khai thác và tận dụng năng lực quản trị điều hành, ứng dụng công nghệ tiên tiến của Ngân hàng đối tác chiến lược cũng như tích cực áp dụng các thông lệ và chuẩn mực quốc tế trong hoạt động ngân hàng thương mại (NHTM), đặc biệt là chuẩn mực về kế toán, thanh toán quốc tế và các chuẩn mực về thanh tra giám sát ngân hàng. Hai năm qua, việc quản trị của các NHTM trong nước đã được chuyên nghiệp hóa hơn.

Nếu so sánh những thành quả về phát triển công nghệ của các ngân hàng với vài năm trước đây thì giai đoạn hiện nay là bước tiến đáng kể. Ngân hàng trong nước đã và đang đẩy mạnh cuộc đua về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng, triển khai nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ mới, mở rộng hệ thống mạng lưới và tập trung tăng cường năng lực tài chính của mình.

Về sản phẩm dịch vụ, đặc biệt trong 2 năm 2007-2008, nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử phát triển đa dạng và phong phú hơn như Internetbanking, Mobilbanking, Homebanking, Phonebanking, dịch vụ thẻ… đã mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng sử dụng dịch vụ. Sự phát triển các hoạt động dịch vụ ngân hàng đã tăng tổng khối lượng thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng nói riêng và qua nền kinh tế nói chung.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các cam kết về mở cửa dịch vụ ngân hàng, tài chính đã tạo cơ hội cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Trong hai năm 2007 và 2008, các ngân hàng nước ngoài đã tăng cường thâm nhập vào thị trường Việt Nam chủ yếu qua phương thức cung cấp hiện diện thương mại. Số lượng các tổ chức tín dụng tăng lên, hệ thống mạng lưới của các tổ chức tín dụng ngày càng mở rộng, hình thức sở hữu đa dạng hơn.

Nâng cao khả năng cạnh tranh và tìm cơ hội trong khó khăn

Theo nhiều chuyên gia trong ngành, ngoài những thuận lợi trên thì việc gia nhập WTO diễn biến nhanh và hiệu ứng lan tỏa lớn của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tác động mạnh đến nhiều nền kinh tế thế giới. Đứng trước những diễn biến nhanh, trái chiều của thị trường, các NHTM của Việt Nam đã và đang đứng trước tình trạng mất khả năng thanh toán, nợ xấu gia tăng, nhất là các khoản nợ cho vay vào đầu tư chứng khoán, bất động sản khó thu hồi được khi các thị trường này đi xuống hoặc đóng băng.

Bên cạnh đó, thị trường thế giới biến động quá nhanh và xoay chuyển gần như ngược chiều hoàn toàn chỉ trong một thời gian ngắn từ giá cả hàng hóa tăng nhanh, tăng cao sau đó bị giảm giá cũng rất nhanh… Những diễn biến này đã và đang tác động mạnh đến hoạt động ngân hàng, tạo ra nhiều mối đe dọa làm cho tín dụng tăng trưởng chậm lại và nợ xuấu phát sinh. Đây là hai biểu hiện rõ nét và có tác động ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của các NHTM.

Từ những thuận lợi và thách thức trên, đã có nhiều dự báo về xu hướng, triển vọng thị trường và những giải pháp hoàn thiện phát triển thị trường tiền tệ- ngân hàng, chứng khoán trong quá trình gia nhập WTO. Theo đó đối với thị trường tiền tệ và ngân hàng trong việc điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ chuyển trọng tâm điều hành chính sách tiền tệ cung ứng sang lãi suất thị trường liên ngân hàng, lấy lãi suất giao dịch thực trên thị trường liên ngân hàng làm mục tiêu điều hành; Giảm sự phụ thuộc vào các công cụ chính sách tiền tệ gián tiếp như dự trữ bắt buộc để giảm bớt các khó khăn về tài chính cho các NHTM, nâng cao quyền tự chủ của các tổ chức tín dụng trong điều kiện hội nhập với thị trường tài chính, tiền tệ thế giới.

Đối với thị trường tiền tệ sẽ tổ chức lại thị trường liên ngân hàng theo hướng Ngân hàng Nhà nước tham gia trực tiếp vào thị trường tiền tệ và thị trường ngoại tệ liên ngân hàng với vai trò là người dẫn dắt thị trường…/.

Nguyễn Hòa Bình

VOV 

Các tin tức khác

>   Hướng dẫn quy trình xuất, nhập khẩu kim cương thô (06/07/2009)

>   LS thị trường sẽ tiếp tục ổn định trong những tháng cuối năm (06/07/2009)

>   Môi giới bảo hiểm ở Việt Nam bao giờ… gặp thời? (05/07/2009)

>   Hỗ trợ lãi suất: “Lách” và chờ kết luận thanh tra (05/07/2009)

>   Lãi suất huy động VND lên 10,2%/năm (05/07/2009)

>   Quản trị rủi ro: Lá chắn lợi nhuận ngân hàng (04/07/2009)

>   Sắp dùng hết gói kích cầu 1 tỷ USD (04/07/2009)

>   Thị trường vàng nguội lạnh phiên cuối tuần (04/07/2009)

>   Khó chấm dứt tình trạng “găm” ngoại tệ (04/07/2009)

>   Thận trọng với rủi ro lãi suất (04/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật