Shell dẫn đầu doanh thu thế giới
Tạp chí Fortune vừa công bố danh sách xếp hạng 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới năm 2008 căn cứ vào doanh số. Do tác động của khủng hoảng kinh tế, nước Mỹ mất vị trí dẫn đầu và Trung Quốc vươn lên mạnh mẽ.
Bảng xếp hạng hàng năm của Fortune phản ảnh mức độ ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính đến nền kinh tế thế giới. Lần đầu tiên, nước Mỹ mất vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng về tay châu Âu, cụ thể là tập đoàn dầu khí Shell của Hà Lan-Anh. Với doanh số 450 tỉ đô la Mỹ, Shell có lợi nhuận hơn 26 tỉ đô la, đứng trước ExxonMobil và doanh nghiệp dẫn đầu năm ngoái là Wal-Mart cùng của Mỹ.
Nhưng về mặt sử dụng nhân viên, tập đoàn siêu thị Wal-Mart vẫn đứng hàng đầu với hơn 2,1 triệu người trên toàn thế giới, hơn xa National Petroleum (1,61 triệu) của Trung Quốc. Về mặt lợi nhuận, ExxonMobil lại giữ kỷ lục thế giới với 45,2 tỉ đô la, trên cả Gazprom và Shell.
Những thay đổi trên không làm người ta ngạc nhiên, theo L'Expansion. Năm 2008, giá dầu không ngừng tăng cao, mang lại lợi nhuận rất lớn cho các tập đoàn dầu hỏa. Trong Top 10 lần này, có đến 7 tập đoàn dầu hỏa gồm Shell, ExxonMobil, BP, Chevron, Total, Conoco và Sinopec. Và cũng lần đầu tiên Sinopec (The China Petroleum and Chemical Corp) của Trung Quốc lọt vào Top 10, sau khi xếp hạng 16 lần trước. Tập đoàn có trụ sở đặt tại Bắc Kinh này sử dụng đến 640.000 nhân viên và đạt lợi nhuận gần 2 tỉ đô la trong năm 2008.
Sự thăng tiến của Sinopec cũng khẳng định sức mạnh hiện nay của Trung Quốc, khi đất nước đông dân này có đến 37 doanh nghiệp được xếp hạng (so với 68 của Nhật). Trong số đó, China Petroleum nhảy đến 12 bậc, từ thứ hạng 25 lên hạng 13 thế giới nhờ sản lượng khai thác tăng cao trong năm qua.
Ngược lại, Mỹ có số doanh nghiệp giảm từ 153 xuống còn 140. Bước lùi mạnh nhất là General Motors, từ hạng 9 xuống 18. Nhưng General Motors vẫn còn xếp trên Ford, hãng bị thua lỗ đến 14 tỉ đô la. Toyota của Nhật chống chọi khủng hoảng trong lĩnh vực sản xuất ôtô tốt hơn, dù doanh số của hãng giảm 11% trong năm 2008. Từ vị trí thứ 5 năm ngoái, Toyota rớt xuống hạng 10, nhưng vẫn là nhà sản xuất ôtô hàng đầu thế giới trong bảng xếp hạng lần này.
Trong lĩnh vực rất nhạy cảm là ngân hàng, Lehman Brother biến mất khỏi danh sách. Ngạc nhiên lớn nhất là Dexia trở thành ngân hàng hàng đầu và vươn lên ba thứ hạng (16). Tuy nhiên, trong năm 2008, ngân hàng Pháp-Bỉ này đã bị dính sâu vào cuộc khủng hoảng tín dụng dưới chuẩn và thua lỗ đến hơn 3 tỉ euro. Thực tế có vẻ nghịch lý này cũng là trường hợp của ING Group, chiếm vị trí thứ 8 dù thua lỗ rất nặng (99,3 tỉ đô la) và được chính phủ ra tay cứu giúp.
Nước Đức có 39 doanh nghiệp trong bảng xếp hạng, kém Pháp đúng 1 doanh nghiệp. Dẫn đầu doanh nghiệp Pháp là Total (hạng 6), Dexia (16) và Carrefour (25). Tập đoàn điện lực Pháp EDF, vừa thành công trong việc phát hành trái phiếu vay vốn, xếp hạng thứ 57.
Tấn Lộc
TBKTSG
|