Sau khủng hoảng là tổng thể các giải pháp cần được tiến hành
Quan tâm đến thị trường nội địa, đa dạng hoá thị trường và mặt hàng xuất khẩu để phát triển thương mại; bên cạnh đó cần chú ý đến việc cơ cấu lại từng doanh nghiệp để tái cấu trúc nền kinh tế.
Tìm các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu là vấn đề được các nhà kinh tế quan tâm, đưa ra câu trả lời tại hội thảo diễn ra ngày 9/7, tại Hà Nội.
Bài toán xuất khẩu
Theo nhận định, chiều hướng chung là giá hàng xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm, kể cả hàng nông sản, nguyên liệu… do lượng cầu của thị trường thế giới co rút lại.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú, do các thị trường chính là Mỹ, EU và Nhật Bản giảm nhu cầu nhập khẩu (hiện chiếm khoảng 60% tổng trị giá xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam) đã gây khó khăn rất lớn cho Việt Nam trong việc tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới để bù đắp cho sự sụt giảm này...
Còn nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan thì phân tích, kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất – nhập khẩu. Vì thế, muốn ra khỏi suy thoái, Việt Nam phải chú trọng các biện pháp tăng cường xuất khẩu mà không vi phạm các qui định của WTO. Việc cần tập trung là phải thay đổi cơ cấu hàng hoá. Đây không phải là việc có thể làm trong một sớm, một chiều. Vì thế phải xem xét lĩnh vực nào hồi phục, thị trường nào hồi phục trước thì đẩy mạnh loại hàng hoá đó. Phát triển hàng nông sản là một ví dụ mà chúng ta đã làm tốt trong thời gian qua. Chúng ta chủ trương đa dạng hoá thị trường là đúng đắn, nhưng hướng quan tâm chủ yếu vẫn là châu Âu, Mỹ.
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú thừa nhận, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trong giai đoạn hiện nay khi mà kinh tế thế giới đang suy thoái nghiêm trọng là một khó khăn thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Để đẩy mạnh xuất khẩu, chính phủ cần nỗ lực thực hiện các giải pháp xúc tiến xuất khẩu quốc gia nhằm mở rộng và chuyển hướng thị trường xuất khẩu, thực hiện chính sách thuế ưu đãi, khuyến khích hỗ trợ xuất khẩu, áp dụng tỷ giá hối đoái linh hoạt theo tín hiệu thị trường... trong khi các doanh nghiệp cần tích cực, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, kể cả những hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước để có thể tồn tại và phát triển trong những thử thách khắc nghiệt của điều kiện thị trường khủng hoảng.
Nguy cơ hàng ngoại "lấn sân"
Theo ông Vũ Khoan, khi kinh tế phục hồi, nguy cơ nhập siêu lớn trở lại là rất dễ xảy ra. Sản xuất trong nước và thế giới hồi phục dẫn đến các mặt hàng tăng giá, các nước có tiềm lực hơn sẽ “nhào” vào thị trường Việt Nam. Chính vì vậy, biện pháp phòng ngừa trong tình hình hiện nay là rất quan trọng.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, nhập siêu là một mối lo, cần có biện pháp khống chế. Các nhà xuất khẩu nước ngoài sẽ nhắm vào thị trường Việt Nam, là một thị trường tương đối lớn. Có khả năng họ sẽ bán phá giá hoặc tổ chức những chiến dịch qui mô lớn để đổ hàng vào Việt Nam, đặc biệt là hàng thặng dư Trung Quốc không xuất sang được các thị trường truyền thống sẽ tràn qua biên giới, theo đường không chính thức, với giá rẻ.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thêm vào tác động từ bên ngoài, chính sách tiền tệ, tín dụng, kiềm chế lạm phát trong năm 2008 đã đẩy lãi suất cho vay lên mức quá cao, trên 21%, trong suốt một thời gian dài, khiến các xí nghiệp không thể hoạt động bình thường, buộc phải huỷ rất nhiều hợp đồng xuất khẩu. Hậu quả không những là mất hợp đồng mà mất cả khách hàng, khó có thể khôi phục được. Hàng vạn xí nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động, sa thải lao động… Thời gian tới, nếu không có những chính sách đồng bộ, mạnh dạn và kịp thời để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa, e rằng lực lượng sản xuất của Việt Nam sẽ đi đến kiệt sức. Hàng ngoại từ mọi nguồn sẽ nhân cơ hội tràn vào với giá rẻ, nền kinh tế Việt Nam khó có thể bảo vệ được “sân nhà”.
Bám chặt thị trường nội địa
Ông Vũ Khoan cho rằng, chúng ta cần tiếp tục quan tâm đến thị trường nội địa. Thời gian vừa rồi chúng ta đã “nhắm” đúng, nhưng kinh tế phục hồi thì vẫn phải tiếp tục chăm sóc cho thị trường này một cách lâu dài, bền vững. Thị trường nội địa của Việt Nam rộng lớn, nhiều nước muốn xâm nhập vậy không có lý gì chúng ta lại bỏ trống. 6 tháng đầu năm, xuất khẩu giảm 10% nhưng tổng mức bán lẻ trên thị trường nội địa lại tăng 20% (tất nhiên bao gồm cả yếu tố giá). Một minh chứng nữa là du lịch nước ngoài giảm mạnh (19,1%) nhưng du lịch nội địa lại tăng gần 20%.
Chia sẻ quan điểm này, ông Bùi Kiến Thành thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Chúng ta quan tâm thị trường nước ngoài nhưng lại không quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ “sân nhà”. Thị trường nội địa là không gian sinh tồn của đất nước, là chiến trường chính mà các thế lực tài chính kinh tế thế giới tập trung để “tấn công” chúng ta.
Để giải bài toán thị trường nội địa, ông Bùi Kiến Thành cho rằng, cần hỗ trợ các hoạt động phát triển thị trường nội địa: nghiên cứu các mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu, các chủng loại hàng có khả năng phát triển mạnh trên thị trường nội địa; khuyến khích xí nghiệp chuyển đổi công suất và chủng loại hàng xuất khẩu để thích ứng với nhu cầu thị trường nội địa. Áp dụng những chính sách khuyến khích đầu tư thích hợp.
Cân nhắc kỹ hiệu quả gói kích thích kinh tế
“Tôi có cảm giác gói kích thích kinh tế vẫn mang tính cào bằng, chưa tạo sức ép đối với doanh nghiệp, chưa loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém” – nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói.
Làm rõ hơn ý kiến này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành phân tích: kết quả sau 5 tháng triển khai gói kích cầu hỗ trợ 4% lãi suất đã triển khai hơn 370.000 tỷ đồng được giải ngân. Tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đến cuối năm 2008 vào khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Như vậy, nếu số tiền cho vay theo gói kích cầu được chuyển vào sản xuất kinh doanh thì phải làm tăng dư nợ tín dụng lên khoảng 30%. Tuy nhiên, theo báo cáo dư nợ tín dụng chỉ tăng khoảng 17%, chứng tỏ phần lớn tiền đã quay ngược trở lại ngân hàng, dưới hình thức phổ biến là đảo nợ. Phần còn lại, một lượng lớn đã được đầu tư vào thị trường chứng khoán để lướt sóng kiếm lời trong ngắn hạn.
Tiền kích thích kinh tế được đầu tư lướt sóng vào chứng khoán?
Ông Bùi Kiến Thành cho rằng, thực trạng khó khăn của doanh nghiệp vẫn còn nguyên và gánh nặng rủi ro của hệ thống ngân hàng chỉ được đẩy lùi trong một thời gian ngắn. Rồi đây, những số nợ vay được hỗ trợ lãi suất sẽ phải hoàn trả ngân hàng bằng những nợ vay mới với lãi suất không được hỗ trợ. Với cuộc chiến tăng lãi suất huy động đang diễn ra giữa các ngân hàng thì chưa biết mặt bằng lãi suất mới sẽ là bao nhiêu. “Chính sách của Chính phủ có nguy cơ bị lợi dụng và mục tiêu của chính sách rất khó đạt được” – ông Bùi Kiến Thành nói.
Về gói kích cầu thứ hai với 20.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất theo Quyết định số 443/QĐ-TTg, ông Bùi Kiến Thành cảnh báo: “Rồi đây cũng sẽ diễn biến theo gói thứ nhất”. Một trong những lý do chính là doanh nghiệp không thể triển khai các dự án phát triển kinh doanh với thời hạn vay 24 tháng. Do vậy, các số tiền được vay sẽ được dùng vào các mục đích ngắn hạn, chủ yếu là để đảo nợ ngân hàng, đầu tư vào chứng khoán để lướt sóng. Một số không nhỏ sẽ lách vào các hoạt động kinh doanh bất động sản để “giải cứu” những dự án đang đứng trước nguy cơ phá sản, biến thành nợ xấu đối với ngân hàng.
Và chúng ta cũng cần tính tới lộ trình giảm dần các giải pháp kích thích kinh tế. Kinh tế phục hồi thì không thể duy trì các giải pháp này, tránh sự ỷ lại của doanh nghiệp.
Cơ cấu lại từng đơn vị kinh tế nhỏ nhất
Cơ cấu lại doanh nghiệp là vấn đề lớn mà chúng ta chưa chú ý đúng mức. Nếu chúng ta không củng cố lại các doanh nghiệp thì không thể cơ cấu lại được nền kinh tế – ông Vũ Khoan đã thẳng thắn chỉ ra. Thế nhưng, khủng hoảng không có nghĩa là không lối thoát, không có cơ hội phát triển. Theo TS Đinh Văn Ân, bối cảnh khủng hoảng tài chính thế giới và suy thoái kinh tế toàn cầu cũng là cơ hội thử thách tính hiệu quả và khả năng thích nghi của các doanh nghiệp nước ta. Trước đây, xuất khẩu của nước ta chủ yếu đi theo trào lưu mở rộng chung của thương mại thế giới, chứ chưa phải do cải thiện đáng kể khả năng cạnh tranh. Cũng do trào lưu ấy, các doanh nghiệp chủ yếu tận dụng khả năng cạnh tranh hiện có chứ chưa thực sự nhìn nhận các vấn đề quản trị doanh nghiệp, tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đầu tư vào công nghệ và đào tạo kỹ năng cho lao động.
Doanh nghiệp là tế bào của nền kinh tế
Khủng hoảng tài chính thế giới lần này đã kéo theo suy thoái kinh tế toàn cầu và đặt thêm nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp nước ta. Do đó, các doanh nghiệp nước ta phải thực hiện các biện pháp nghiêm túc, hiệu quả hơn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn. Rõ ràng, từ góc độ phát triển kinh tế-xã hội điều này nên được nhìn nhận là một cơ hội cho cải thiện năng lực cạnh tranh ở cấp độ doanh nghiệp mà cuộc khủng hoảng tài chính thế giới mang lại.
Theo phân tích của TS Đinh Văn Ân, khả năng cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là không nhỏ. Trước hết, cuộc khủng hoảng đặt ra các vấn đề liên quan đến quản trị rủi ro ở trình độ phát triển doanh nghiệp cao hơn. Các vấn đề này hiện chưa được thể hiện hoặc chưa rõ ở các doanh nghiệp nước ta./.
Vũ Hạnh
VOV
|