Thứ Sáu, 10/07/2009 06:39

Sức mua nội địa ngày càng tăng

Cuộc khủng hoảng là cơ hội để cân bằng thị trường nội địa và xuất khẩu. Các con số cho thấy thị trường nội địa đang có dung lượng rất đáng kể.

Thị trường nội địa có sức mua ngày càng tăng. Qua đợt khủng hoảng vừa rồi cho thấy thị trường nội địa là nơi có thể hỗ trợ cho khắc phục khó khăn” - nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã nhận định như vậy tại hội thảo “Hướng tới các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu” tổ chức hôm qua, ngày 9-7 tại Hà Nội. Hội thảo này do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Quốc hội tổ chức.

Đẩy mạnh xuất khẩu

Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, chúng ta cần có những giải pháp để tiến hành ngay khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi. Thúc đẩy xuất khẩu là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Ông Khoan phân tích: Dù sao đi nữa nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tùy thuộc đáng kể vào thị trường thế giới ở cả xuất khẩu lẫn vốn, công nghệ, nguyên vật liệu... Do đó hướng ưu tiên cần được dành cho các lĩnh vực này. Theo đó, các doanh nghiệp (DN) đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nối lại quan hệ với các bạn hàng cũ và tìm kiếm bạn hàng mới.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Gia Túc, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng hàng hóa của Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 200 nước trên thế giới nhưng trên 80% giá trị hàng hóa tập trung tại Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu... Trước mắt vẫn cần chú trọng và duy trì kim ngạch xuất khẩu đối với các thị trường này nhưng cần chủ động nghiên cứu, mở rộng đến các thị trường mới như châu Á, châu Phi, Nam Mỹ...

Để có thể tranh thủ được những cơ hội mới mở ra trong thời “hậu khủng hoảng”, ông Vũ Khoan lưu ý, các DN cần phải theo dõi sát sao xem nước nào, lĩnh vực nào hồi phục trước để chủ động tiếp cận chiếm lĩnh thị trường. Khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu, tuy nhiên do thu nhập của dân cư các nước nhập khẩu giảm sút nên việc xuất khẩu hàng hóa giá rẻ, hàng nông, thủy sản, thực phẩm... có cơ hội tăng trưởng.

“Còn về chính sách, nhà nước nên đặc biệt chú trọng khuyến khích xuất khẩu thông qua các cơ chế thuế, lãi suất, tỷ giá, xúc tiến thương mại, thủ tục hải quan, cải thiện hạ tầng cơ sở để từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và kéo cả nền kinh tế đi lên” - ông Khoan đề xuất.

Tập trung vào thị trường nội địa

Bên cạnh việc tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu, theo ông Vũ Khoan, chúng ta nên quan tâm đến thị trường nội địa. Vừa qua trong thời kỳ khủng hoảng, chúng ta đã chú trọng hơn đến thị trường nội địa. Nhưng khi kinh tế phục hồi thì đừng nên lơi lỏng mà cần coi đây như một hướng đầu tư lâu dài và cơ bản. Muốn vậy cần phải tiến hành các biện pháp đồng bộ, từ việc nâng cao ý thức của người tiêu dùng đến cải tiến mẫu mã, chất lượng, hạ giá thành, hình thành tỷ giá thỏa đáng, mở rộng hệ thống phân phối, quảng bá hàng hóa lẫn các loại hình dịch vụ trong nước.

“Thị trường nội địa có sức mua ngày càng tăng. Ví dụ: sáu tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu giảm 10% nhưng tổng mức bán lẻ trong nước tăng trên 20%; doanh thu từ du lịch nước ngoài giảm 4% nhưng từ du lịch nội địa thì tăng 14%. Rõ ràng những con số trên cho thấy thị trường nội địa có dung lượng rất đáng kể. Thực tế chúng ta có rất nhiều biện pháp thúc đẩy xuất khẩu nhưng các biện pháp để phát triển thị trường xuất khẩu còn rất thiếu. Do vậy, chúng ta cần phải có kế hoạch đồng bộ để phát triển thị trường nội địa” - ông Khoan kiến nghị.

Ông Thái Tuấn Chí, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn, cho rằng cuộc khủng hoảng lần này cũng chính là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng cân bằng thị trường nội địa và xuất khẩu. Để khuyến khích phát triển thị trường nội địa, ông Chí đề xuất: Bộ Tài chính nên mở rộng chính sách cho vay vốn đầu tư kinh doanh, lưu chuyển đồng vốn tạo lợi nhuận; tiếp tục chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 50% các mặt hàng tiêu dùng để thông qua đó DN có thể giảm giá bán các sản phẩm của mình tại thị trường nội địa. Đồng thời, Chính phủ cũng nên ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho nông thôn, làm kho tàng cho DN, phát triển hệ thống phân phối...

Giảm dần gói kích thích kinh tế

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận định các biện pháp kích thích kinh tế vừa qua có thể còn mang tính cào bằng, chưa thực sự thúc đẩy quá trình cơ cấu lại DN theo hướng hiệu quả hơn. Hay nói cách khác gói kích thích kinh tế chưa được dùng để tạo sức ép cơ cấu lại các DN, loại bỏ các DN hoạt động không có hiệu quả và hỗ trợ cho các DN làm ăn có lợi nhuận. Cho đến nay, chưa có thông tin nào về việc cơ cấu lại các DN này. Nếu như không cơ cấu lại các DN thì sẽ không thể cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế.

Cũng theo ông Khoan, lộ trình giảm thiểu các biện pháp kích thích kinh tế là cần thiết khi suy thoái kinh tế tan dần. Tuy nhiên, không nên chấm dứt việc bù lãi suất quá nhanh, quá mạnh sẽ gây ra sự hụt hẫng đối với các DN.

Lê Thanh

Pháp luật

Các tin tức khác

>   Hướng tới một vùng kinh tế phát triển năng động (10/07/2009)

>   90% hàng hóa bán ở Metro là của VN (10/07/2009)

>   Nhà triệu đô vẫn bán chạy (10/07/2009)

>   Doanh nghiệp có thêm quyền định đoạt giá xăng (10/07/2009)

>   Chưa đồng thuận phương án “đường bay vàng” (10/07/2009)

>   Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và đầu tư tại Lào (10/07/2009)

>   Việt Nam tăng xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may (10/07/2009)

>   DN xăng dầu trì hoãn giảm giá (10/07/2009)

>   Doosan cấp thiết bị cho nhà máy Nhơn Trạch II (09/07/2009)

>   Nhà máy chế biến Kaolin công suất 50.000 tấn (09/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật