Thứ Năm, 23/07/2009 10:12

Sabeco: Ngổn ngang tái cơ cấu

Sau hơn một năm ĐHCĐ thành lập Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), DN này vẫn đang trong quá trình chuyển đổi hoạt động từ DNNN sang CTCP. Quá trình này đặt ra yêu cầu Sabeco phải tái cơ cấu hoạt động trên mọi lĩnh vực...

Cắt lỗ đầu tư tài chính

Khoản đầu tư tài chính gần 900 tỷ đồng nhưng không được trích lập dự phòng giảm giá là vấn đề gây tranh cãi giữa cổ đông nhỏ và ban lãnh đạo Sabeco tại ĐHCĐ. Lãnh đạo Sabeco quyết định không trích lập dự phòng, mặc dù thừa nhận các khoản đầu tư này thực hiện chủ yếu trong giai đoạn còn là DNNN và một số khoản đầu tư đến thời điểm này chỉ bán được với giá một nửa. Lý do là Kiểm toán Nhà nước không đồng ý cho Sabeco lập dự phòng trong năm 2007 vì sợ làm mất vốn nhà nước. Năm 2008 do có 4 tháng đầu năm vẫn là DNNN nên Sabeco không dám trích lập dự phòng cho cả năm. Ý kiến của kiểm toán và cổ đông nhỏ là phải làm theo chuẩn mực kế toán, Sabeco cần trích lập dự phòng đầy đủ kể từ thời điểm ĐHCĐ thành lập Tổng CTCP xong. (Nếu dự phòng đầy đủ thì kết quả kinh doanh năm 2008 sẽ không hoàn thành kế hoạch như báo cáo). Nhưng câu trả lời của ông Lê Bá Thi, Chủ tịch HĐQT Sabeco là: “Nếu không làm đúng yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước, chúng tôi sẽ bị khởi tố ngay”. Việc trích lập dự phòng sẽ được Sabeco thực hiện trong năm 2009, đồng thời có chủ trương bán cắt lỗ một số khoản đầu tư để tập trung vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh khác có hiệu quả hơn.

Theo ông Thi, nếu bán hòa vốn các khoản đầu tư tài chính thì HĐQT quyết định được, nhưng nếu bán lỗ thì cần sự ủng hộ của cổ đông lớn là Nhà nước, cụ thể là Bộ Công Thương. “Như khoản vốn góp vào Quỹ đầu tư Việt Nam, một quỹ lớn nhất Việt Nam bây giờ bán chỉ được một nửa”, ông Thi nói. Nếu không bán, Sabeco không có nguồn lực để đầu tư vào lĩnh vực chiến lược như rượu và nước giải khát, đòi hỏi phải đầu tư dài hạn, sau vài năm mới bắt đầu có lãi. Sabeco cũng cần vốn để mua lại vốn cổ phần của các công ty nhỏ ở những vùng trọng điểm. Sabeco cần cân bằng hoạt động đầu tư tài chính và hoạt động truyền thống, thay vì hoạt động như một công ty đầu tư tài chính hiện nay.

Theo báo cáo của Ban kiểm soát Sabeco: “Tổng công ty cần xem xét, đánh giá lại việc thành lập và điều hành Quỹ đầu tư Sabeco. Chúng ta không có chuyên môn trong lĩnh vực đầu tư tài chính, một lĩnh vực đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao và có độ rủi ro lớn”.

Ngổn ngang vấn đề quản trị

Việc xây dựng các quy chế, quy định để vận hành bộ máy tổ chức Tổng công ty chậm, do có những ý kiến khác nhau trong HĐQT và ban điều hành. Có những vấn đề đã nhờ đến tư vấn, nhưng có thành viên HĐQT cho rằng, tư vấn không đúng. Có dự thảo quy chế, quy định đến ba, bốn lần vẫn chưa thể thông qua. Mới đây nhất, quy chế làm việc của HĐQT chỉ được thông qua sau 13 lần dự thảo.

Bộ phận kế toán và tài chính của Sabeco đang có vấn đề. Hai bộ phận kế toán và tài chính tách rời nhau, độc lập với nhau về tổ chức đã không phục tùng nhau trong nhiệm vụ nên chia cắt về thông tin, số liệu, thậm chí số liệu kế toán còn bị khóa chặt dưới yêu cầu bảo mật thông tin. Sabeco đang tìm kiếm một giám đốc tài chính phụ trách luôn bộ phận kế toán.

Hiện nay, việc lập báo cáo kế toán ở Sabeco luôn chậm, số liệu bị chỉnh sửa nhiều lần, không những không đáp ứng được yêu cầu về quản trị điều hành, mà độ chính xác thông tin kế toán còn là vấn đề đáng ngại. Điều này có thể dẫn đến hệ quả về mặt pháp lý, nhất là sau khi niêm yết, Sabeco phải đáp ứng điều kiện công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 25 ngày sau khi kết thúc quý.

Theo ông Thi, đây là những vấn đề quản trị mà cá nhân ông còn nể nang trong quá trình xử lý. Nhưng ông cũng cho rằng, đó là vấn đề bình thường của một tổ chức trong quá trình chuyển đổi, vấn đề là phải kiểm soát được và kiên quyết xử lý trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc Sabeco cho biết, trong quá trình tái cơ cấu tổng thể hoạt động, Sabeco đang tìm kiếm đối tác chiến lược để bán bớt phần vốn nhà nước. Tuy nhiên, khi còn nhiều sự ngổn ngang trong quản trị doanh nghiệp, Sabeco có thể phải mất một thời gian dài mới thực hiện được mục tiêu này.

Sabeco có cải thiện được EPS?

Với kế hoạch kinh doanh năm 2009, chưa tính đến ảnh hưởng của trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) của Sabeco dự kiến là 1.700 đồng/CP - một mức khá thấp so với quy mô và tầm cỡ DN như Sabeco, khiến các cổ đông đặt câu hỏi, Sabeco có khả năng tăng EPS lên bao nhiêu?

Ông Minh nhận định, với điều kiện hiện nay, Sabeco có thể đạt lợi nhuận 50% vốn điều lệ trong vài năm tới. Còn hiện tại, tỷ suất lợi nhuận trên vốn khó có thể cải thiện do vốn điều lệ quá lớn trên tổng tài sản. Bởi lẽ, trong thời kỳ là DNNN, với hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận để lại hàng năm nên Sabeco đầu tư chủ yếu bằng vốn tự có, không sử dụng vốn vay, nhưng khi định giá doanh nghiệp để cổ phần hóa, toàn bộ phần vốn đầu tư này phải chuyển thành vốn điều lệ, đẩy vốn điều lệ lên tới 6.400 tỷ đồng.        

Các khoản đầu tư cần trích lập dự phòng của Sabeco theo ý kiến loại trừ của KPMG tại  thời điểm 31/12/2008

Dự phòng giảm giá các khoản đầu tư dài hạn thời điểm 31/12/2008 xấp xỉ 49,061 tỷ đồng, theo đó giá trị ghi sổ của các khoản đầu tư và lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm này phải giảm tương ứng.

KPMG lưu ý Sabeco mua cổ phiếu của Ngân hàng Phương Đông và Đông Á với tư cách cổ đông chiến lược, nên không được tự do chuyển nhượng trước 31/12/2009. Sabeco cũng mua chứng chỉ Quỹ thành viên Vietcombank 3 và Quỹ đầu tư Việt Nam, chỉ được chuyển nhượng khi công ty quản lý quỹ chấp thuận. Sabeco không lập khoản dự phòng nào cho các cổ phiếu và chứng chỉ quỹ này. Tại thời điểm 31/12/2008, giá trị thị trường ước tính của các cổ phiếu và chứng chỉ quỹ này thấp hơn giá gốc 285,169 tỷ đồng.

Thành Nam

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN 

Các tin tức khác

>   Cá nhân được góp 10% vốn điều lệ ngân hàng (23/07/2009)

>   Niêm phong 8 tấn thịt heo của Vinafood chờ tiêu hủy (22/07/2009)

>   Hoàn thiện định chế quản lý DN "hậu cổ phần hóa" (22/07/2009)

>   CTCP Sách - Thiết bị Giáo dục Bình Dương nộp hồ sơ đăng ký niêm yết tại HNX (22/07/2009)

>   Ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu BTC trên thị trường UPCoM (22/07/2009)

>   Vinafreight công bố nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2009 (22/07/2009)

>   HICC1: Báo cáo tài chính tóm tắt năm 2008 (22/07/2009)

>   HICC1: Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2009 (22/07/2009)

>   DIC Corp: Báo cáo tài chính chi tiết hợp nhất quý II năm 2009 (22/07/2009)

>   Ngân hàng Mỹ Xuyên nâng vốn điều lệ lên 1,000 tỷ đồng (22/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật