Hoàn thiện định chế quản lý DN "hậu cổ phần hóa"
Bên cạnh việc đảm bảo tiến độ đến ngày 1/7/2010, tất cả các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp thì việc quản lý hiệu quả phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp sau cổ phần hóa cũng cần quan tâm.
Quản lý doanh nghiệp "hậu cổ phần hóa" là một trong những vấn đề trọng tâm được đặt ra tại buổi làm việc ngày 22/7 của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì.
Đến nay, chúng ta còn có 1.546 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, bao gồm 7 công ty mẹ - Tập đoàn nhà nước, 11 tổng công ty 91, 77 tổng công ty 90, 421 doanh nghiệp thành viên 100% vốn của tập đoàn, 1.026 công ty nhà nước độc lập, 3 ngân hàng thương mại và tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước.
Với số lượng doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như trên, việc đảm bảo tất cả các doanh nghiệp này đều được chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp từ ngày 1/7/2010 dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty THHH đòi hỏi trước tiên phải tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là tổ chức, nếu chủ sở hữu bổ nhiệm từ 2 người trở lên làm đại diện ủy quyền thì cơ cấu tổ chức quản lý sẽ có Hội đồng thành viên (HĐTV) với quyền quyết định tăng hay giảm vốn điều lệ, sửa đổi điều lệ, bầu, miễn nhiệm Chủ tịch HĐTV, tổ chức lại, giải thể công ty...
Đối với công ty 100% vốn nhà nước thì giao những quyền này cho HĐTV là lớn. Đến nay, Chính phủ mới có Nghị định quy định về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, sau khi chuyển đổi, doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, chưa có quy định về thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với loại hình công ty này.
Do đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu hoàn thiện cơ chế, chính sách, mở rộng đường cho việc chuyển đổi, sắp xếp các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đúng thời hạn.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nghiên cứu, soạn thảo Nghị định về thực hiện quyền và nghĩa vụ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và đánh giá việc thực hiện Nghị định 95/2006/NĐ-CP về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.
Nghị định 109/2007/NĐ-CP về chuyển công ty 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần cũng cần nghiên cứu sửa đổi, trong đó tập trung nghiên cứu quy định về việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược, bán cổ phần ưu đãi cho người lao động, đa dạng phương thức cổ phần hóa, xác định giá trị quyền sử dụng đất và lợi thế vị trí địa lý.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, cần phải có định chế hoàn thiện hơn để quản lý doanh nghiệp sau chuyển đổi, cổ phần hóa. Bởi, chuỗi công việc "hậu kỳ" đó vừa nhiều và phức tạp như việc bổ nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp thế nào hay việc cổ phần hóa tiếp theo đối với phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp.
"Việc quản lý doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa, chuyển đổi, sắp xếp thiếu chặt chẽ dẫn tới hậu quả khó lường", Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng lưu ý.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu kiện toàn Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp và lập kế hoạch kiểm tra công tác cổ phần hóa, chuyển đổi, sắp xếp các doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn trình bày, năm 2008, chúng ta đã thực hiện sắp xếp được 190 doanh nghiệp, đạt 35% kế hoạch, trong đó cổ phần hóa 98 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp đạt 25% kế hoạch. Số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2008 tuy không nhiều nhưng trong số đó có 11 doanh nghiệp có vốn nhà nước từ 100 tỷ đồng trở lên.
Sáu tháng đầu năm 2009, sắp xếp được 63 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 20 doanh nghiệp, chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 33 doanh nghiệp.
Đức Tuân
Chính Phủ
|