Nhận diện đúng vấn đề và tìm giải pháp phù hợp
Từ những vấn đề cụ thể minh chứng sự khác biệt của tác động từ khủng hoảng kinh tế lên nền kinh tế các nước trên thế giới và Việt Nam, tác giả đề xuất cách tìm biện pháp ứng phó phù hợp với tình hình.
Với kinh tế trong nước, trước tiên cần xác định, tình trạng suy thoái kinh tế tại Việt Nam là do bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ và khủng hoảng kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, cần nhận rõ một sự thật rằng khủng hoảng có thể là của thế giới nhưng vấn đề thì của riêng mỗi nước. Và điều gì gọi là kinh nghiệm tại Mỹ chỉ có thể là bài học chung về kinh tế khủng hoảng, chứ không thể (không nên) bê nguyên xi về làm “bài học kinh nghiệm” cho Việt Nam.
Do không có vấn đề chung nên việc đi tìm lời giải, đưa ra giải pháp hay các biện pháp ứng phó sẽ cần dựa trên thực tế. Chẳng hạn, trong khi thanh khoản là một trong các vấn đề gay gắt của Mỹ và nhiều nước phương Tây trong quá trình khủng hoảng toàn cầu, thì ở Việt Nam vấn đề này diễn ra nhanh, mang tính cục bộ xảy ra trước thời điểm được ghi nhận khủng hoảng toàn cầu (trước tháng 9-2008).
Hoặc, cũng gọi là thất nghiệp, nhưng cách giải quyết có hiệu quả của Việt Nam có thể không phải là (hay không chỉ có) trợ cấp hay lệ thuộc ở nguồn cung việc làm mới mà là các biện pháp phát triển kinh tế nông thôn và khuyến khích hoạt động kinh tế gia đình.
Một vấn đề khác, để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, thay vì chỉ đơn giản kích cầu bằng cách bơm tiền cho mảng doanh nghiệp này, ta sẽ tập trung hỗ trợ họ đầu ra, tức thị trường, mà thị trường nội địa là một nhánh quan trọng. Trong đó đặc biệt không thể xem nhẹ thị trường nông thôn trong nước.
Chẳng phải chuyện mới mẻ, nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước cũng đã đề cập đến giải pháp đẩy mạnh việc phát triển quy mô thị trường trong nước. Nhưng từ ý tưởng đến việc triển khai thế nào để thị trường nội địa có độ lớn như mong đợi, nhằm phục vụ cho sản xuất nội địa (xin nhấn mạnh là phục vụ cho sản xuất nội địa), sẽ cần các biện pháp tập trung và bước đi thật cụ thể.
Biện pháp tập trung và bước đi cụ thể cần được chú trọng và nên bắt đầu ngay là thị trường nông thôn. Đây là thị trường lớn trong nước với hơn 60 triệu người tiêu dùng. Gọi là tiêu dùng, nhưng định hướng phát triển không chỉ chú trọng “tiêu” mà cần đạt được năng lực vừa “cung” vừa “tiêu”.
Cho dù chưa phải là mô hình có thể học tập, hoạt động kinh tế hương trấn của Trung Quốc gần đây là một trường hợp đáng tham khảo. Điều cần nhắc lại là không nên nghĩ đơn giản xuất khẩu không được thì bán trong nước. Vì rất dễ có chuyện xuất khẩu không được mà bán trong nước cũng không xong.
Cũng không thể dùng phương tiện hay cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu để sản xuất hàng tiêu thụ nội địa. Đó là do giá cả, mẫu mã, quy cách, vật liệu, bao bì đóng gói, liều lượng, thành phần... Yêu cầu kỹ thuật, công nghệ và cơ cấu hàng cũng là các yếu tố có tính quyết định.
Giả định, có một nhà máy chuyên sản xuất dụng cụ gia đình để xuất khẩu và nay muốn bán hàng cho thị trường trong nước, thì xét theo phân khúc, trong đó có vấn đề phẩm cấp và “gu” (thị hiếu thẩm mỹ), có thể nói điều kiện sản xuất và cơ cấu hàng xuất hiện tại của nhà máy đó chỉ phù hợp tối đa 30% dân số tiêu dùng trong nước, chủ yếu dừng lại ở lớp thị dân.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của 70% còn lại họ sẽ cần điều chỉnh và tổ chức lại nhiều khâu sản xuất, sản phẩm và phân phối thích hợp. Việc này lệ thuộc vào khả năng xoay xở thích ứng của doanh nghiệp là chính, nhưng chính sách trợ giúp hay chủ trương khuyến khích từ phía chính phủ sẽ có ý nghĩa quyết định. Do những yêu cầu đặc thù và nhiều lý do khác, hoạt động sản xuất hàng phục vụ thị trường nội địa hầu như nền kinh tế nào cũng có. Nhật Bản hay Thái Lan chẳng hạn, hàng nội địa của họ thường có đặc điểm phân biệt khá rõ.
Việc quân bình hoạt động xuất khẩu và tiêu thụ nội địa giúp hóa giải tình trạng hụt hẫng kinh tế quốc gia trong các giai đoạn thị trường thế giới bị co cụm, đồng thời sẽ khắc phục được tình trạng “bỏ trống sân nhà” cho hàng ngoại tung hoành như thực tế lâu nay.
Ngoài ra, việc phát triển nội thương qua tiếp cận chú trọng kinh tế nông thôn còn là cách nâng cao phúc lợi cho đại đa số dân chúng nước ta đang ở nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo. Đây có thể là bước đệm cần thiết để sàng lọc cho quá trình tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa.
Với tín dụng, tài chính chứng khoán, các sản phẩm có tính công cụ trong các thị trường cao cấp, là lĩnh vực có độ chuyên sâu cao và yêu cầu cân não, đòi hỏi cần có sự nghiên cứu nghiêm túc. Vấn đề đặt ra là sự tiếp cận bài bản, hiểu biết thấu đáo, khả năng trang bị sâu, thay vì là dị ứng cảm tính, thận trọng cho chắc ăn, tự an bài hay né tránh phức tạp.
Việc tích cực chuẩn bị và có lộ trình ưu tiên chọn lọc triển khai là cách hành xử khôn ngoan mà nhiều nước quanh ta đã làm. Điều nghịch lý (và chính đây có thể là vấn đề) là trong khi ta chậm hay ngại triển khai các sản phẩm có tính công cụ hay nghiệp vụ cơ bản để tăng cường hiệu quả hoạt động cho các định chế tài chính nói chung, thì sự vận dụng hay cách làm “na ná” ăn theo thị trường thế giới lại đang phổ biến và có đất sống tốt...
Vấn đề thất nghiệp
Nền kinh tế công nghiệp hóa càng cao thì người làm việc càng cần có tay nghề chuyên biệt, tình trạng sinh kế của họ mặc nhiên dựa vào công việc và nghề nghiệp đặc thù do đó cũng có sự lệ thuộc cao. Đặc điểm gắn kết hệ thống này làm cho bất cứ một diễn biến suy thoái kinh tế nào cũng lập tức đẩy một bộ phận người lao động vào chỗ khó khăn bế tắc.
Khi công suất cỗ máy kinh tế giảm thì việc làm sẽ thiếu, người làm việc bị dôi ra, sinh kế dừng lại, nhưng cuộc sống của họ thì không thể dừng lại. Thất nghiệp do đó đối với họ như tai họa, là điều khủng khiếp... Nếu kể thêm tập quán “xài trước trả sau” và tình trạng tiết kiệm (việc để dành phòng xa) thấp ở Âu - Mỹ thì thất nghiệp đối với các nước này là vấn đề lớn, có khi rất lớn và nan giải.
Ở ta có khác. Nền kinh tế chỉ mới ở giai đoạn chuyển đổi, công nghiệp còn ở mức thấp, cơ cấu nông nghiệp nông thôn chiếm phần lớn (70%), tiểu thủ công nghiệp và kinh tế gia đình phổ biến. Người lao động, đặc biệt là công nhân và người làm việc chân tay, có thể chuyển dịch công việc dễ dàng.
Với cuộc sống đơn giản, nhu cầu không cao, đa số họ lại là những người đi ra từ các vùng quê, tuy làm việc tại các thành phố hay khu công nghiệp nhưng cuộc sống của họ nhìn chung vẫn gắn với quê nhà, kinh tế gia đình vẫn còn là chỗ dựa.
Thất nghiệp với nhiều người Việt Nam do vậy có thể nhẹ nhàng hơn. Họ sẵn sàng về quê, phụ việc nhà, quay lại với công việc ruộng đồng hay thủ công mỹ nghệ khi bị mất việc. Nói vậy không có nghĩa ta xem nhẹ các yêu cầu về chính sách, không chú trọng điều chỉnh linh hoạt các hoạt động kinh tế đáp ứng và thích ứng (để giảm nhẹ khó khăn cho người lao động, hóa giải tình trạng thời vụ hay điều hòa nhu cầu lao động).
Khả năng tự xoay xở và thích ứng cao của người lao động cho thấy tình hình thất nghiệp ở ta (và ngay như ở Trung Quốc là nước có sự tương đồng) vào đầu năm nay dù cũng khá cao nhưng không quá căng thẳng. Đây là một thực tế.
Trong hơn ba tháng đầu năm nay, cụ thể là sau Tết Kỷ sửu, số công nhân trở lại tại nhiều doanh nghiệp may và công trường xây dựng chỉ còn khoảng một nửa. Thậm chí nhiều nơi chỉ là khoảng một phần ba, bởi trước khi nghỉ Tết họ đã biết tình hình...
Một chủ doanh nghiệp may thuộc loại khá, có xưởng tại Bình Thạnh và quận 9, nửa than nửa mừng với người viết bài này rằng, không ngờ ra Tết các em trở lại làm việc chỉ khoảng một phần ba. Và khác với mọi năm, năm nay anh không dám đưa xe về các tỉnh để đón công nhân lên. Anh cho vậy là “cũng hay”, vì vào thời điểm đầu năm, đơn hàng của anh chỉ còn khoảng một phần ba so với năm trước.
Khả năng “tự xử” của người lao động là tốt, nhưng cùng lúc có thể là điều khó khăn cho doanh nghiệp. Trường hợp thiếu hụt lao động diễn ra tại nhiều khu công nghiệp phía Nam gần đây là một ví dụ khá kịch tính. Không lâu sau các thông tin dồn dập về tình trạng cắt giảm lao động và lo ngại thất nghiệp gia tăng vào cuối 2008 đầu 2009, thì đầu tháng 6-2009, nhiều doanh nghiệp sản xuất đóng tại các khu công nghiệp ở Bình Dương và Đồng Nai bỗng thiếu lao động gay gắt.
Các doanh nghiệp buộc phải cạnh tranh thu hút, làm cho chi phí thuê lao động (tiền lương) có nơi tăng đột biến. Nguyên nhân do tình hình sản xuất và xuất khẩu tại nhiều doanh nghiệp được cải thiện sớm hơn dự liệu, nhu cầu lao động tăng nhanh, trong khi cung lao động không đáp ứng kịp.
Thực trạng trên đây cũng cho thấy, hoạt động sản xuất thâm dụng lao động với nguồn lao động rẻ, tay nghề không cao, có thể tiềm ẩn các rủi ro liên quan đến ổn định nói chung.
Huy Nam
TBKTSG
|