Thứ Bảy, 11/07/2009 11:44

Phương án giá điện giờ cao điểm: Bất bình đẳng với DN!

Rất nhiều DN cho rằng giá điện cao điểm buổi sáng (từ 9h-11h) tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương lại cho rằng mức tăng chi phí tiền điện trên tổng chi phí sản xuất hoặc tổng doanh thu của DN khi áp dụng cơ chế giờ cao điểm mới là rất nhỏ.

Trao đổi với DĐDN ông Phan Lê Kim - GĐ Cty Sao Nam cho rằng, hai phương án mà Bộ Công Thương trình lên Chính phủ thực chất chỉ là một bài toán cũ và những số liệu thống kê của Bộ Công Thương không phản ánh đúng thực tế.

- Bộ Công Thương đã trình với Chính phủ hai phương án xử lý giá điện giờ cao điểm. Phương án 1 là điều chỉnh giá điện giờ cao điểm sáng (9-11h) đối với những DN có quy mô nhỏ, sử dụng cấp điện áp từ 35/22 kV trở xuống. Mức giảm tối đa không quá 20% giá điện giờ cao điểm hiện hành. Phương án thứ hai là giữ nguyên mức giá và cách tính hiện đang áp dụng. Từ thực tế của DN ông nhận định thế nào về các phương án này ?

Sở dĩ Bộ Công Thương phải đưa ra các phương án điều chỉnh là do phản ứng từ dư luận cũng như bức xúc của DN. Tuy nhiên tôi thấy cả hai phương án trên chưa đi vào bản chất vấn đề. Phương án thứ hai giữ nguyên như cũ thì không phải bàn, vì DN đã “kêu” rất nhiều. Phương án thứ nhất nếu được áp dụng sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và các DN với nhau. Điều này đi ngược lại xu hướng chung và những nỗ lực mà VN cam kết khi tham gia WTO. Đó là tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Bên cạnh đó rất khó để đưa ra các tiêu chí DN có quy mô nhỏ. Nhiều DN quy mô nhỏ nhưng thậm chí còn tiêu thụ điện lớn hơn nhiều lần DN lớn. Chính vì vậy, theo tôi nghĩ, thực ra có thể đây là cái cớ mà Bộ Công Thương đưa ra để tạo phản biện trong xã hội nhằm loại trừ phương án này để trở về với cách tính đang áp dụng. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc Bộ Công Thương đã đưa ra một “bài toán” luẩn quẩn.

- Theo Bộ Công Thương, mức tăng chi phí tiền điện trên tổng chi phí sản xuất hoặc tổng doanh thu của DN khi áp dụng cơ chế giờ cao điểm mới là rất nhỏ. Cụ thể tỷ lệ tăng đối với các DN thuộc ngành xi măng là từ - 0,04 % - 1,72%, với ngành thép là 0,004 %... ông đánh giá thế nào về các con số thống kê trên ?

Tôi không hiểu phương pháp thống kê và cách thức thống kê của Bộ Công Thương như thế nào nhưng việc đưa ra tỷ lệ giá điện tăng trong tổng chi phí sản xuất của các DN là không đúng và không trúng, thiếu tính thuyết phục. Điện chỉ là một trong những yếu tố cấu thành sản phẩm và đối với những sản phẩm mà giá điện chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ thì việc tăng chi phí tiền điện trên tổng chi phí sản xuất cũng phải nhỏ, nhưng nó không đồng nhất với mức tăng chi phí tiền điện thấp.

So sánh mức tăng chi phí tiền điện trên tổng chi phí sản xuất chắc chắn sẽ ra một con số thấp hơn nhiều nếu so sánh mức tăng chi phí giữa cách tính và giá điện mới với giá điện cũ. Phải chăng Bộ Công Thương đã cố tình đi lạc hướng bởi điều mà các nhà sản xuất quan tâm. Đó chính là tỷ lệ tăng giá điện theo cách tính mới và cách tính cũ. Riêng về việc tăng giá điện có ảnh hưởng như thế nào tôi chỉ xin đưa ra một số phép tính.

Thứ nhất: so sánh cách tính giá điện mới so với cũ sẽ thấy, nếu DN tiêu thụ 1 kW/h thì trong một ngày làm việc bình thường (8 tiếng) sẽ là (6x950 đ (giá mới) + (2x1.900) = 9.500 đ. Trong khi đó nếu tính theo giá cũ sẽ là 8 x 895 đ = 7.160 đ. Như vậy mức chênh lệch sẽ là 9.500 - 7.160= 2.340 đ, tương đương với mức tăng trên 32%.

Thứ hai: so sánh mức tăng giá điện giữa các mức giờ hiện tại với cách tính cũ là: giờ bình thường từ 895 đ/kW lên 950 đ/kW tương đương với 6,1%; giờ cao điểm 1.770 đ/kW lên 1.900 đ/kW tăng 7,3% giờ thấp điểm 505 đ/kW lên 550 đ/kW tăng 8,9%.

Thứ ba: nếu tính đủ 3 ca thì mức tăng sẽ là 15% giữa cách tính giá mới và giá cũ.

Phần lớn các DN từ trước đến nay đều sản xuất 2 hoặc 3 ca và với một số phép tính mà tôi đưa ra thì khó có thể nói là cách tính giá điện mới không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của DN và mức tăng không đáng kể.

- Vậy theo ông trong bối cảnh hiện nay nên áp dụng phương pháp tính giá điện như thế nào cho hợp lý ?

Việc đưa ra cách tính mới chẳng qua cũng nhằm làm giảm áp lực đối với ngành điện. Nhưng cũng cần phải tính đến các yếu tố mang tính thực tiễn.

Hầu hết các DN hiện nay đều phải hoạt động trong giờ hành chính tức là 8 tiếng, nhưng theo quy định mới trong 8 tiếng đó lại có hai tiếng từ 9-11h là áp giá điện theo giờ cao điểm. Mà như phân tích ở trên cách làm này khiến cho chi phí điện tăng trên 32% so với trước. Theo tôi trong bối cảnh các DN gặp nhiều khó khăn như hiện nay Bộ Công Thương nên dừng triển khai cách tính giá điện giờ cao điểm vào buổi sáng từ 9-11h.

- Xin cảm ơn ông.

Ông Phạm Xuân Hồng - GĐ Cty CP may Sài Gòn 3, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may VN:

Tốt nhất là giảm giá điện khoảng 10% giá hiện nay, và giảm đồng đều cho tất cả các DN. Nếu theo phương án 1- giảm 20% giá điện giờ cao điểm sáng cho DN nhỏ, sử dụng điện áp 35/22KVA trở xuống... sẽ phát sinh các vấn đề rắc rối như phải nộp hồ sơ, thậm chí phải chạy chọt để được giảm giá... Ông Hồng nhấn mạnh, điều DN mong muốn nhất vẫn là không bị cúp điện.

Ông Nguyễn Văn Đạo - GĐ Cty CP thủy sản Gò Đàng (Tiền Giang):

Cách giảm giá điện theo phương án 1 chỉ dành cho DN nhỏ, sản xuất một cas, mua điện 35/22KVA... thì mới được giảm là cách rắc rối. Ngoài ra, cách giảm giá điện theo PA 1 không giúp gì cho các DN nhiều lao động, cần hỗ trợ như dệt may, chế biến nông sản bởi các DN này không thể đạt các tiêu chí DN vừa và nhỏ (có dưới 100 LĐ, vốn nhỏ hơn 10 tỷ đồng...). Trong khi các DN này dùng nhiều điện, có nhiều LĐ nên trách nhiệm xã hội rất lớn, nếu các DN này bị khó khăn sẽ ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội.

Phan Nam

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

Các tin tức khác

>   Bang Maryland mở văn phòng thương mại tại VN (11/07/2009)

>   Xem xét khả năng giảm giá xăng (11/07/2009)

>   Lập quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp (11/07/2009)

>   Thái Lan và Việt Nam sẽ đẩy mạnh hợp tác xuất khẩu gạo (11/07/2009)

>   Siêu thị miễn thuế nhộn nhịp trở lại (11/07/2009)

>   Thúc đẩy hàng quá cảnh của nước bạn Lào qua cảng Vũng Áng (11/07/2009)

>   Thêm khu đô thị mới ở phía Tây Hà Nội (11/07/2009)

>   Tập trung hoá để qua khủng hoảng (11/07/2009)

>   Hàng giả ngày càng nhiều (11/07/2009)

>   Xuất khẩu hoa: Nhiều nỗ lực vượt qua khủng hoảng (11/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật