Thứ Ba, 14/07/2009 16:04

Nhận diện 3 vấn đề ngành ngân hàng phải đối mặt

Là ngành đầu tiên trong số 15 ngành được Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đề cập trong Báo cáo triển vọng ngành công bố cuối tuần qua, ngành ngân hàng được phân tích với nhiều góc cạnh thuận lợi và thách thức. Vị thế, khả năng kinh doanh và kết quả 2009 dự kiến của 3 ngân hàng lớn đang niêm yết là VCB, STB và ACB cũng được SSI đề cập chi tiết trong Bản báo cáo này. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Những diễn biến chính trong nửa đầu năm 2009

Đầu năm, tín dụng tăng chậm do những khó khăn chung của nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 0,6% và 1,1% trong tháng 1 và 2. Cuối tháng 2, nhờ có gói hỗ trợ lãi suất, hoạt động tín dụng đã tăng trưởng nhanh hơn. Đến cuối tháng 6/2009, tổng dư nợ tín dụng đã tăng 17,01% so với cuối năm 2008. Mặc dù thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (tăng 17,53%) nhưng xét trong bối cảnh kinh tế suy thoái, mức tăng trưởng này là một dấu hiệu tốt.

Tăng trưởng huy động VND khá ổn định và khá tương thích với tăng trưởng tín dụng nên đã đảm bảo thanh khoản tốt trên thị trường. Hết 6 tháng, tổng huy động của toàn hệ thống tăng 16,2%, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng 0,81%. Hiện tượng tăng trưởng huy động thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng đã gây sức ép nhất định lên lãi suất huy động VND.

Lãi suất huy động VND có xu hướng tăng bắt đầu từ tháng 2. Vào tuần cuối cùng của tháng 6, lãi suất huy động đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm. Các NHTM cổ phần có xu hướng tăng lãi suất huy động nhanh hơn so với NHTM nhà nước. Mức lãi suất huy động cao nhất là của Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa với 10,2%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.

Ba vấn đề ngành ngân hàng phải đối mặt

Trong nửa cuối năm 2009, tín dụng sẽ tiếp tục có mức tăng trưởng khá. Cơ sở cho đà tăng trưởng tín dụng tiếp tục là gói hỗ trợ lãi suất. Tính đến ngày 2/7/2009, vốn hỗ trợ lãi suất đã giải ngân được 372.000 tỷ đồng, tương đương 57% kế hoạch. Như vậy, từ giờ đến cuối năm sẽ có khoảng 280.000 tỷ đồng vốn hỗ trợ lãi suất tiếp tục được giải ngân.

Để đề phòng khả năng lạm phát quay trở lại, Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm 2009 là dưới 30%. Như vậy, room cho mức tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng sẽ ở khoảng 13%. Với mức tăng trưởng thấp hơn so với nửa đầu năm, đà tăng trưởng tín dụng của các NHTM sẽ bị ảnh hưởng. Với thị phần lớn, NHTM nhà nước sẽ tiếp tục vai trò trong việc kìm giữ tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành.

Trong nửa cuối năm, có 3 vấn đề lớn mà các ngân hàng sẽ phải đối mặt như sau:

Thứ nhất, đó là sự co hẹp của lợi nhuận lãi biên do lãi suất huy động đang có xu hướng tăng. Lãi suất huy động bình quân toàn hệ thống hiện đã lên tới 8,26%/năm so với mức 7,99%/năm của tháng 5/2009. Lãi suất cho vay bình quân là 10,26%/năm. Mức chênh lệch đầu vào - đầu ra của đồng vốn, như vậy, chỉ là 2 điểm phần trăm/năm.

Thứ hai, sau khi tín dụng tiêu dùng được nới lỏng nhờ cơ chế lãi suất thỏa thuận vào tháng 1, nhiều NHTM đã đẩy nhanh cho vay tiêu dùng để tăng nguồn thu từ lãi. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đến cuối tháng 5/2009 là 85.000 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cuối năm 2008. Kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, có một lượng tiền từ cho vay tiêu dùng được sử dụng vào mục đích khác, trong đó có đầu tư chứng khoán và bất động sản. Vào giữa tháng 6  vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu NHTM tự kiểm tra về hoạt động cho vay tiêu dùng và vì vậy, tín dụng tiêu dùng sẽ có xu hướng bị thắt chặt hơn trong nửa cuối 2009 kéo theo nó là nguồn thu từ lãi có khả năng suy giảm.

Thứ ba, nợ xấu tiếp tục là mối quan ngại. Nợ xấu vào cuối tháng 5/2009 của toàn hệ thống là 3,85% trên tổng dư nợ, tương đương với khoảng 56.500 tỷ đồng, tăng 30% so với cuối năm 2008. Nợ xấu tăng khá nhanh là do những khó khăn kinh tế vĩ mô. Tính chung tổng dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán và bất động sản đến cuối tháng 4/2009 là 155.000 tỷ đồng, chiếm 11% tổng dư nợ (tỷ lệ này ở thời điểm cuối năm 2008 là 13,7%). Nhưng thực tế con số này có thể cao hơn nhiều.

Thực trạng các ngân hàng niêm yết

Hiện tại, 4 NHTM đang niêm yết là VCB, STB trên HOSE và ACB, SHB trên HNX. SHB là một NHTM nhỏ, mới chuyển đổi từ ngân hàng nông thôn lên ngân hàng đô thị nên còn có khá nhiều rủi ro đầu tư. Ba ngân hàng còn lại VCB, STB và ACB đều là những ngân hàng hàng đầu và cũng là trụ cột của TTCK Việt Nam.

Trong 3 ngân hàng trên, VCB có những lợi thế riêng, là cơ sở rất tốt cho sự phát triển bền vững, đó là quy mô, thương hiệu, nguồn khách hàng, hệ thống hạ tầng công nghệ, đội ngũ nhân sự, vốn góp tại nhiều tổ chức kinh tế lớn và đặc biệt là vị trí số 1 về thanh toán quốc tế và thẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên, với nguồn gốc là một NHTM nhà nước, VCB cũng có một số vấn đề liên quan đến quản trị DN và quản trị rủi ro. Tỷ lệ nợ xấu của VCB năm 2008 khá cao, 4,6%, trên mức trung bình của thị trường là 3,5%. Năm 2009, dự báo các nguồn thu chính của VCB như lợi nhuận lãi, lợi nhuận từ kinh doanh ngoại hối đều giảm và làm giảm tổng thu nhập của VCB.

Nếu VCB kiểm soát tốt chi phí hoạt động và đặc biệt là giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng thì nhiều khả năng VCB sẽ đạt 4.308 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2009, tăng 29,6% so với năm 2008.

ACB mặc dù nhỏ hơn VCB nhưng lại là một ngân hàng có mức tỷ suất lợi nhuận trên vốn (ROE) cao nhất trong hệ thống ngân hàng. Có được điều này là vì ACB đã đa dạng hóa hoạt động kinh doanh và có chính sách quản trị rủi ro rất tốt. ACB với chính sách cho vay cẩn trọng nên có tỷ lệ nợ xấu rất thấp (dưới 1%). Ngoài nguồn thu từ lãi, ACB còn có nguồn thu ổn định từ phí giao dịch vàng, chứng khoán và lợi nhuận từ kinh doanh vàng, chứng khoán. Lợi nhuận trước thuế của ACB năm 2009 dự báo là 3.179 tỷ đồng, tăng 24,2%.

Nếu so sánh với VCB và ACB thì STB không bằng về quy mô, mức sinh lời và chất lượng quản trị. Tuy nhiên nếu so sánh với các NHTM cổ phần khác, STB có những lợi thế nhất định. Sacombank có mạng lưới chi nhánh đứng thứ 4 tại Việt Nam, chỉ sau 3 NHTM Nhà nước là Agribank, BIDV và Vietinbank. STB có thị phần khá tốt ở mảng khách hàng người Hoa và khách hàng DN vừa và nhỏ. STB cũng là một thương hiệu được nhiều người biết đến và cũng đa dạng hóa hoạt động sang kinh doanh vàng và chứng khoán, mặc dù hiệu quả chưa cao. Sau năm 2008 kém hiệu quả và tăng trưởng âm, dự báo năm 2009, hoạt động kinh doanh của STB sẽ khả quan hơn. Các nguồn thu từ lãi, phí, kinh doanh vàng và chứng khoán đều sẽ có đóng góp tốt. Dự báo lợi nhuận trước thuế của STB năm 2009 là 1.921 tỷ đồng, tăng 73% so với 2008.

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   HoSE chấp thuận cho Mekongfish niêm yết 8.1 triệu cổ phiếu (14/07/2009)

>   PRUBF1: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng trong kỳ (14/07/2009)

>   VFMVF4: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng trong kỳ (14/07/2009)

>   HAG lãi 781 tỷ đồng, hoàn thành 68% kế hoạch năm (14/07/2009)

>   Đại gia bán lẻ thời trang Hàn Quốc rót vốn vào dệt may VN (14/07/2009)

>   Nhiều doanh nghiệp tự tin về đích (14/07/2009)

>   Thị trường cần nhiều tiếng nói (14/07/2009)

>   630 tỉ đồng ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật trên xa lộ Hà Nội (14/07/2009)

>   Ai đang gom cổ phiếu bất động sản ? (14/07/2009)

>   Khó có chuyện xả hàng khi cổ phiếu Vietinbank chào sàn (14/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật