Thị trường cần nhiều tiếng nói
Gần đây, một số ý kiến cho rằng, CTCK không nên đưa ra nhận định thị trường hàng ngày và nghi ngờ chất lượng, động cơ của những nhận định này cũng như những phân tích khác. Tuy nhiên, hơn 90% nhà đầu tư ở Việt Nam là nhà đầu tư nhỏ lẻ, tự ra quyết định kinh doanh và cho đến nay chỉ có CTCK là tổ chức tư vấn phù hợp cho họ.
Hiện nay, trong số hơn 100 CTCK có tổng cộng 51 CTCK có nghiệp vụ tự doanh, với tổng vốn điều lệ khoảng 18.000 tỷ đồng, chiếm hơn 5% tổng vốn hóa của thị trường. Nếu xét về giá trị giao dịch thì số vốn đó chỉ đủ cho khoảng 10 ngày giao dịch. Đấy là chưa kể đa số CTCK đều thua lỗ trong năm 2008, nghĩa là tiền còn lại để đầu tư thực tế ít hơn rất nhiều.
Nhà đầu tư lớn trên thị trường chính là quỹ đầu tư. Tính riêng 3 quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam là Dragon Capital, Vina Capital và Indochina Capital thì từng có tổng quy mô là gần 5 tỷ USD, gấp 5 lần số vốn trên của các CTCK. Ngoài ra, các tổ chức đầu tư lớn trong nước như PVFC, Bảo Việt, các ngân hàng thương mại, công ty tài chính… có tổng quy mô vốn đầu tư vào chứng khoán ước tính lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng.
CTCK hiện nay đều có xu hướng tăng nguồn thu từ dịch vụ, nên tìm mọi cách để tăng lượng khách hàng mở tài khoản giao dịch thường xuyên. Ước tính sơ bộ, một CTCK phải cần khoảng 5.000 tài khoản giao dịch mới có thể thu đủ bù chi. Nếu CTCK tư vấn sai, có động cơ xấu, 5.000 khách hàng của CTCK sớm muộn cũng nhận ra và tẩy chay thì CTCK sẽ sống nhờ vào đâu?
Trên thế giới đã từng tranh cãi về chất lượng tư vấn đầu tư giữa ngân hàng đầu tư, được cho là đại diện bên bán và quỹ đầu tư, được cho là đại diện bên mua. Bên bán có thể có động cơ muốn thị trường lên, còn bên mua có động cơ muốn thị trường xuống. Do đó, nhận định của công ty trung lập, độc lập, chẳng hạn như Standards & Poor, được đánh giá cao hơn.
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện chưa có một công ty độc lập nào thực hiện tư vấn đầu tư. TTCK Việt Nam còn non trẻ, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc phát triển các tổ chức này.
Dễ hiểu là khi thị trường có khoảng trống như vậy, mà CTCK lại có động lực phục vụ khách hàng, nên hoạt động tư vấn đầu tư của CTCK nhiều hơn hẳn quỹ đầu tư.
Ở Việt Nam, phần lớn nhà đầu tư cá nhân đều tự quyết định đầu tư của mình mà không ủy thác cho một tổ chức kinh doanh chứng khoán nào. Điều đó cho thấy, nhà đầu tư nhỏ lẻ cần được tư vấn và cần được hướng dẫn về xu hướng thị trường như thế nào.
Ngoài ra, phần lớn nhà đầu tư nhỏ lẻ đều có tâm lý đám đông. Nếu nhiều CTCK đưa ra các nhận định khác nhau, sẽ giúp nhà đầu tư gia tăng tính phản biện, lập luận để đi đến quyết định đầu tư phù hợp. Thực tế thời gian qua, nhiều CTCK đưa ra nhận định thị trường, có khi trái ngược nhau lại là nguồn thông tin phong phú để nhà đầu tư tham khảo. TTCK sẽ phát triển lành mạnh hơn vì có nhiều tiếng nói, không có tiếng nói chi phối thị trường.
Anh Quân
đầu tư chứng khoán
|