Thứ Hai, 13/07/2009 16:46

Người nuôi cá tra lại “lên ruột”

Dù đang vào vụ thả nuôi cá nhưng nhiều chủ ao ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long quyết định treo ao sau khi có thông tin sản phẩm cá tra lại bị phía Mỹ làm khó.

Ở các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ đang có hàng ngàn nông dân quyết định nghỉ “treo ao”. Tại hợp tác xã (HTX) nuôi thuỷ sản xã Hoà Hưng, huyện Cái Bè (Tiền Giang), ông Lê Thanh Dung, chủ nhiệm, cho biết toàn HTX có hơn 20ha mặt nước nuôi cá nhưng đến nay đã có hơn 50% bị xã viên bỏ trống. “Thông tin cá tra vào thị trường Mỹ bị làm khó đã ngay lập tức tác động xấu đến HTX, nhiều doanh nghiệp chế biến từ chối mua cá dù giá cá nguyên liệu đã hạ xuống dưới 15.000đ/kg”, ông Dung than thở.

Ở Đồng Tháp, thạc sĩ Dương Nghĩa Quốc, phó giám đốc sở NN&PTNT, cũng cho biết nhiều chủ ao đã quyết định không tiếp tục thả cá giống, chờ xem động tĩnh của chuyện này ra sao. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay toàn tỉnh có trên 300ha ao nuôi cá tra đang bị bỏ trống (trong tổng số hơn 1.300ha mặt nước nuôi cá). Trong khi đó ở An Giang, theo ông Lê Chí Bình, phó chủ tịch hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thuỷ sản, toàn tỉnh có hơn 1.100ha mặt nước nuôi cá nhưng đã có hơn 50% bị bỏ trống.

Diễn biến này khiến các cơ quan hữu trách hết sức lo ngại về việc thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Tại Đồng Tháp, ông Dương Nghĩa Quốc cho biết 15 nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu của tỉnh chỉ hoạt động 60% công suất, tương tự ở An Giang, nguyên nhân là không đủ nguồn nguyên liệu.

Theo ông Quốc, tuy sức tiêu thụ của thị trường Mỹ chỉ chiếm khoảng 5% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam (năm 2008 xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ đạt 80 triệu USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu 1,5 tỉ USD của mặt hàng này), nhưng sự tác động khá lớn. “Một điều không thể phủ nhận, sở dĩ sản phẩm cá tra Việt Nam lâu lâu lại bị phía Mỹ gây khó dễ là do các công ty của mình thường cạnh tranh “giết nhau”, chào bán hàng với giá quá thấp, nên bị hiệp hội những người nuôi cá da trơn phía họ phản ứng. Hậu quả là khi không bán được hàng, người nuôi cá của mình chịu nhiều thiệt thòi nhất”, ông Quốc nói.

Giới chuyên môn cho rằng, muốn con cá tra Việt Nam xuất khẩu ổn định, thì các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản phải ngồi lại với nhau, bàn biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thêm thị trường và xây dựng thương hiệu quốc tế cho sản phẩm cá tra Việt Nam. Nếu không có được tiếng nói chung, nghề nuôi cá tra của đồng bằng sông Cửu Long cứ mãi ngụp lặn trong sự o ép của bạn hàng nước ngoài.

Hùng Anh

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   Quy định điều kiện thi công công trình đặc biệt (13/07/2009)

>   Truy thu tiền thuê đất do chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính (13/07/2009)

>   Kịch bản nào cho thị trường thức ăn chăn nuôi 2009? (13/07/2009)

>   Không xáo động thị trường bất động sản (13/07/2009)

>   Kích cầu “không giống ai” để tránh bẫy thanh khoản (13/07/2009)

>   Kinh tế Việt Nam: Vững vàng đi trên... “dây” (13/07/2009)

>   Sẽ tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp xuất khẩu (13/07/2009)

>   Căn hộ dịch vụ cho thuê cạnh tranh với... khách sạn (13/07/2009)

>   Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trưởng âm 5,6% (13/07/2009)

>   Giá bán lẻ trong nước có giảm? (13/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật