Không xáo động thị trường bất động sản
4 năm qua, cả nước chỉ có 140 trường hợp Việt kiều được chính thức đứng tên sở hữu nhà.
Đó là nhận định của ông Trần Hòa Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM. Ông Phương cho rằng từ ngày 1/9 tới, khi nhiều đối tượng được phép mua nhà ở tại Việt Nam theo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật Nhà ở và Điều 121 Luật Đất đai, sức mua từ Việt kiều cũng không bật lên đáng kể. Nguyên nhân theo ông Phương là do Việt kiều nào có điều kiện thì thực chất họ đã mua từ trước đó và để cho người thân đứng tên. Khi luật có hiệu lực thì họ sẽ hợp thức hóa sang tên chủ quyền nhà. Trong 4 năm qua, cả nước chỉ có 140 trường hợp Việt kiều được chính thức đứng tên sở hữu nhà.
Ông Phương cũng nhận định: “Luật được sửa đổi theo hướng thông thoáng hơn trước rất nhiều, mở rộng diện Việt kiều được mua nhà, người có quốc tịch Việt Nam thì đương nhiên được mua nhà ở tại Việt Nam. Quan trọng nhất là phải nhanh chóng có nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch (có hiệu lực từ ngày 1/7/2009). Khi đó, bà con kiều bào mới có thể đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, trên cơ sở đó họ mới đứng tên mua nhà được”.
Trong tháng 7 này, Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM sẽ phối hợp Sở Tư pháp TP.HCM và Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP.HCM tổ chức một buổi giải đáp thắc mắc về những quy định của Luật Quốc tịch năm 2008 cho bà con kiều bào.
Cho đến giờ vẫn chưa có văn bản hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật Nhà ở và Điều 121 Luật Đất đai. Ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết: “Do chưa có nghị định nên chưa rõ thủ tục, trình tự về việc Việt kiều mua nhà ở tại Việt Nam ra sao, mẫu giấy chứng nhận giống hay khác với mẫu giấy dành cho người Việt Nam ở trong nước”…/.
PHÁP LUẬT
|