Thứ Hai, 13/07/2009 13:53

Kịch bản nào cho thị trường thức ăn chăn nuôi 2009?

Thị trường thức ăn chăn nuôi của Việt Nam khá lớn, hàng năm nhập khẩu tới trên 1,5 tỉ đô la Mỹ nguyên liệu. Trong những tháng vừa qua, thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam đang nóng một cách đáng lo ngại; Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cảnh báo giá thức ăn chăn nuôi có thể tiếp tục tăng thêm 20%. Nếu xu hướng này trở thành hiện thực, ngành chăn nuôi Việt Nam và cả ngành thủy sản sẽ chịu một sức ép lớn...

Tuy nhiên, theo báo cáo ngành thức ăn chăn nuôi quí 2 của Trung tâm Thông tin nông nghiệp và phát triển nông thôn (AGROINFO), có nhiều khả năng thị trường thức ăn chăn nuôi sẽ không có đột biến lớn vào cuối năm nay.

Tính đến ngày 15-5-2009, tình hình gieo trồng cây đậu tương và bắp phục vụ nhu cầu chế biến thức ăn chăn nuôi đều tăng trưởng tương đối so với cùng kỳ năm 2008.

Theo đó, diện tích gieo trồng bắp năm tháng đầu năm 2009 của cả nước đạt hơn 715.000 héc ta, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2008. Diện tích của cây đậu tương cũng tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng diện tích đạt 129.800 héc ta. Sức tăng mạnh của giá đậu tương và tình hình thời tiết thuận lợi là những nguyên nhân giúp người dân yên tâm đầu tư thêm vốn và kỹ thuật, tăng diện tích gieo trồng đậu tương.

Ngoài ra, theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vụ đông xuân 2008-2009 cả nước thu hoạch khoảng 18 triệu tấn lúa, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Với mức sản lượng này, nguồn cung nguyên liệu cám cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi trong cả nước trong nửa cuối năm sẽ vào khoảng 2,4-2,52 triệu tấn.

Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi năm tháng đầu năm 2009 đạt khoảng 832 triệu đô la Mỹ, giảm 27,84% so với cùng kỳ năm trước; trong đó giảm nhiều nhất quí 1 với mức 37,81% so với cùng kỳ năm 2008.

Có thể nhận thấy tác động rõ nét của cuộc khủng hoảng kinh tế từ cuối năm 2008 đối với tình hình nhập khẩu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam. Tháng 1-2009, nhập khẩu giảm mạnh nhất, chỉ đạt hơn 90 triệu đô la Mỹ, tức là chưa bằng 45% so với tháng 1-2008.

Theo báo cáo ngành thức ăn chăn nuôi quí 2 của AGROINFO, dấu hiệu hồi phục nhập khẩu mạnh rơi vào khoảng tháng 4-2009, nhờ sự hỗ trợ đáng kể của Thông tư giảm thuế nhập khẩu số 77/2009/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành và các gói kích cầu của Chính phủ. Tuy nhiên, sang tới tháng 5, có hai nguyên nhân chính khiến số lượng và kim ngạch nhập khẩu bị chững lại.

Thứ nhất , giá thế giới của đa số các mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi liên tục biến động mạnh. Đầu tháng 5-2009 đánh dấu chu kỳ tăng giá mới của đa số các mặt hàng như khô đậu tương, bắp... nên các doanh nghiệp Việt Nam muốn dừng lại nghe ngóng tình hình và quan sát diễn biến của thị trường. Thứ hai , khó khăn trong việc tiếp cận ngoại tệ khiến nhiều doanh nghiệp quyết định tạm ngừng nhập khẩu. Bởi, nếu tiếp tục ký hợp đồng mới, các doanh nghiệp hoặc sẽ phải đối mặt với rủi ro về tỷ giá hoặc có thể bị mất khả năng thanh toán.

Nếu xét theo chiều hướng khác, tình hình nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi năm tháng đầu năm 2009 khá tương đồng với cùng kỳ năm 2008 khi kim ngạch đột ngột giảm vào tháng 5 sau khi tăng liên tục trong các tháng trước đó. Như vậy, cũng có khả năng đến tháng 6, tháng 7-2009 nhập khẩu sẽ tăng trở lại khi người dân bắt đầu tái đàn kéo theo nhu cầu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh giống như diễn biến năm 2008.

Theo dự báo mới nhất của ERS/USDA, giá bắp Mỹ sau khi tăng cao đỉnh điểm lên mức hơn 4,4 đô la/bushel trong các tháng đầu năm 2009 sẽ giảm xuống còn 3,9-4 đô la/bushel trong vòng từ nay cho tới năm 2010 và duy trì mức giá đó trong các niên vụ sau, tức là vẫn cao hơn 35-40% so với giá các niên vụ từ năm 2007 trở về trước. Theo đó, giá bắp Chicago các tháng cuối năm 2009 cũng sẽ dao động trong khoảng 360-390 đô la/tấn, giảm 8-10% so với cùng kỳ năm 2008 do cuối năm là thời điểm bán tháo của các quỹ trên thị trường. Cùng chung xu hướng, giá khô đậu tương Ấn Độ cũng có thể giảm xuống dưới 400 đô la/tấn.

Trong khi đó, tại thị trường ngoại hối trong nước, nếu đến quí 4 mà ngoại tệ vẫn khan hiếm, doanh nghiệp buộc phải nhập hàng khi dự trữ cạn, chi phí đầu vào bị đẩy lên cao sẽ khiến giá trong nước không cùng nhịp với giá thế giới, mà sẽ tăng mạnh một cách đáng lo ngại.

Thị trường thế giới biến động bất thường trong khi khó khăn tài chính vẫn đè nặng lên các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi Việt Nam. Liệu giá thức ăn chăn nuôi trong nước sẽ trải qua một đợt tăng giá mới hay lại suy giảm như cuối năm 2008? Theo nhận định của AGROINFO, rất có thể cả hai kịch bản trên đều sẽ không xảy ra, thay vào đó là sự ổn định của thị trường khi giá thế giới bắt đầu giảm.

Phan Hồng Liên - Phạm Quang Diệu

TBKTSG online

Các tin tức khác

>   Không xáo động thị trường bất động sản (13/07/2009)

>   Kích cầu “không giống ai” để tránh bẫy thanh khoản (13/07/2009)

>   Kinh tế Việt Nam: Vững vàng đi trên... “dây” (13/07/2009)

>   Sẽ tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp xuất khẩu (13/07/2009)

>   Căn hộ dịch vụ cho thuê cạnh tranh với... khách sạn (13/07/2009)

>   Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trưởng âm 5,6% (13/07/2009)

>   Giá bán lẻ trong nước có giảm? (13/07/2009)

>   Chương trình phát triển cao su tại Campuchia: “Vướng” nhiều thứ (13/07/2009)

>   Hà Nội xử lý hơn 500 dự án nhận đất để "ngâm" (13/07/2009)

>   Nhà máy điện gió Tuy Phong sắp phát điện (13/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật