Ngành dược: Vững vàng!
Tổng nhu cầu tiêu dùng thuốc năm 2008 đạt 1,426 tỷ USD, tăng 25,4% so với mức 1,136 tỷ USD năm 2007. Ngành dược Việt Nam đạt mức tăng trưởng 2 con số, trung bình 20 -29%/năm trong giai đoạn 2003 - 2008.
Thị trường liên tục tăng trưởng
Tiêu chuẩn sống của người Việt Nam ngày càng tăng đã làm tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Cụ thể, nhu cầu tiêu dùng thuốc trên đầu người tăng từ 6 USD năm 2001 lên 16,45 USD năm 2008 và dự kiến đạt 25 USD vào năm 2015. Tổng nhu cầu tiêu dùng thuốc năm 2008 đạt 1,426 tỷ USD, tăng 25,4% so với mức 1,136 tỷ USD năm 2007. Ngành dược Việt Nam đạt mức tăng trưởng 2 con số, trung bình 20 -29%/năm trong giai đoạn 2003 - 2008.
Các công ty sản xuất trong nước không ngừng mở rộng
Năm 2008, giá trị sản xuất thuốc trong nước tăng 19,1% so với năm 2007, đạt 0,715 tỷ USD, tương đương 50,2% tổng nhu cầu tiêu thụ. Theo quy định của Bộ Y tế, tất cả các nhà máy sản xuất thuốc đều phải đạt tiêu chuẩn WHO GMP trước ngày 1/1/2010. Vì thế, các nhà sản xuất dược phẩm trong nước đã liên tục đầu tư để nâng cấp và xây dựng nhà máy cũng như cơ sở sản xuất. Tới cuối năm 2008, có 89 nhà máy đã đạt tiêu chuẩn WHO GMP, bao gồm 67 nhà máy có vốn đầu tư trong nước và 22 nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài.
Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào ngành dược ngày càng tăng
Trong năm 2008, có 68 công ty dược nước ngoài đăng ký hoạt động, nâng tổng số công ty dược nước ngoài ở Việt Nam lên 438 công ty. Các nhà máy sản xuất thuốc có vốn đầu tư nước ngoài đã đầu tư 40 dây chuyền sản xuất mới bên cạnh 230 dây chuyền sản suất cũ. Năng lực sản xuất của các nhà máy này chiếm khoảng 22% tổng năng lực sản xuất thuốc trong nước. Các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong ngành dược gồm có: Ấn Độ (98 doanh nghiệp, tương đương 22,4%), Hàn Quốc (45 doanh nghiệp, tương đương 10,3%), Trung Quốc (41 doanh nghiệp, tương đương 9,4%)…
Hệ thống phân phối - lợi thế của các công ty trong nước
Theo cam kết gia nhập WTO, Chính phủ Việt Nam đang dần dần tự do hóa ngành dược. Đặc biệt, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài được phép nhập khẩu thuốc trực tiếp từ ngày 1/1/2009. Tuy nhiên, họ chưa được phép phân phối thuốc tại Việt Nam. Vì thế, hệ thống phân phối là một lợi thế của các công ty trong nước.
Kế hoạch đầy tham vọng thúc đẩy nguồn cung trong nước
Theo lộ trình phát triển ngành dược của Cục Quản lý dược Việt Nam tới năm 2015, nguồn cung dược phẩm ở Việt Nam đạt 40% trong năm 2007, 60% trong năm 2010 và 80% vào năm 2015. Như đã đề cập ở trên, nguồn cung trong nước hiện đạt 50,2% nhu cầu cả nước (năm 2008). Ngoài ra, thu nhập đầu người tăng cho phép người dân tăng chi tiêu vào dược phẩm. Với những thuận lợi từ kênh phân phối, hiểu biết sâu về thị trường cũng như nhu cầu khách hàng nội địa, các nhà sản xuất thuốc trong nước sẽ tiếp tục chiếm lĩnh thị trường dược ở Việt Nam.
Chúng tôi cho rằng, CTCP Dược phẩm Hậu Giang (DHG) và CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) là những công ty dược tiêu biểu đang niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.
* Bài viết có sự hợp tác của CTCK Kim Eng và chỉ mang giá trị tham khảo
Đầu tư chứng khoán
|