Vì sao chuyên gia thua “thầy bói”?
Sau một thời gian tăng nóng, chứng khoán có nhiều phiên giảm điểm. Quy luật thị trường đã được lập lại, tăng nóng, đầu tư theo cảm tính, kỳ vọng quá lớn vào sự phục hồi mà không dựa trên nền tảng thì phải điều chỉnh.
Có nhiều yếu tố hỗ trợ cho sự phục hồi kể từ tháng 3-2009: lạm phát lắng xuống, từ nhập siêu đã có lúc VN xuất siêu, kinh tế VN là một trong số ít quốc gia có tăng trưởng dương trong những quý đầu năm 2009, chứng khoán thế giới phục hồi.
Trên nền tảng đó, chứng khoán VN đã chứng kiến sự trở lại của nhiều nhà đầu tư lẫn dòng tiền còn mạnh hơn cả thời kỳ 2006-2007. Luồng tiền “nóng” từ khắp nơi đổ vào chứng khoán và đã liên tục tạo nên những kỷ lục cho lịch sử thị trường chứng khoán. Đã có những kỷ lục giao dịch được lập trong thời kỳ vốn vẫn còn nhiều khó khăn này.
Trong không khí sôi sục của thị trường, dự báo của nhiều chuyên gia đôi khi đã tỏ ra không thật sự chính xác bằng những “quẻ bói” chứng khoán của nhiều nhà đầu tư. Nhà đầu tư gần như “trăm trận trăm thắng” khi VN-Index thẳng tiến. Trong quý 2-2009 thị trường chứng khoán VN có mức tăng trưởng cao nhất châu Á và thứ hai thế giới (sau Ukraine). Chỉ sau một thời gian ngắn chỉ số đã tăng lên hơn gấp đôi, cá biệt nhiều mã còn tăng đến 4-5 lần. Điều đó cũng cho thấy tính nóng vội của nhà đầu tư trên thị trường. Cá biệt một số nhà đầu tư lại thích mua cổ phiếu được làm giá hơn là cổ phiếu có nền tảng kinh doanh tốt.
Tuy nhiên sau sự tăng nóng do đầu tư theo cảm tính, cuối cùng nhà đầu tư cũng phải trả giá. Thị trường không thể cứ tăng mãi 50%, 100% hoặc hơn thế nữa. Trong cơn say chiến thắng, lý tính đã không thắng nổi cảm tính, nhưng để đầu tư hầu hết nhà đầu tư không thể sống với cảm tính trong dài hạn được. Nhà đầu tư nước ngoài vẫn khá bình thản khi thị trường nóng, vì họ hiểu rằng còn rất nhiều cơ hội để đầu tư chứ không thể bất chấp tất cả để tranh nhau vài cơ hội đắt đỏ lúc này.
Nhiều nhà đầu tư chợt nhận ra rằng giá chứng khoán đã phục hồi và tăng cao hơn rất nhiều so với những gì đã và đang cũng như sẽ xảy ra trong nền kinh tế. Cảm tính của một bộ phận nhà đầu tư trong ngắn hạn đôi khi rất đắt đỏ khi một vài mã cổ phiếu không có được nền tảng tốt, tình hình làm ăn chưa khả quan mà giá thì như ở trên trời đã rớt nhanh hơn so với mã cổ phiếu của doanh nghiệp làm ăn bài bản. Kinh nghiệm cho thấy đôi lúc thị trường chứng khoán chiều những nhà đầu tư đầu tư theo cảm tính, nhưng lý tính bao giờ cũng tồn tại trên thị trường và có thể ở thời điểm này nó đang chế ngự thị trường.
Thạc sĩ ĐINH XUÂN TẤN ( TP Đà Nẵng )
Tuổi trẻ
|