Thứ Hai, 13/07/2009 11:28

Ngân hàng Việt Nam chưa hiểu biết đủ về quản trị rủi ro

Ông John Ditty, người đứng đầu dịch vụ tư vấn rủi ro tại KPMG Việt Nam, trả lời phỏng vấn TBKTSG về quản trị rủi ro.

Ông đánh giá gì về tình hình quản trị rủi ro ở các ngân hàng Việt Nam?

Các hệ thống quản lý rủi ro mà các ngân hàng Việt Nam sử dụng nhìn chung thường kém phát triển và kém tinh vi hơn ở những thị trường khác mặc dù nhiều ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước và ngân hàng cổ phần đã và đang mạnh tay đầu tư vào kết cấu hạ tầng và hệ thống quản lý rủi ro.

Khung quản lý rủi ro trong ngành ngân hàng Việt Nam vẫn chỉ đang trong giai đoạn bước đầu khi các ngân hàng chỉ mới bắt đầu xem xét lại cơ cấu quản lý rủi ro của họ. Các ngân hàng trong nước dường như vẫn chưa có những hiểu biết đầy đủ về vai trò của quản lý rủi ro như là một phần quan trọng trong các hoạt động hàng ngày của họ. Chúng tôi chỉ mới bắt đầu chứng kiến nhiều ngân hàng lớn trong nước với các đối tác chiến lược vững mạnh đã bắt đầu có những biện pháp bổ sung để cải tổ các mô hình quản lý rủi ro tín dụng của họ.

Cách thức các ngân hàng đánh giá và quản lý rủi ro đã phải chịu sự xem xét kỹ lưỡng trong vòng 12 tháng qua vì những vấn đề mà các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới đang trải qua và tại thời điểm kinh tế khó khăn mà chúng ta hiện đang đối mặt, và điểm quan trọng là các ngân hàng cần phải có được những hệ thống và quy trình đủ tốt để đánh giá và quản lý rủi ro của họ.

Có một số ý kiến cho rằng dù các ngân hàng Việt Nam không có được sự quản lý rủi ro đủ tốt, họ vẫn sẽ không bị ảnh hưởng nhiều như ở các nước khác, vì các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam thường quản lý chặt chẽ các hoạt động ngân hàng, mặc dù làm như thế đôi khi là can thiệp vào nội vụ của các ngân hàng. Ý kiến của ông thế nào, thưa ông?

- Nghiệp vụ và hoạt động ngân hàng thường bị giám sát và điều tiết chặt chẽ ở tất cả các thị trường và bất chấp các cấp độ giám sát và điều tiết, các ngân hàng trên toàn thế giới vẫn phải đối mặt với khủng hoảng.

Ban lãnh đạo của tất cả các ngân hàng ở Việt Nam phải có trách nhiệm đảm bảo rằng họ đang có những hệ thống và quy trình đủ tốt để nhận diện rủi ro, và sau đó để xác định và đánh giá rủi ro, và để quản lý và giảm nhẹ tác động của những rủi ro đó. Ban lãnh đạo không thể và không nên trông chờ các cơ quan quản lý nhà nước làm việc này cho họ.

Ông có thể đưa ra một vài gợi ý về mô hình quản trị rủi ro cho các ngân hàng ở Việt Nam?

- Mô hình quản lý rủi ro có thể có nhiều hình thức tùy thuộc vào quy mô của ngân hàng, mức độ hứng chịu các loại rủi ro khác nhau và độ phức tạp trong tổ chức của họ. Tuy nhiên, điểm chính yếu khi xác định một mô hình quản lý rủi ro đúng đắn là phải gắn kết được mô hình quản lý rủi ro đó với mục tiêu và chiến lược tổng thể của ngân hàng. Quan trọng là phải hiểu được tại sao ngân hàng cần có một mô hình quản lý rủi ro mạnh mẽ hơn là chỉ đơn giản có nó. Hiển nhiên bước tiếp theo sẽ là đánh giá tình hình hiện tại để lập ra một kế hoạch hành động rõ ràng để triển khai mô hình quản lý rủi ro đó.

Ông có so sánh gì về việc quản lý rủi ro giữa ngân hàng cổ phần và ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước không?

- Các ngân hàng nhà nước và ngân hàng cổ phần thường có các sản phẩm và dịch vụ khác nhau dành cho các đối tượng khách hàng khác nhau và những khác biệt này sẽ dẫn đến những khác biệt về rủi ro cũng như khác biệt trong cách thức họ quản lý rủi ro.

Tôi không tin là có thể nhận định một cách chung chung rằng hệ thống quản lý rủi ro của ngân hàng nhà nước là tốt hơn hay kém hơn ngân hàng cổ phần bởi vì mỗi một ngân hàng, bất kể thuộc loại hình sở hữu nào, đều có những rủi ro rất riêng cần phải quản lý.

Các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam có thể làm gì để cải thiện tình hình quản lý rủi ro ở các tổ chức tài chính cũng như các ngân hàng ở Việt Nam?

- Các cơ quan quản  lý nhà nước Việt Nam, trước hết là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phải tiếp tục phát triển và triển khai thi hành một hệ thống điều tiết và giám sát mạnh mẽ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những tiến bộ lớn lao và ấn tượng trong những năm qua, nhưng, các sự kiện gần đây cho thấy các nhà quản lý chưa thể nghỉ ngơi mà cần phải tiếp tục củng cố bộ khung điều tiết và giám sát.

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam không thể chịu trách nhiệm cho từng quyết định của những bên tham gia vào ngành tài chính mà chính những bên tham gia vào ngành tài chính đó phải làm việc một cách trách nhiệm và cẩn trọng để đảm bảo ổn định và tăng trưởng thị trường tài chính.

Quản trị rủi ro không phải chức năng phụ trợ

Economist Intelligence Unit tháng 2-2009 đã thay mặt cho KPMG International thực hiện một khảo sát thông qua 400 giám đốc điều hành các ngân hàng trên nhiều quốc gia. Kết quả cho thấy 90% trong số 400 người được phỏng vấn đã thực hiện, hoặc đã lên kế hoạch việc khảo sát lại cách thức quản lý rủi ro của họ. 76% người được phỏng vấn tin rằng chức năng quản lý rủi ro vẫn đang phải chịu cái mác không gì khác hơn là chức năng phụ trợ.

“Phần chính yếu của quá trình hàn gắn cuộc khủng hoảng tài chính sẽ là một cuộc cải tổ cho toàn bộ hệ thống quản lý rủi ro chứ không chỉ tập trung vào những vấn đề đơn lẻ. Nếu thiếu cuộc cải tổ toàn diện này, những rủi ro tiềm ẩn sẽ lại tiếp tục xảy ra”, theo lời ông Tim Aman, người đứng đầu Dịch vụ Tài chính của KPMG Việt Nam.

Một số lĩnh vực cần được thay đổi, theo đề xuất của nhóm khảo sát, là việc thiếu kỹ năng quản lý rủi ro ở cấp quản trị; kênh thông tin giữa chức năng quản lý rủi ro với những chức năng còn lại của doanh nghiệp; và chức năng quản lý rủi ro vẫn còn kém sức ảnh hưởng.

Và vì thế, theo ông Aman, các ngân hàng cần phải truyền bá một thông lệ mạnh mẽ để có thể đưa việc quản lý rủi ro vào mọi cấp. Các nhân viên phải trở thành những nhà quản lý rủi ro.

Mô hình quản lý rủi ro hiện đại cần dựa trên ba hàng phòng thủ; những nhân viên từ các cơ sở của doanh nghiệp “như một nền tảng”, bộ phận quản lý rủi ro và sau cùng là bộ phận kiểm soát nội bộ.

(Nguồn: Kết quả khảo sát của Economist Intelligence Unit, KPMG)

Hồng Phúc

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Thị trường vàng nhích nhẹ đầu tuần (13/07/2009)

>   Bảo hiểm tiền gửi: niềm tin giúp ổn định nền kinh tế (13/07/2009)

>   Nông dân không dễ tìm vốn kích cầu (13/07/2009)

>   Làm gì để doanh nghiệp không găm giữ USD? (13/07/2009)

>   Bắt đầu siết cho vay tiêu dùng (13/07/2009)

>   Vietcombank tài trợ vốn cho dự án Him Lam Riverside (12/07/2009)

>   Báo cáo Fitch Ratings và ảnh hưởng tới thị trường tài chính (12/07/2009)

>   Lợi nhuận ngân hàng: Có thực sự cao? (12/07/2009)

>   Người mua trái phiếu ở thế thượng phong (11/07/2009)

>   Thận trọng với các khoản chào cho vay vốn của các đối tác NN (11/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật