Ngân hàng "thoáng," tiềm ẩn nguy cơ vay tiêu dùng
Phù hợp với chủ trương kích cầu của Chính phủ, cho vay tiêu dùng gần đây đã nở rộ. Trên thực tế, đã có nhiều ý kiến nghi ngờ nhiều khoản cho vay tiêu dùng được đổ vào bất động sản và chứng khoán do thời gian qua nhiều ngân hàng đã cho vay quá thoáng, hạn mức cho vay cao, không cần chứng minh mục đích sử dụng vốn.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, mặc dù, mức tăng dư nợ cho vay tiêu dùng vẫn thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống, nhưng nếu không có biện pháp quản lý chặt sẽ rất nguy hiểm vì tạo ra vòng luẩn quẩn. Khách hàng thế chấp nhà vay tiền mua chứng khoán rồi lại thế chấp chứng khoán vay tiền, như vậy sẽ rủi ro cho ngân hàng và cho cả nền kinh tế.
Theo ông Giàu, sẽ phải quản chặt cho vay tiêu dùng để nguồn vốn không chạy vào các kênh gây méo mó thị trường.
Tăng "nóng" tín dụng tiêu dùng
Anh Phạm Văn Sơn - phố Lãng Yên (Hà Nội) cho biết: "Tôi ấp ủ dự định mua ôtô đã lâu nhưng chưa đủ tiền. Nay các ngân hàng thông báo sẽ cho vay tới 80% giá trị tài sản, thời gian trả nợ lên tới 7 năm, hơn nữa phí trước bạ ôtô giảm một nửa từ tháng 5 nên đây là thời điểm lý tưởng để vay tiêu dùng".
Anh Sơn cho biết thêm: "Trước đây lãi suất 19-20%, giờ rút xuống còn một nửa, các điều kiện cũng dễ hơn nên mình thấy đây là thời điểm thích hợp đối với những người tiêu dùng có nhu cầu nhưng chưa có nhiều tiền".
Nắm bắt được nhu cầu của người dân, các ngân hàng đã tung ra hàng loạt các sản phẩm để thỏa mãn "thượng đế". Những hạn mức tín dụng tiêu dùng 200 triệu đồng, 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng là khá phổ biến, đặc biệt hạn mức lên tới 1 tỷ đồng cũng xuất hiện. Thời gian trả nợ có thể lên tới 10 năm. Điều kiện cho vay hấp dẫn, thời gian trả nợ dài hơn nên số lượng người dân vay tiêu dùng tăng nhanh chóng.
Chính vì vậy, nửa đầu năm 2009, nhiều ngân hàng đã vượt kế hoạch cho vay tiêu dùng. Ngân hàng Techcombank đã hoàn thành 75% kế hoạch cả năm, Ngân hàng Quốc tế VIB 60%...
Chính mức tăng này đã đóng góp mạnh vào lợi nhuận của các ngân hàng trong thời gian qua, đây được xem là tích cực của hệ thống Ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh suy thoái toàn cầu.
Theo Ngân hàng Nhà nước, 5 tháng đầu năm 2009, hệ thống ngân hàng giải ngân được 85.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng, tăng 11,6% so với cuối năm 2008.
Theo các chuyên gia kinh tế thì đây là mức tăng phù hợp khi Chính phủ đang thực hiện kích cầu tiêu dùng.
"Ngoài nhu cầu của người dân tăng lên thì việc Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các ngân hàng thương mại cho vay theo lãi suất thỏa thuận từ tháng 2/2009 đã giúp tín dụng tiêu dùng phát triển", ông Nguyễn Thanh Toại - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết.
Siết chặt điều kiện cho vay
Theo các chuyên gia kinh tế, để nắm rõ tính hiệu quả thực sự của tín dụng tiêu dùng, cần làm rõ số tiền cho vay tiêu dùng phản ánh số lượng hay giá trị các khoản vay.
Nếu chỉ đơn thuần phản ánh giá trị trong khi số lượng lại không lớn sẽ dẫn đến chuyện sử dụng sai mục đích khoản vay. Nếu khoản vay quá lớn sẽ không phải là vay tiêu dùng.
Hơn nữa, các sản phẩm cho vay tiêu dùng tín chấp không cần tài sản đảm bảo và không cần chứng minh mục đích sử dụng cũng được nâng lên 500 triệu đồng. Thực tế này khiến nhiều người không khỏi lo ngại, bởi rủi ro tiềm ẩn với loại tài chính này vẫn rất cao, có thể gây nguy hiểm cho nền kinh tế, làm giá cả trên các thị trường chứng khoán, bất động sản bị đẩy lên cao hơn so với giá trị thực.
"Khi cho vay, các ngân hàng đều cố gắng tối đa để người tiêu dùng không sử dụng sai mục đích. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng kiểm soát hết được", lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết.
Theo vị lãnh đạo này: "Cho vay tiêu dùng quan trọng nhất là giám sát thu nhập của người vay để đảm bảo có thể trả được nợ. Bên cạnh đó phải tuân thủ các điều kiện cho vay, tránh chạy theo số lượng mà quên mất chất lượng các khoản vay. Thực tế nếu xảy ra rủi ro thì ngân hàng chính là đối tượng phải chịu rủi ro lớn nhất chứ không phải người đi vay".
Rõ ràng cho vay tiêu dùng đã tiến những bước dài nhưng vẫn còn những mối lo ngại.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng từ 30% xuống còn 25-27% trong năm nay. Trong khi đó, nhiều ngân hàng thương mại trong 6 tháng đầu năm đã tăng trưởng tín dụng trên 17%. Vì vậy cho vay tiêu dùng trong những tháng cuối năm sẽ khó đạt kết quả như những tháng đầu năm mặc dù nhu cầu mua sắm của người dân sẽ cao hơn.
Theo các chuyên gia kinh tế thì không nên đặt các mức tăng trưởng tín dụng cố định cho các ngân hàng mà nên "siết" điều kiện vay vì chủ trương hiện nay vẫn là kích cầu tiêu dùng./.
VIETNAM+
|