Thứ Sáu, 31/07/2009 06:25

Tín dụng: gánh nặng hai vai

Tăng trưởng tín dụng bao nhiêu, có hay không nguy cơ tái lạm phát, khi nào rút gói kích cầu bù lãi suất... là những vấn đề đã được các chuyên gia bàn thảo tại buổi tọa đàm ngày 30-7 ở Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.

Các chuyên gia cho rằng tín dụng nhiều hay ít là con số tính toán cho hợp lý vì nó gánh trên vai hai nhiệm vụ, đó là phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng cho nền kinh tế nhưng cũng không là nguyên nhân gây tái lạm phát.

Lạm phát chưa đáng lo

Tốc độ tăng tín dụng là nội dung được bàn thảo nhiều nhất tại buổi tọa đàm. Định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2009 do Ngân hàng (NH) Nhà nước đề ra mới đây dao động từ 25-27%, thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra trước đó là dưới 30%. Trong đó khối NH quốc doanh chỉ tăng không quá 25%, khối NH cổ phần không quá 27%. Như vậy chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã được thay đổi đến ba lần, đầu năm 2009 chỉ tiêu NH Nhà nước đề ra là 21-23%.

“Trong bối cảnh hiện nay, chính sách tín dụng nên quan tâm đến chất lượng hơn là số lượng” - PGS.TS Trần Hoàng Ngân, hiệu phó Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nói.

Theo ông Ngân, mặc dù NH Nhà nước đã công bố chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ khoảng 27%, nhưng nếu kinh tế tăng trưởng cao hơn dự kiến thì dư nợ tín dụng vẫn có thể tăng, chẳng hạn như lên 30%. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng tín dụng không thể cào bằng theo kiểu “cá mè một lứa” mà còn tùy theo quy mô và năng lực của từng NH.

Cũng theo ông Ngân, tính đến tháng 7-2009 chỉ số giá tiêu dùng của VN chỉ 3,2%, dự kiến lạm phát năm nay khoảng 7%, nằm trong mức dự báo từ 6-8% như trước đây. Do đó, lạm phát không phải là vấn đề phải lo lắng trong thời điểm hiện nay, nhất là khi các doanh nghiệp vẫn rất cần vốn để đầu tư sản xuất.

Ông Nguyễn Xuân Giao, trưởng phòng nghiên cứu quỹ đầu tư VietCapital, cho rằng trong điều kiện hiện nay, khi người dân vẫn chưa hết thắt lưng buộc bụng, thất nghiệp vẫn còn thì tăng trưởng tín dụng phần nào phản ánh kỳ vọng phát triển, do vậy không nên quá ám ảnh chuyện lạm phát mà cần chú trọng đến tăng trưởng. Tuy nhiên, việc kiểm tra và giám sát chất lượng tín dụng là cần thiết để đảm bảo đồng vốn được đưa vào sản xuất chứ không phải chạy vào bất động sản hay chứng khoán...

Hậu kích cầu: đừng gây sốc

Tại buổi trao đổi, các vấn đề xung quanh gói kích cầu bù lãi suất và các cơ chế hậu kích cầu cũng được đưa ra bàn thảo. Ông Hồ Xuân Nghiễm, phó tổng giám đốc NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), đề nghị sau năm tháng triển khai cần có đánh giá về tính hiệu quả của gói kích cầu, từ đó khoanh vùng lại, doanh nghiệp nào cần được hỗ trợ, doanh nghiệp nào nên rút. Nhưng ông Nghiễm cũng cho rằng cần thận trọng trước các đề xuất nên dừng bù lãi suất. Theo ông Nghiễm, diễn biến kinh tế chưa thật rõ ràng, nếu ngừng bù lãi suất ở thời điểm này thì cần phải cân nhắc khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia đồng tình cho rằng các gói kích cầu cần được duy trì, trên cơ sở xem xét hiệu quả và đưa ra một phương án mới phù hợp với tình hình hiện nay. Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, nếu có cân nhắc về gói kích cầu thì chỉ nên thu hẹp một số ngành như thương nghiệp, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ tư vấn, nhập khẩu hàng tiêu dùng... Nhiều ý kiến cũng đề xuất phải tính ngay đến giai đoạn hậu kích cầu. Nên có bước đệm trước khi chuyển qua giai đoạn hậu kích cầu để tránh gây sốc cho doanh nghiệp, hoặc khi thu hẹp đối tượng nên tiến hành từng bước chứ không nên làm đột ngột.

Liên quan đến những lo ngại về khả năng vốn kích cầu không được sử dụng đúng mục đích, chảy qua kênh chứng khoán, bất động sản, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng nếu có cũng không nhiều và khó tạo ra những bong bóng mới trên hai thị trường này. Ông Ngân phân tích vay hỗ trợ lãi suất chỉ chiếm 1/4 trong tổng dư nợ hiện tại của nền kinh tế, chủ yếu là hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn lưu động sản xuất nên không thể làm gia tăng lạm phát. Tương tự, một lượng nhỏ vốn có bù lãi suất nếu có chảy qua chứng khoán cũng khó tạo ra tình trạng bong bóng mới khi quy mô của thị trường chứng khoán hiện tương đương 20% GDP.

Nên hiểu đúng tín dụng tiêu dùng

Ông Hồ Xuân Nghiễm cho rằng tín dụng tiêu dùng thực chất là cho vay cá nhân phục vụ nhu cầu nhà ở, phương tiện đi lại, tiêu dùng... Theo nghĩa này, tín dụng tiêu dùng không mang hàm ý xấu trừ những NH đẩy hạn mức cho vay tiêu dùng lên đến cả tỉ đồng nhưng lại không cần chứng minh mục đích sử dụng.

Giải pháp kinh tế phá băng thị trường ngoại tệ

Theo các chuyên gia tại buổi tọa đàm, NH Nhà nước nên xem xét lại cách điều hành tỉ giá để giải tỏa áp lực cho thị trường ngoại hối. Hiện tại áp lực cầu ngoại tệ quá lớn, do vậy dù NH Nhà nước thanh tra giám sát nhưng tình hình mua bán vượt giá trần vẫn phổ biến. Theo các chuyên gia, thanh tra giám sát là tất yếu nhưng NH Nhà nước nên đưa ra các giải pháp mang tính chất kinh tế hơn để ổn định thị trường ngoại hối. Chẳng hạn như ngưng bù lãi suất cho những doanh nghiệp còn găm giữ USD, tăng tỉ giá liên NH nhưng rút ngắn biên độ biến động tỉ giá.

Ánh Hồng - Hải Đăng

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   VCB và Vietinbank được cho Petrolimex vay và bảo lãnh vượt giới hạn (30/07/2009)

>   Thủy điện Huội Quảng được phép vay vượt 15% vốn tự có (30/07/2009)

>   Lãi suất cơ bản bằng ĐVN duy trì ở mức 7% năm (30/07/2009)

>   Bức tranh ngân sách (30/07/2009)

>   Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: Ngoại hối đang là bài toán khó (30/07/2009)

>   Lãi suất tiền gửi tăng trở lại (30/07/2009)

>   TNB đưa vào hoạt động thêm hai phòng giao dịch (30/07/2009)

>   Năm 2010: Nhiều ưu đãi về thuế và phí (30/07/2009)

>   Vàng tiếp tục giảm giá mạnh, giao dịch chưa sôi động (30/07/2009)

>   Lập cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng (30/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật