Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: Ngoại hối đang là bài toán khó
Điều hành thị trường ngoại tệ và tỷ giá là bài toán khó - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu nói như vậy trong cuộc trao đổi quanh câu chuyện căng thẳng cung – cầu USD thời gian qua.
Ông Nguyễn Văn Giàu nói:
Điều hành thị trường ngoại tệ và tỷ giá không chỉ liên quan tới một vài chục, vài trăm doanh nghiệp và cũng không đơn thuần chỉ là bài toán riêng của ngành ngân hàng. Đây là bài toán khó của cả nền kinh tế khi mức độ hội nhập với khu vực và quốc tế đã tương đối sâu rộng nhưng vẫn muốn duy trì chính sách tiền tệ tương đối độc lập.
Ngân hàng Nhà nước luôn khẳng định nền kinh tế không thiếu USD nhưng thực tế thị trường đã căng thẳng nhiều tháng nay. Theo ông, “nút thắt” nằm ở đâu?
Có hai nguyên nhân chủ yếu của tình trạng căng thẳng trên thị trường trong thời gian vừa qua.
Một là do khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động tâm lý găm giữ ngoại tệ. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu găm giữ, không bán ngoại tệ nên các ngân hàng thương mại không có đủ ngoại tệ để điều hoà cho nền kinh tế.
Thêm vào đó, giới đầu cơ đã lợi dụng tâm lý găm giữ ngoại tệ trên thị trường, đưa ra những tin đồn thất thiệt chẳng hạn như tin đồn về việc Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phá giá thêm 5% nữa, khiến dư luận hoang mang, gây nên biến động tỷ giá trên thị trường “chợ đen”.
Nguyên nhân thứ hai là do tác động phụ của chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất, khiến cho lãi suất vay đồng Việt Nam trở nên hấp dẫn, chỉ còn khoảng 5-6% sau khi đã được hỗ trợ lãi suất. Chính vì vậy, một số doanh nghiệp có tâm lý muốn vay VND, đồng thời giữ ngoại tệ để chờ thu lợi từ chênh lệch giá.
Vì vậy, nếu giải tỏa được yếu tố tâm lý và xử lý hài hòa lợi ích của việc nắm giữ VND và USD thì sẽ giải quyết được tình trạng trên.
Đã nhìn ra những nút thắt, nhưng vì sao suốt mấy tháng nay, thị trường vẫn “tắc” cung USD, thậm chí còn căng thẳng hơn, thưa ông?
Trước hết, phải khẳng định tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong những tháng đầu năm đã được cải thiện rõ rệt so với cùng kỳ năm trước với tỷ lệ lạm phát và nhập siêu được giữ ở mức thấp, nền kinh tế đã bước đầu khôi phục đà tăng trưởng.
Về phần mình, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm ổn định thị trường. Ngân hàng Nhà nước cũng đã công bố những thông tin về kinh tế vĩ mô để người dân và doanh nghiệp hiểu rõ hơn về tình hình kinh tế đất nước và các chính sách của Ngân hàng Nhà nước.
Về chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đang cân nhắc các phương án điều chỉnh để đạt được hai mục tiêu là giúp doanh nghiệp thích ứng với việc chương trình hỗ trợ lãi suất sẽ kết thúc và giảm bớt tác động phụ đối với thị trường ngoại tệ.
Các ngân hàng thương mại cũng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay USD xuống còn từ 3-3,5%/năm để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn USD.
Tuy nhiên, các chính sách kinh tế vĩ mô đưa ra luôn có độ trễ trước khi phát huy đầy đủ tác dụng, hay nói cách khác là cần có thời gian để “thấm” vào nền kinh tế.
Thực tế, chỉ cần Ngân hàng Nhà nước tăng thêm cung USD cho thị trường, áp lực thiếu USD sẽ dịu ngay tức thời, ông có nghĩ như vậy?
Nhiều người cũng đặt ra câu hỏi tại sao Ngân hàng Nhà nước không chọn cách dễ để làm, chỉ cần bán thêm nhiều USD, tăng lượng cung USD là có thể ổn định thị trường.
Tuy nhiên, khi lựa chọn các biện pháp điều hành thị trường ngoại tệ và tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước luôn phải đảm bảo sự bền vững của cán cân thanh toán quốc tế đặc biệt là trong điều kiện nước ta là một nước nhập siêu suốt 23 năm qua và dự kiến sẽ còn nhập siêu trong những năm tới.
Một yếu tố quan trọng cũng cần phải tính tới là khi có sẵn nguồn ngoại tệ trong tay, các doanh nghiệp lại ồ ạt nhập khẩu, nhất là những mặt hàng không thiết yếu, làm tăng nhập siêu, ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất trong nước. Mặc dù có một số doanh nghiệp phàn nàn, nhưng điều hành chính sách phải xét đến lợi ích của toàn bộ nền kinh tế.
Bởi thế, như tôi đã nói ở trên, ngoại tệ là câu chuyện của cả nền kinh tế chứ không chỉ liên quan đến vài chục, vài trăm doanh nghiệp nhập khẩu.
Tương tự như vậy, ngay từ khi thiết kế chương trình hỗ trợ lãi suất, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã lường trước được những tác động phụ đối với thị trường ngoại tệ, nhưng để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn thì vẫn phải kiên quyết triển khai chương trình này vì lợi ích chung của cả nền kinh tế.
Nhưng với việc “tắc” USD để nhập khẩu, rõ ràng đầu vào của nhiều ngành sản xuất trong nước cũng bị “tắc” theo, điều này theo nhiều chuyên gia là bất lợi cho nền kinh tế, thưa ông?
Đúng là thị trường ngoại tệ chưa hết khó khăn, nhưng hệ thống ngân hàng vẫn đảm bảo ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu cho hoạt động sản xuất.
Cũng phải nói thêm là Chính phủ đã có chủ trương không khuyến khích nhưng có nhiều doanh nghiệp vẫn nhập khẩu những mặt hàng mà đáng lẽ ra có thể khai thác từ nguồn nguyên phụ liệu có sẵn trong nước.
Bên cạnh đó, còn tồn tại một vấn đề mang tính xã hội, đó là việc nhập khẩu những mặt hàng xa xỉ trong điều kiện nền kinh tế còn khó khăn.
Doanh nghiệp kêu ca, những biện pháp “siết chặt quản lý” gần đây của Ngân hàng Nhà nước chỉ càng làm tăng chi phí mua USD thực tế của họ?
Đây không phải là việc ban hành các chính sách mới mà chỉ là các biện pháp tăng cường sự tuân thủ của những chính sách đã có. Khi tình hình thị trường có sự thay đổi, bản thân doanh nghiệp và ngân hàng cũng phải có sự điều chỉnh nhất định.
Doanh nghiệp có thể lựa chọn đi vay USD, hiện lãi suất chỉ còn 3-3,5%, hoặc có thể đa dạng hóa đồng tiền thanh toán, ví dụ như giao dịch với đối tác Nhật thì thanh toán bằng đồng Yên…
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong những tháng đầu năm dư nợ cho vay ngoại tệ giảm, tuy nhiên trong những tuần gần đây với các biện pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay ngoại tệ bắt đầu tăng trở lại.
Tôi cho rằng, đây là dấu hiệu tích cực thể hiện sự điều chỉnh và năng động của cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp.
Ông nói vậy nhưng nhiều doanh nghiệp lại cho rằng, dư nợ cho vay tăng chỉ vì giá mua USD bị đẩy quá cao so với trần niêm yết?
Trong bối cảnh thị trường tương đối khó khăn, bản thân các doanh nghiệp phải có sự lựa chọn hợp lý. Hiện tại lãi suất vay ngoại tệ đã ở mức thấp, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định giữ tỷ giá ổn định và mức lạm phát dự kiến chỉ khoảng 6-7% thì theo tôi doanh nghiệp chuyển sang vay USD là dễ hiểu
Vì sao Ngân hàng Nhà nước không rút ngắn khoảng cách tỷ giá trong – ngoài mà lại dùng các biện pháp như một số người cho rằng chỉ là “cắt ngọn” như thanh tra, cấm đoán khiến cả ngân hàng và doanh nghiệp đều phải “lách” cơ chế nếu muốn có giao dịch thực tế?
Như tôi đã nói ở trên, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai áp dụng đồng bộ các biện pháp kinh tế, những biện pháp chấn chỉnh chỉ là để bổ sung cho các biện pháp kinh tế. Thị trường nào cũng vậy, không thể buông lỏng quản lý trừ khi tỷ giá được thả nổi hoàn toàn và điều này sẽ không xảy ra trong tương lai gần.
Ngoài ra, cần xem lại cách hành xử của một số doanh nghiệp xuất khẩu đã được hỗ trợ khi vay vốn để xuất khẩu nhưng khi thu được ngoại tệ lại không bán cho ngân hàng.
Thưa ông, thực tế cho thấy việc nới biên độ đã kích thích kỳ vọng USD sẽ còn tiếp tục tăng giá. Ngân hàng Nhà nước đánh giá thế nào về vấn đề này?
Theo quan điểm của Ngân hàng Nhà nước, mức tỷ giá như hiện nay là hợp lý khi lạm phát được kiểm soát và đồng USD đang có xu hướng giảm giá trên thị trường quốc tế, đặc biệt là đối với đồng tiền của các nước trong khu vực có cơ cấu xuất khẩu tương đối giống Việt Nam.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, việc điều chỉnh giảm giá VND sẽ có tác động bất lợi, chưa chắc đã làm giảm nhập siêu nhưng chắc chắn sẽ làm tăng gánh nặng trả nợ nước ngoài của Việt Nam.
Mặt khác, theo quyết tâm của Bộ Công Thương, năm nay nhập siêu dưới 20% kim ngạch xuất khẩu, từ 8 - 10 tỷ USD. Đây là mức thấp hơn nhiều so với mức nhập siêu 18 tỷ USD năm 2008. Trong 7 tháng qua, chúng ta chỉ mới nhập siêu 3,38 tỷ USD và theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước, các luồng ngoại tệ chuyển vào bao gồm FDI, vay trung dài hạn, kiều hối trong 5 tháng cuối năm tương đối khả quan và hoàn toàn có thể bù đắp thâm hụt thương mại.
Do vậy, các doanh nghiệp đang găm giữ USD sẽ phải tính toán lại, nếu không họ cũng sẽ bị thiệt hại về mặt kinh tế với mặt bằng lãi suất USD và VND như hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Phan Hùng
VIETNAMNET
|